Mỗi khán giả đến với triển lãm “Mô hình nhựa Paramodel chính là Paramodel” đều được sống lại tuổi thơ, với hình ảnh đường ray xe lửa màu xanh được thiết kế độc đáo trong một trò chơi của sự sắp đặt.
Tối 16/2, triển lãm sắp đặt nghệ thuật “Mô hình nhựa của Paramodel chính là Paramodel” của nhóm nghệ sĩ Paramodel Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ thú vị. Xuất phát từ ý tưởng cuộc sống luôn luôn thay đổi, hai nghệ sĩ đã sáng tạo nên những tác phẩm mà tinh thần chủ đạo là kết nối những yếu tố rời rạc với nhau.
Triển lãm “Mô hình nhựa của Paramodel chính là Paramodel” tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. |
Những đường ray xe lửa được sắp đặt từ những miếng nhựa màu xanh. Tác phẩm được trình bày trên tường, trần nhà, bên trong căn phòng, thậm chí là dọc bức tường bên ngoài tòa nhà của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản ở phố Quang Trung, Hà Nội. Trong không gian đó, sự tương tác của ánh đèn điện với màu xanh của đường ray và những vật dụng khác tạo nên những hiệu ứng thị giác lạ mắt.
Những tác phẩm paramodel gợi cho khán giả cảm giác được quay trở về thời thơ ấu của họ, với mô hình lắp ráp đồ chơi từ những miếng nhựa. Nó kích thích sự sáng tạo của con người và gây hứng thú về những vật dụng hoàn toàn có thể tháo rời để lắp ráp lại theo những ý tưởng khác nhau. Triển lãm vì thế không chỉ là không gian thưởng ngoạn của người lớn mà còn thu hút rất nhiều trẻ em đến xem và thử nghiệm.
Trẻ em thích thú với những mô hình tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Anh. |
Hayashi Yasuhiko, một trong hai nghệ sĩ chủ nhân của tác phẩm Paramodel, cho biết triển lãm đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Mỗi nơi các nghệ sĩ đi qua, họ đều cố gắng tìm được những yếu tố thuần của quốc gia đó. Những vật dụng được sử dụng trong triển lãm lần này như viên gạch, xe… đều rất quen thuộc ở Việt Nam. Hayashi Yasuhiko chia sẻ, anh có mặt ở Hà Nội hơn hai tuần trước khi triển lãm diễn ra và đã quan sát không gian, con người nơi đây.
Hayashi Yasuhiko nói: “Những đường ray mà chúng tôi lắp ghép hôm nay có thể chưa hoàn thiện, và nó cũng không bao giờ có thể hoàn thiện, vì mỗi người có thể làm cho mình một đường ray, một kết nối đi ra ngoài thế giới. Đó cũng chính là ý nghĩa cơ bản của triển lãm này – thể hiện cái thay đổi hàng ngày của nghệ thuật đương đại”.
Nghệ sĩ Nhật Bản Hayaki Yasuhiko. Ảnh: Hoàng Anh. |
Lý giải về cái tên “Paramodel”, Hayashi Yasuhiko cho biết, “Paramodel” được hợp nhất từ các từ Paradise (thiên đường), Paradox (nghịch lý) và Model (mô hình). Ý định của các nghệ sĩ là biến không gian sống thành một thiên đường theo trí tưởng tượng bằng chính những đồ vật quen thuộc. Còn “nghịch lý” được giải thích là sự kết nối của những mâu thuẫn.
Ngoài ra, tên của nhóm trong tiếng Nhật là Puramoderu, có nghĩa là “sắp đặt sa bàn đồ chơi”. Qua việc kết hợp tinh xảo đồ chơi bằng nhựa cùng với các vật liệu đời thường khác, hai nghệ sĩ đã sáng tạo ra các bản thiết kế thiên đường, đồng thời nhấn mạnh các nghịch lý của cuộc sống.
Mô hình “những đường ray màu xanh” tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Anh. |
Triển lãm “Mô hình nhựa của Paramodel chính là Paramodel” bắt đầu từ ngày 16/2 và dự kiến kéo dài trong vòng một tháng tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản. Theo các nghệ sĩ, mỗi một ngày triển lãm sẽ được trưng bày theo một phong cách khác nhau.
Nhóm “Paramodel” được hai nghệ sĩ Nhật Bản Hayashi Yasuhiko và Nakano Yusuke sáng lập năm 2001. Đến nay, nhóm đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại Nhật cũng như nhiều nơi khác trên thế giới như Nga, Pháp và sắp tới là Australia.
Hoàng Anh
Source: Báo VNExpress