Trả lời sai ngay câu hỏi đầu tiên, tôi bị loại trong sự ngỡ ngàng của chính bản thân và những người quen biết. Trời ơi, phải nói là tôi cảm thấy vô cùng ê chề.
Mấy ngày qua dư luận sôi sùng sục vì phần phát sóng Vietnam’s Got Talent tập 7. Nhân vật chính được chú ý không phải là thí sinh dự thi mà là gia đình và những câu chuyện bên lề. Đã có nhiều ý kiến nói qua nói lại, đã có nhiều bài báo rút ra nhiều bài học, khuyên can dư luận bớt quá đà…
Việc tại sao dư luận bùng phát chỉ trích mạnh mẽ đến thế, 17.000 dislike trên Youtube trong vòng có mấy ngày sau khi đưa lên – lập kỷ lục về bàn luận cho một clip sẽ để dành cho các nhà xã hội học phân tích, về phần mình tôi chỉ xin kể câu chuyện đã trải qua của bản thân.
Cách đây mấy năm, khi tôi đang công tác tại một bệnh viện lớn của TP Hồ Chí Minh, trên truyền hình bắt đầu có game show mới rất hấp dẫn, đó là ĐTMT. Cả gia đình tôi theo dõi say sưa. Tôi thường gào thét mỗi khi người thi trả lời sai: sao kém thế, dễ thế mà không biết, quá kém, lại chọn câu dễ à, hèn thế…
Mà quả thật, tôi thường xuyên trả lời đúng tất cả các câu hỏi cho tới tận vòng cuối cùng. Vợ con tôi vô cùng ngưỡng mộ kiến thức uyên bác của tôi. Hai đứa con tôi cứ xuýt xoa: sao bố không đi thi, đi thi cho người ta biết mặt.
Cầu được ước thấy, mấy tháng sau công đoàn bệnh viện tôi liên hệ được đi tham dự cuộc thi trên truyền hình. Khỏi phải nói mọi người cũng biết tôi và gia đình đã kỳ vọng vào chiến thắng như thế nào.
Vào cuộc thi, sau phần test, tôi vô cùng may mắn được chọn lên ghế nóng ngay đầu tiên. Sau một câu hỏi khởi động rất dễ, vào phần thi kiến thức, tôi chọn phần khó nhất là Lịch sử, và trong phần Lịch sử này, tôi chọn ngay cấp độ khó nhất.
Và khi đọc xong câu hỏi tôi ngay lập tức đưa ra câu trả lời, mặc dù người dẫn chương trình tha thiết nhắc đi nhắc lại tôi còn nhiều sự trợ giúp. Tôi còn nhớ câu hỏi: Vị vua nào vừa là một danh tướng vừa là một nhà thơ, trong đáp án có vua Trần Nhân Tông và Lê Thánh Tông, tôi chọn vua Lê Thánh Tông.
Nhưng khi đèn sáng, đáp án của tôi là SAI, tôi bị loại khỏi cuộc chơi. Trời ơi, phải nói là tôi cảm thấy vô cùng ê chề. Sự ê chề chưa dừng ở đó, khi phát sóng chương trình, họ hàng bạn bè tôi ở Hà Nội thấy tôi trên tivi đã í ới gọi nhau mở ngay tivi để xem, nhưng mọi người chưa kịp ngồi xuống ghế thì tôi đã bị loại, mà bố mẹ tôi thường tự hào từ bé rằng tôi là đứa thông minh sáng dạ nhất nhà!
Ở bệnh viện mọi người nhìn tôi mỉm cười ý nhị. Còn ở nhà thì khỏi phải nói, vợ tôi hả hê ra mặt, còn hai đứa con không ngớt lời chê bố.
Vì cũng lớn tuổi nên tôi cũng vượt qua được sự xấu hổ và âm thầm rút ra được bài học cho mình. Giá như tôi đừng quá kiêu căng, hiếu thắng thì có khi tôi đã đi tới được vòng cuối.
Tôi còn nhớ sau khi ra hậu trường phòng quay, người đạo diễn đã nói với tôi, bọn em rất hi vọng ở phần thi của anh vì phần thi test anh trả lời đúng hết, và tôi nhớ lại ánh mắt rất lạ của người dẫn chương trình khi hỏi tôi có thay đổi quyết định không!
Tôi đã nhận được bài học rất đau đớn cho sự kiêu ngạo của mình. Hậu quả của nó không chỉ dừng ở đấy, tôi cảm thấy sự đối xử của nhân viên, đồng nghiệp với mình sau chuyện này có phần giảm đi sự tôn trọng. Tôi đã phải trả giá.
Truyền hình thực tế là vậy, nó rất khắc nghiệt vì phơi bày con người thật của mình ra cho toàn dân thiên hạ biết và bình phẩm. Nhưng nó cũng rất bổ ích vì qua một con người cụ thể nó đem lại bài học cho bao người khác.
Sau cái lần thi ấy tôi trở nên khiêm tốn và bao dung hơn. Nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện này tôi vẫn không ngớt tự dày vò bản thân: có nhất thiết phải trả giá như thế không?
Quan Thế Dân
Source: Báo VNExpress