Câu chuyện trọng tài đoạt giải cao

TT – Hầu hết bài dự thi tuần qua đều bình luận câu chuyện thất bại của ba tên tuổi lớn là Manchester City (M.C), Liverpool và Tottenham ở vòng 28 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).

Cuộc thi “Bình luận viên ngoại hạng”

Câu chuyện trọng tài đoạt giải cao

Bạn đọc Hồng Thập Vinh (Cai Lậy, Tiền Giang) viết: “Hàng loạt tên tuổi lớn thua trận đã khiến cuộc đua giành ngôi vô địch, giành suất dự Cúp châu Âu mùa sau thêm kịch tính và hấp dẫn. Mười vòng đấu cuối ở Premier League mùa này rất đáng xem”.

Bạn đọc Hồng Phát (Bình Phước) cho rằng trận thua của M.C trên sân Swansea sẽ là bước ngoặt trong cuộc đua đến ngôi vô địch: “Lối chơi bế tắc của các học trò HLV Roberto Mancini cho thấy ông và cầu thủ đã thấm mệt ở chặng đua nước rút. Nếu có ai hỏi tôi Manchester United hay M.C sẽ vô địch Premier League mùa này, tôi sẽ không do dự đáp: “Man đỏ”. Ðơn giản vì họ bản lĩnh và giàu kinh nghiệm hơn hẳn đối phương”.

Liên quan đến trận M.C gặp Swansea, bạn đọc Thái Hoàng (Bình Dương) đã lẩy một chi tiết rất hay trong trận đấu. Ðó là tình huống ở phút 89 khi nữ trọng tài biên không công nhận bàn thắng việt vị của hậu vệ Richards (M.C). Bạn đọc Thái Hoàng bình luận chính phán quyết đúng của trọng tài đã giúp trận đấu trở nên công bằng và nữ trọng tài biên xứng đáng được gọi là “ngôi sao trận đấu”: “Chuyện trọng tài đưa ra quyết định công bằng là bình thường vì đó là trách nhiệm của họ. Nhưng tôi lại thấy khoảnh khắc mà nữ trọng tài biên không công nhận pha làm bàn việt vị của Richards thật đẹp và ý nghĩa làm sao. Tôi thấy ngôi sao bóng đá đâu nhất thiết phải là cầu thủ”.

Bài đoạt giải nhất vòng thi tuần qua thuộc về bạn đọc Trần Khánh (Huế) với câu chuyện liên quan đến việc trọng tài Martin Arkinson không công nhận bàn thắng hợp lệ của hậu vệ Clint Hill (Queens Park Rangers) vào lưới Bolton trận Queens Park Rangers thua 1-2. Sau sai sót này của trọng tài, có nhiều ý kiến đòi đưa công nghệ “mắt diều hâu” vào bóng đá nhằm xác định tính hợp lệ của bàn thắng để tránh những sai sót tiếp theo. Bạn đọc Trần Khánh đã phản biện: hãy để con người quyết định trò chơi của chính họ.

Dưới đây là danh sách bạn đọc trúng giải vòng 29 của cuộc thi:

Giải nhất: Giá trị của bóng đá chính là con người (Trần Khánh), giải nhì: Ngôi sao trận đấu (Thái Hoàng), giải ba: Nghĩa tình người cũ (Thanh Thủy).

8 giải khuyến khích: Công thần và kiêu binh (Nguyễn Ðắc Khả Doanh), Nỗi sợ vô hình (Lê Ðăng), Tiếng hót đẹp nhất (Nguyễn Thanh Thịnh), Chạy trốn tử thần (Nhân Nhân), Người phụ nữ đằng sau Drogba (Nguyễn Minh Triết), Chiếc áo vest (Thanh Tiền), Giá trị của lời hứa (Nguyễn Xuân Cường), Mèo đen hơn quỷ đỏ (Nguyễn Thanh).

Bài dự thi đoạt giải nhất:

Giá trị của bóng đá chính là con người

Sau tình huống trọng tài Martin Arkinson “cướp” đi bàn thắng rõ như ban ngày của hậu vệ Clint Hill Queens Park Rangers trong trận gặp Bolton, ý kiến đưa công nghệ vào bóng đá càng thêm bức thiết để tránh những sai lầm đáng tiếc từ những ông vua sân cỏ.

Vâng, điều đó có thể rất cần thiết. Với khẩu hiệu “fair – play” (chơi đẹp) của FIFA, trận đấu không chỉ đòi hỏi “chơi đẹp” từ 22 cầu thủ trên sân mà còn từ những vị trọng tài – người được xem là “quan tòa” của trận đấu.

Khi tốc độ trận đấu ngày càng cao thì những tình huống trên sân xảy ra một cách chóng vánh khiến trọng tài không thể kiểm soát được nên họ dễ đưa ra những quyết định sai lầm làm thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ tại World Cup 2010, bàn thắng đã đi sâu trong khung thành đội tuyển Đức của tiền vệ Frank Lampard bị từ chối làm bức xúc biết bao con tim đập theo trái bóng. Sau câu chuyện này, nhiều người lại tiếp tục gây sức ép đưa công nghệ “mắt diều hâu” vào bóng đá.

Nhưng…

Sẽ là một thiếu sót nếu như nhìn nhận điều đó hoàn toàn đúng cũng với một khẩu hiệu của FIFA: “Football is my game” (bóng đá là trò chơi của tôi). Và đã là trò chơi thì sai sót không thể không xảy ra, nhất là đối với cuộc chơi mang tính tập thể. Theo tôi, những quyết định phải được đưa ra từ chính những người tham gia cuộc chơi chứ không phải đến từ những “robot” được lập trình một cách chính xác không cần tranh cãi.

Với những sai sót, người hâm mộ sẽ nhớ đến trận đấu nhiều hơn bên cạnh những khoảnh khắc vĩ đại của một đội bóng, sự xuất thần của một cá nhân. Bởi dù sao, bóng đá cũng là một trò chơi mang đến nhiều cảm xúc. Hỉ nộ ái ố là điều luôn thường trực trên từng khuôn mặt, trong từng cảm nhận của mỗi người yêu trái bóng tròn.

Hãy để những con người đích thực phán quyết trò chơi mà họ đã đặt ra. Đừng để những công nghệ hiện đại can thiệp quá sâu vào thú chơi được đưa lên tầm “món ăn tinh thần” này.

TRẦN KHÁNH (Huế)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.