VnExpress tròn 11 tuổi

Ra mắt trên Internet ngày 26/2/2001, 11 năm qua VnExpress luôn giữ vững vị trí là báo điện tử tiếng Việt có nhiều người xem nhất toàn cầu. Hiện, trung bình mỗi ngày Báo đón nhận khoảng 34 triệu lượt truy cập, trong đó có lượng lớn từ nước ngoài.

Ra đời thầm lặng, không quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chỉ 6 tháng sau, VnExpress đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong số các website tiếng Việt trên toàn cầu. Ngày 25/11/2002, VnExpress trở thành báo đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên hoạt động trên Internet. Cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học Công nghệ. Báo phát triển với nguồn thu duy nhất là từ quảng cáo.

Toà soạn VnExpress. Ảnh : Hoàng Hà
Toà soạn VnExpress tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

11 năm qua, VnExpress luôn giữ vững vị trí báo điện tử tiếng Việt có lượng độc giả truy cập lớn nhất toàn cầu. Lưu lượng truy cập liên tục tăng mạnh và đạt những kỷ lục mới. Theo Google Analytics, VnExpress hiện có hơn 17 triệu độc giả thường xuyên (unique visitors), với khoảng 34 triệu lượt truy cập (pageviews) mỗi ngày. Độc giả trong nước chiếm hơn 80%, 7% ở Mỹ, số còn lại từ các nước khác trên khắp châu lục.

Trung bình mỗi ngày báo cập nhật khoảng 170 đầu mục tin bài, trong đó 95% là sản phẩm do phóng viên, biên tập viên thực hiện. Trong số 14 trang nội dung chuyên đề, các trang: Xã hội, Văn hóa, Pháp luật, Thế giới, Thể thao… có lượng bạn đọc lớn hơn cả.

Ảnh: Tòa soạn báo VnExpress

Với nguyên tắc “độc giả là trên hết”, ngay từ ngày đầu thành lập, VnExpress đã xây dựng và trung thành với đường lối đưa tin khách quan, trung thực và nhanh chóng. Trong cuộc chiến ở Lybia, thảm họa động đất tại Nhật Bản, biến động giá vàng trong nước, vụ án Lê Văn Luyện… nhiều độc giả chia sẻ, họ liên tục vào VnExpress để cập nhật tin tức.

Bên cạnh tin tức thời sự, VnExpress tập trung nhiều hơn vào các vấn đề được độc giả quan tâm như: bầu chọn nhân sự cấp cao; căng thẳng ở biển Đông; các giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; tái cơ cấu ngân hàng và mới đây là vụ thu hồi, cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng)…

Ngày càng nhiều chính khách, đại sứ, chuyên gia, người nổi tiếng trả lời phỏng vấn trên VnExpress. Ngay sau khi trình quốc thư tại Hà Nội, tháng 9/2011 đại sứ Mỹ David Shear đã trả lời độc giả VnExpress về quan hệ Việt – Mỹ và vấn đề biển Đông. Trong khi dư luận xôn xao với đề án tăng giá điện, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực đã quyết định chọn VnExpress là báo duy nhất trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Đại sứ Mỹ David B. Shear (giữa) trong buổi phỏng vấn trực tuyến với độc giả VnExpress. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại sứ Mỹ David B. Shear (giữa) trong buổi trả lời phỏng vấn trực tuyến. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh danh sách thường niên “Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán” do Báo khởi xướng năm 2006, VnExpress còn tổ chức bình chọn “Nhân vật của năm”. Chương trình thường niên này có sự tham gia của nhiều chính khách, chuyên gia trong vai trò ban giám khảo; thu hút hàng chục nghìn lượt bình chọn, comment.

Báo đang hướng nhiều hơn tới tính tương tác với người đọc. Ngày càng nhiều tin bài, ảnh, video là do độc giả cung cấp. Một số trang trên VnExpress đang hoạt động chủ yếu dựa vào độc giả. Mỗi ngày, trang Tâm sự nhận được hàng trăm email chia sẻ, gửi gắm tâm tư, tình cảm. Những cuộc thi ảnh, video về đất nước, con người Việt Nam; thi viết về tấm gương nghèo vượt khó; Kiều bào viết Xuân quê hương… cũng thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

Thông qua các bài viết trên Báo, hàng trăm người dân, cảnh đời đã được ủng hộ, giúp đỡ. Tháng 3/2011 khi người dân Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất, cùng với việc đưa tin nhanh chóng, VnExpress là tờ báo đầu tiên nhận quyên góp, hỗ trợ từ độc giả với số tiền 3 tỷ đồng. Nhiều học sinh nghèo ở Tây Nguyên cũng bớt nỗi lo khi đỗ đại học nhờ tấm lòng hảo tâm của độc giả.

Phóng viên Văn Minh
Phóng viên VnExpress tác nghiệp trong một vụ sạt lở núi tại Quảng Ngãi.

Từ một trụ sở chính ở Hà Nội, VnExpress đã phát triển văn phòng đại diện ở TP HCM và đội ngũ phóng viên thường trú tại nhiều vùng miền. Tòa soạn tại Hà Nội được thiết kế theo không gian mở, toàn bộ phóng viên, biên tập ngồi trên mặt bằng gần 1.000 m2, không có ngăn cách. Trung tâm của tòa soạn là Super desk (khu vực của Ban biên tập), xung quanh là các ban chuyên môn, bố trí theo từng khối.

Bên cạnh VnExpress, tòa soạn còn có các chuyên trang phục vụ độc giả trên các lĩnh vực chuyên biệt như: Ngôi sao, Số hóa, Game thủ, iOne, Ebank… Tòa soạn hiện có hơn 150 phóng viên, biên tập viên, tuổi đời trung bình là 28. Họ đều tốt nghiệp ít nhất một trường đại học.

Các phóng viên VnExpress yêu nghề, sẵn sàng dấn thân, với khát khao cung cấp thông tin nóng, hữu ích cho độc giả. Họ đã trắng đêm trong giá lạnh 0 độ C ở Mẫu Sơn hay đi bộ hàng chục km để bắt khoảnh khắc “độc” CEO Facebook cưỡi trâu tại Sapa… Lăn lộn tại Tiên Lãng (Hải Phòng) những ngày cận Tết, phóng viên trẻ Nguyễn Hưng đã vượt qua những đe dọa tại hiện trường, và cả nỗi mong chờ được nhìn thấy con gái chào đời. Trên Facebook, Hưng đã viết: “Gắng đợi bố về, con nhé!”.

Những mốc đáng chú ý của VnExpress

– Ngày 26/2/2001, lần đầu tiên trên mạng Internet xuất hiện trang tin điện tử VnExpress.

– Tháng 8/2001, với 300.000 địa chỉ IP thường xuyên truy cập, VnExpress đã ở vị trí dẫn đầu trong số các website tiếng Việt trên toàn cầu.

– 6/2007, VnExpress lọt Top 100 trong bảng xếp hạng các trang web có nhiều người đọc nhất thế giới của Alexa.

– 5/2008, sau 7 năm kể từ khi ra đời, VnExpress lần đầu tiên thay đổi giao diện.

– Trong 3 năm (2005, 2006, 2007), VnExpress liên tiếp đoạt Cup vàng CNTT và truyền thông do Hội Tin học Việt Nam tổ chức. Trong 4 năm (2003, 2008, 2010, 2011), Tạp chí Thế giới Vi tính PC World bình chọn VnExpress là sản phẩm CNTT ưa chuộng nhất.

– VnExpress đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Thông tin Truyền thông, Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, UBND Hà Nội…

VnExpress

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.