Riêng có một điều người viết bài này sẵn sàng đặt cược, đó là: Nếu coi sự dối trá, giả dối đang tung hoành, phô trương khắp nơi là “chuyện nhỏ”(!) thì chắc chắn, xã hội ngày mai sẽ phải trả giá vô cùng đắt.
Trong top ten đầu tiên của loài người – Kinh Thánh coi “chớ nói chứng dối” (điều răn thứ Chín) là một trong 10 điều quan trọng nhất của cuộc đời. Trước đó 500 năm, Đức Phật – Bụt (Budha) còn kỹ lưỡng hơn khi Người xếp “Giới Vọng ngữ” vào một trong năm điều cấm (Ngũ Giới) đối với bất kỳ ai muốn hướng về Cõi Ngộ (prajnã) hay Cõi Tỉnh thức (Bodhi = Bồ Đề).
Những lời nói dối chân thật khác dối trá chỗ nào?
Và, hẳn là ai cũng biết trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; có một điều dạy không dối gian, tức là phải luôn thật thà. Thật thà là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, trẻ em không được phép quên… Nói như thế để thấy rằng giả dối, hay dối trá là những thói xấu nhất của con người. Nhưng tiếc thay, thói giả dối dường như đã song hành cùng với mọi kiếp người ở mọi thời, mọi nơi. Một khi chúng là nan đề, có nghĩa là dẹp bỏ (thực ra, chỉ có thể là làm bớt đi, ít trầm trọng hơn) cái nan đề ấy sẽ vất vả, nhọc nhằn biết bao nhiêu…
Trước hết, chúng ta mặc nhiên đồng thuận rằng cuộc sống luôn cần đến những lời nói dối chân thật – tên một bộ phim của Hollywood, được biến hóa dưới rất nhiều cái vỏ, áo khoác, mỹ từ với thiên hình vạn trạng. Chẳng hạn, nói về việc con dâu chăm sóc chu đáo bố mẹ chồng, ta gọi đó là nàng dâu biết điều.
Biết điều trong trường hợp này là ai cũng… biết con dâu không bao giờ có thể thương mẹ chồng như mẹ đẻ nên tình thương ấy có ẩn chứa sự biết điều. Hoặc trước những sai lầm, sai phạm diễn ra, làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của xã hội, không ít người lại cố tình làm giảm nhẹ những điều đau xót ấy bằng các từ như “một số”, “một số ít”, “một bộ phận nhỏ”… Sự giả đó có tính toan và rất khó phản bác bởi một số nằm giữa cả ít và nhiều(!)
Chuyện phải giả dối ngọt ngào trong đời thì ai cũng có: Một cái áo đẹp vừa vừa của một người đàn bà có thu nhập không cao, đang mặc nó sẽ dễ dàng được khen là rất đẹp. Trước một bệnh nhân nặng ta đủ sự thành tâm và vô tư để an ủi là không có gì nguy hiểm lắm. Bạn đến nhà làm vỡ cái lọ hoa mà ta rất quý nhưng ta vẫn nói rằng không sao đâu mà…
Vài dẫn liệu trên đây cho thấy rằng những lời nói dối chân thật không chỉ là phần không thể thiếu được của cuộc đời vì nó là ‘kiến trúc sư’ làm nên tế nhị, biết điều, phải chăng, khiêm tốn, hòa thuận, hợp lý, đoàn kết, khôn ngoan…,
Nói chung nó còn là vô vàn lợi ích mà ông cha ta đã dạy (gián tiếp hay trực tiếp) thông qua vô số ca dao, tục ngữ: Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Yêu nhau cau sáu chẻ ba/ Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười. Qua sông nên phải lụy đò/ Tối trời nên phải lụy O bán dầu. Chim khôn hót tiếng oanh vàng/ Người khôn ăn nói dịu dàng, dễ nghe…
Bàn đến đây mới thấy cái sự khó của việc phân định rạch ròi giữa giả dối, dối trá với lời nói dối chân thật gần như là vô vọng chẳng khác gì chuyện chúng ta khẳng định rằng A nói thế là tự hào, còn B nói vậy là tự kiêu.
Cũng tương tự như thế, sự khiêm tốn thái quá thành tự ti, không thể chấp nhận. Sự thẳng thắn cực đoan sẽ trở nên tàn nhẫn, khó có thể dung tha. Nhưng, một nỗi mặc nhiên của cuộc đời buộc chúng ta không thể thoái thác mà phải lựa chọn. Đó là sao cho ít sai sót nhất những lời nói dối chân thật có thể chấp nhận được chứ không phải là thấy “không quản được thì cấm”.
Rất cần bàn (phải bàn, phải đặt cho ra lẽ) những lời nói dối chân thật nào là chấp nhận được và những gỉa dối, dối trá nào là không thể. Một ví dụ nhỏ: Gần 47% mỹ phẩm đang bày bán ở các shop thời trang Hà Nội là đồ giả là một sự thật đau lòng (Dân trí, 11.12.2011). Nói khác hơn, xã hội rất cần những tiêu chí khu biệt được sự khác nhau giữa lời nói dối chân thật và dối trá.
Sự khác nhau giữa lời nói dối chân thật và dối trá có thể ví với cách phân biệt giữa tập tục, ước lệ xã hội với hành vi phạm tội trong luật pháp. Cái đáng phải phiền muộn nhất trong sự phân biệt trên là do người Việt có thói quen sống duy tình (từ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng). Nên rất thường xuyên lẫn lộn giữa hư và thực, tình và lý. Cái nhất thiết phải chế tài, đào thải nghiêm khắc và cái có thể thông cảm, cái nên cho qua và vấn đề không thể bỏ qua, cái kinh tế rạch ròi và cái chính trị hóa mơ hồ…
Rất nhiều nhà văn, học giả đã diễn giải thói xấu này bằng các cách nói khác nhau. Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Quang Lập thì bỡn cợt là tình hình rất chi tình hình. GS Hoàng Tụy thì xa xót về một nền giáo dục hư học. GS Hoàng Ngọc Hiến, khi than phiền về sự giả dối trong văn học, đã gọi văn học nước nhà là nền văn học phải đạo hay nước Việt mình nó thế.
Thậm chí, một học giả người nước ngoài, ông Jonathan Pincus, học giả làm việc cho chương trình Việt Nam, Harvard Kennedy School và là Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright tại TP HCM, mới đây có bài đăng trên Financial Times cảnh báo chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế không có nghĩa là tiếp tục theo lối mòn lâu nay: “If economic reconstruction is a political game…” Financial Times, 2.12.2011).
(Ảnh minh họa) |
Làm thế nào giảm bớt giả dối và dối trá?
Vậy trong một phạm vi rất hẹp, có thể phân biệt ranh giới giữa lời nói dối chân thật và dối trá là ở đâu? Và, làm thế nào để giảm bớt giả dối và dối trá trong xã hội, nhất là, làm cho thế hệ trẻ tiếp nhận được, phân biệt được nó?
Thứ nhất, trong việc giáo dục cho con trẻ dứt khoát phải dạy rằng nói dối nguy hại và xấu xa, không được phép làm chứ không phải là khuyên chúng “nên nói thật”. Đây là cách thay đổi khái niệm cũng như nội hàm của triết lý giáo dục đúng. Phạt nghiêm (sự dối trá) và thưởng hậu (sự thật thà) là nguyên lý mà cha ông đã khuyên nhủ từ lâu.
Thứ hai, trong mọi ngành nghề, phải có chế tài nghiêm khắc đối với tất cả mọi sự dối trá. Chẳng hạn, một nghị sĩ kê khai chức danh giả mặc nhiên phải từ chức. Một nhà giáo “đạo văn” để có bằng cấp mặc nhiên phải bị tước bằng, nghỉ đứng lớp chứ không chỉ là kiểm điểm rút kinh nghiệm. Một cơ quan thống kê “nhầm lẫn” số liệu để phù phép cơ quan kiểm toán hay cơ quan thi đua, mặc nhiên phải bị truy tố, và người đứng đầu phải bị cách chức, kỷ luật…
Thứ ba, mọi cung cách ứng xử lâu nay được coi là “bình thường” phải được dư luận lên án mạnh mẽ. Chẳng hạn, việc xả rác ra đường phố vô tư phải bị phạt tiền và bị coi là giả dối trong nguyên tắc sống tôn trọng cộng đồng. Cung cách ngụy biện sai lầm, tội ác phải được chỉ ra đích danh chứ không thể chung chung: “Một số” là kẻ thù của sự thật; những cái tạm coi là đúng nửa vời cũng là sự đồng lõa với dối trá…
Thứ tư, cái khó nhất, thực sự là nan đề của mọi vấn đề chính là dạy cho học sinh. Không chỉ dạy cho các em sự trung thực bằng lời nói, mà cần dạy sự trung thực bằng chính bài giảng. Nếu không, sẽ là huyễn hoặc các em và cũng là dạy các em thói không trung thực.
Thứ năm, nói đi đôi với làm luôn là cái khó nhất của con người. Nếu người lớn chúng ta, nói không đi đôi với làm, rất khó khiến cho học sinh, tuổi trẻ tâm phục, khẩu phục. Một cách khác, cũng là dạy cho hậu bối sự gian dối, sự dối trá.
Vài kiến nghị tạm coi là rạch ròi như thế thực ra vẫn chỉ là gợi ý (lạm bàn) để bạn đọc, nếu có sự quan tâm tới chủ đề này, trao đổi. Riêng có một điều người viết bài này sẵn sàng đặt cược, đó là: Nếu coi sự dối trá, giả dối đang tung hoành, phô trương khắp nơi là “chuyện nhỏ”(!) thì chắc chắn, xã hội ngày mai sẽ phải trả giá vô cùng đắt.
Source: Báo Dân Trí