Ngày 17-3, Bàn Văn Lượng (SN 1997, trú tại thôn Mai Hồng 1, xã Tân An, huyện Văn Bàn – Lào Cai) đã đang tâm dùng đá đập chết Đặng Thị P., (SN 2000, ở cùng thôn) sau khi hiếp dâm không thành. …
12 giờ 30 ngày 11-3, Nguyễn Văn Hùng (SN 1996), trú thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk đến nhà cháu N.T.K.Ch. (SN 2-9-2002) chơi. Thấy chỉ có một mình cháu Ch. ở nhà nên Hùng đã nảy sinh ý định hiếp dâm…
“Không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Khủng khiếp quá, cứ vài ngày là đọc thấy những tin như thế này!” là lời ta thán của không ít người khi đọc về các tin hiếp dâm. Cái gì đã làm cho các thanh thiếu niên mất hết tính người? Liệu có cách nào để tệ nạn đang ngày càng trở thành dịch bệnh giảm đi, không còn là nỗi ám ảnh của các bậc làm cha mẹ, không là nỗi đau của cả xã hội?
Đáng sợ hơn, thời gian gần đây tuổi đời của thủ phạm còn rất trẻ và tệ nạn hiếp dâm đang có chiều hướng gia tăng ở các vùng quê, nơi trước đây vốn thanh bình với con người hiền hậu. Hầu hết các “tiểu Hai lúa” đều ít học, vô công rồi nghề, đàn đúm chơi bời, nhậu nhẹt. Chỉ đến khi biết con phạm tội tày trời nhiều cha mẹ mới bật ngửa về chuyện con mình đã làm.
Ở lứa tuổi còn chơi nhảy cò cò, vẫn còn được bồng ẵm chăm sóc nhưng không ít bé gái đã phải trở thành đàn bà chỉ vì phút giây mất hết nhân tính của những người đáng tuổi chú, tuổi ông. Nỗi đau không thể nói thành lời này sẽ còn ám ảnh mãi các em đến suốt cuộc đời.
Người ta thường đổ lỗi cho cha mẹ không quan tâm, theo dõi con sát sao, nhất là các gia đình có bé gái. Xin thưa rằng ngày xưa cha mẹ của tôi và cả bạn tôi cũng phải vất vả đầu tắt mặt tối để lo kiếm sống. Ban ngày tôi và các anh em của mình vẫn vô tư chơi với đám bạn từ đầu trên đến xóm dưới, vẫn đi học ngang qua những đoạn đường vắng mà không hề bị ám ảnh bởi 2 từ hiếp dâm.
Thế nhưng, ngày nay, tôi chấp nhận bị mang tiếng nuôi con theo kiểu gà công nghiệp chứ thật tình không dám cho con gái mình ra đường chơi với bạn hàng xóm, không cho cháu đi đâu một mình, càng không dám cho cháu về quê một mình hay đi đâu quá 8 giờ tối.
Tôi biết bảo bọc quá cho con mình thì sẽ không tốt. Nhưng ai sẽ bảo vệ con tôi, những bé gái khác, trước những kẻ háo sắc, dâm dục? Liệu những năm tháng ở tù của những con quỷ dâm dục nọ có trả lại cho những nạn nhân của nó một cuộc đời không hoen ố, thanh thản, vui tươi, như bao bé gái khác?
Nếu có trách thì hãy trách xã hội. Xã hội thời đại internet đã tạo ra những trò chơi đầy tính bạo lực, kích dục để cho các em trai mải miết với các trò chơi rồi muốn thử nghiệm cảm giác khi đang ở tuổi phát dục. Chẳng ai chỉ dạy gì cho các em về những thay đổi tâm sinh lý có thể diễn ra, điều gì là bình thường, cái gì là bất thường.
Một xã hội mà ở trường các em bị nhồi nhét quá nhiều những giáo điều này nọ mà không biết chút gì đến luật pháp, đến việc quan hệ với bạn gái dưới bao nhiêu tuổi thì bị tội hiếp dâm (dù đôi lúc cả hai có tình cảm với nhau). Ở lứa tuổi cấp 1 mà các em phải biết thêu, đan, may vá nhưng lại mù tịt về cơ thể của mình thì quả là không thể tin nổi.
Là cha mẹ ai chẳng đau khi con mình là hung thủ hay là nạn nhân của trò đồi bại đó. Tôi chẳng biết mình và các bậc phụ huynh khác phải chờ bao lâu để các vị quan chức tổ chức hội thảo, bàn cách giảm các vụ cưỡng hiếp. Nhưng xin hãy sớm hành động gì đi.
Hãy dạy cho trẻ biết cách hành vi xâm phạm thân thể người khác-nhất là các bé gái, sẽ làm tổn thương họ như thế nào và phạm vào điều luật gì, có thể bị bao nhiêu năm tù, để các em biết cách kềm chế trước khi biến mình thành quỷ đội lốt người. Mong rằng những lời khẩn cầu của tôi được quan tâm và thực hiện, dẫu không trong một sớm một chiều.
Nếu không, ai dám chắc các bậc phụ huynh vì quá bức xúc trước việc con mình bị xâm hại sẽ không hành động như bạn đọc Nguyễn Độ đã phản hồi trên Báo Người Lao Động: “Nếu như con gái của tôi bị như vậy thì không cần biết là nó có kim bài miễn tử hay không, hay là được luật pháp bảo vệ như thế nào, thì tôi cũng sẽ xin được đổi mạng với chúng nó. Đúng là loại cầm thú…”.
Theo Thu Minh
Người lao động
Source: Báo Dân Trí