(Dân trí) – Do chưa được đọc những nghiên cứu nêu lên liên hệ nhân -quả giữa hai khái niệm này nên tôi không thể khẳng định: bạo lực học đường ngày càng “trầm trọng” theo báo chí, nhưng thế nào là “trầm trọng” ? Có đúng là do sự “xuống cấp” đạo đức xã hội hay không.
Thế nên xin nêu ra đây một số khái niệm để từ đó ta có thể, trong một số trường hợp, rút ra vài ứng dụng cụ thể. Tôi thật sự thận trọng và mong độc giả cùng hiểu như thế để không kết luận vội vàng.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Bạo lực ở trường học có thể do rất nhiều yếu tố cấu thành. Trong phạm vi bài này chúng ta chỉ bàn tới yếu tố “môi trường xã hội” trên bình diện lý thuyết. Kết luận của tôi chỉ ở dạng câu hỏi có ý nghĩa gợi mở vấn đề.
1. Trừ một số rất nhỏ bạo lực “bẩm sinh” ta có thể nói là môi trường xã hội ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 2 đến 4 phần trăm dân số có nhân cách phản xã hội (personalité anti-sociale theo định nghĩa của tâm thần học và xếp hạng DSM-IV. R (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders- Mỹ) và của phạm tội học. Họ hầu như toàn là phái nam, vô cảm trước luật lệ xã hội, thái độ nóng nảy, chỉ biết có nhu cầu của bản thân, mặc kệ thiên hạ, không biết hối hận sau khi làm càn, phạm tội. Những người này, nếu ta nhận diện kịp thời thì có thể dùng những phương thức biệt lập họ để ngừa họ phạm tội và đồng thời bảo vệ xã hội.
Thế có nghĩa là đại đa số còn lại thì “nhân chi sơ tính bổn thiện” (khởi thủy con người hiền lành), “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Đó là cách mà người xưa bên ta nói lên tầm quan trọng của xã hội trong giáo dục các thành viên, nhất là các thành viên trẻ.
2. Về ảnh hưởng của môi trường xã hội, vài tác giả ở châu Âu còn khẳng định hơn, họ nói đến khái niệm “định hướng của xã hội” hay “vai trò quyết định của xã hội”.
Bên cạnh đó, có tác giả khác nói đến kết quả hỗ tương giữa cá nhân và các lực của xã hội. Cá nhân suy nghĩ tính toán cân nhắc giữa khả năng mình và ràng buộc xã hội trước khi hành động.
Thế nhưng tựu trung lại, chọn trường học hay bỏ học chẳng hạn. Ở châu Âu, vị trí xã hội của gia đình rất quan trọng trong vấn đề đi học, chọn nghề, … (Bourdieu, Boudon).
Một thí dụ khác, về phạm tội lúc còn vị thành niên : hoàn cảnh gia đình (bị bỏ rơi, bị ngược đãi, …) hay cha mẹ đã phạm tội … là những yếu tố cấu thành quan trọng (Mucchielli).
Xưa hơn, Piaget (1932), đã nêu lên tầm quan trọng của xã hội trong sự ươm mầm lý luận về luân lý nơi trẻ con.
Xã hội ảnh hưởng như thế nào ?
Mỗi một người trong chúng ta đều trải qua quá trình của 3 hình thức: xã hội hóa; kiểm soát xã hội; sự hòa đồng vào hệ thống sinh hoạt và vào hệ thống giá trị xã hội.
Xã hội hóa là một quá trình bắt đầu ngay từ lúc một em bé chưa chào đời, em bị ảnh hưởng bởi cách sống, thức ăn của mẹ em từ lúc còn là thai nhi.
Khoa học đã chứng minh: những cảm xúc bà mẹ trải nghiệm được « dịch » ra bởi những hormones, một số thức ăn của bà, rượu bà uống … vượt qua hàng rào của nhau thai và ảnh hưởng tới trẻ. Những trải nghiệm về âm nhạc cũng thế.
Sau khi chào đời, giọng nói của mẹ, của cha, mùi thơm của bầu sữa mẹ, cách đối xử săn sóc con … gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên, xã hội hóa cơ sở và quan trọng nhất – đến nỗi cái xã hội hóa này cho trẻ những bản tính tự nhiên thứ nhì (seconde nature) mà người ta nói chasser la nature, elle revient au galop – đuổi cái tự nhiên, nó trở lại như ngựa phi nhanh.
Không có cách sống, hành động nào nào bẩm sinh hết (trừ vài phản xạ), ta hòa hợp với xã hội, sống với người khác, hành động như người khác … là nhờ quá trình xã hội hóa.
Xã hội hóa đầu tiên bởi gia đình là một hình thức hết sức nhẹ nhàng. Gói ghém trong tình yêu thương của cha mẹ, trẻ hấp thụ những cách sống với người xung quanh.
Gia đình giữ một vai trò tối ư quan trọng trong quá trình xã hội hóa trẻ con, không những vì gia đình là nhân tố xã hội hóa đầu tiên, từ lúc con trẻ chưa chào đời mà gia đình còn hoàn thành vai trò này trong khoảng trên dưới 20 năm. Không có “diễn viên xã hội” nào giữ vai trò dạy con trẻ sống với xã hội lâu như gia đình. Nước chảy đá mòn, dù dạy dỗ một cách nhẹ nhàng không gò bó, 20 năm đủ cho trẻ tập tành “nếp nhà”.
Đã thế, còn thêm yếu tố tâm lý nữa: lòng thương yêu giữa cha mẹ và con cái, sự tín cậy, … làm cho công trình xã hội hóa con trẻ thành rất hữu hiệu, có kết quả tốt nhất. Đó là chưa nói tới yếu tố tâm thần học: con cái có khuynh hướng theo mẫu mực của cha mẹ “lớn lên, con sẽ như Ba hay như Mẹ”.
Quá trình xã hội hóa của gia đình được nối tiếp bởi học đường. Cách tổ chức, sinh hoạt, các lớp về công dân giáo dục … của trường học giúp học sinh tiếp thu kiến thức và học đạo làm người trong những nhóm rộng hơn là vòng ông bà cha mẹ.
Vai trò của giáo viên cũng rất quan trọng. Không những giáo viên là “mẫu người lớn” cho trẻ, giáo viên lại còn một số đặc quyền (cho điểm, thưởng phạt, …) nên giáo viên ảnh hưởng rất lớn với con trẻ.
Nhưng trẻ cũng học cách sống trong xã hội qua tiếp xúc với bạn bè, với báo chí, các phương tiện truyền thông khác (TV, mạng internet, games on line …).
Nếu các “diễn viên” xã hội hóa này, báo chí hay games chẳng hạn, chỉ toàn những chuyện về tiền bạc, bạo lực, vẻ đẹp giới tính đồi trụy, những “gương” thành công dễ dàng … thì có thể trẻ sẽ cứ tưởng “ảo” là “thật” và đem các “mẫu” đó vào áp dụng.
Nhưng vai trò của gia đình vẫn quan trọng : nếu gia đình đã lập một nền tảng vững chắc cho trẻ thì trẻ sẽ gần như đủ “bản lĩnh” để chọn bạn, chọn sách báo và chọn games … Thậm chí có tác giả đã nói rằng giáo dục của trẻ đã “xong trước 6 tuổi” (Dodson, Tout se joue avant 6 ans).
Trẻ nào cũng cần được xã hội hóa như một hành trang để có thể tự lập, trưởng thành và cư xử ở đời (cho một trẻ sống trong rừng với chó sói thì em sẽ đi bằng 4 chân tay và sẽ hú như chó sói!).
Tôi định nghĩa xã hội hóa là những phương thức mà xã hội hoàn thành để giúp một cá nhân có khả năng sống hòa đồng với xã hội.
Về phía cá nhân, đó là những cố gắng để sống như người khác.
Xã hội hóa dựa trên tiếp xúc là chính, vì thế nên quá trình rất nhẹ nhàng.
Thí dụ điển hình nhất là cách mỗi một trong chúng ta “học” tiếng mẹ (gần như là tự nhiên, không cần lên lớp gì hết, mở miệng ra là nói tiếng Việt ! ), học cầm đũa ăn cơm (trong khi Tây học cầm đũa rất là khó khăn !)…
Xã hội hóa ở đây khác với từ “xã hội hóa giáo dục” vì khái niệm này thường được hiểu với nghĩa vận động mọi người (xã hội) đóng góp cho giáo dục hoặc giao cho tư nhân một phần trách nhiệm về tổ chức xây dựng và quản lý các cơ sở giáo dục. Ở đây, có lẽ dùng từ “tư nhân hóa” hay “thị trường hóa giáo dục” thì hợp lý hơn
Bên cạnh đó trẻ cũng chịu sự kiểm soát xã hội: hành vi nào khác lạ hay ra ngoài qui củ sẽ bị người bên cạnh – cha mẹ, anh em, thày cô, láng giềng – gièm pha, chê trách hay khen thưởng.
Xã hội có đủ cả một hệ thống để bắt mọi người tôn trọng mẫu mực xã hội. Hệ thống này đi từ những chế tài nhẹ nhàng như chế tài tâm lý (khen, chê…) chế tài xã hội (chấp nhận là thành viên, vinh danh …) và cả những chế tài thể xác (đánh đập, không cho tiền tiêu hay không cho ăn …).
Mục đích của kiểm soát xã hội là giúp cho mọi người sinh hoạt có nền nếp trong xã hội chứ không gây tác hại đến người khác hoặc gây hiểm nguy cho cấu trúc xã hội.
Thông thường ở thôn quê, sự kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn ở thành thị. Đoàn kết cũng lớn hơn, tối lửa tắt đèn tương trợ lẫn nhau. Thành phố càng đông, mỗi cư dân thành “vô danh” và không ai biết ai, sự kiểm soát xã hội càng lỏng lẻo. Dân thành thị dễ có khuynh hướng bạo lực hơn dân ở nông thôn, ít nhất là theo các nghiên cứu cho xã hội Âu – Mỹ.
Ngoài ra, nếu xã hội hóa và kiểm soát thôi không đủ, hệ thống luật lệ “tiếp sức” để chế tài. Nhưng không phải nhất cử nhất động đều phải cậy tới công quyền để giữ an bình trong xã hội vì công quyền không có “mắt thần” để thấy hết mọi việc, tòa án không thể giải quyết hết những việc hàng ngày trong xã hội.
Luân lý và đạo đức xã hội tự nó điều hành cuộc sống của mọi người. “Cửa công” – hệ thống tòa án – chỉ ở đó để “xử” những vi phạm trầm trọng.
Lâu dần, “văn hóa hay văn minh”, trong nghĩa “cư xử có suy nghĩ và hợp tình hợp cảnh” ăn sâu bám rễ vào tâm não mọi người, giản dị như tiếng “xin chúc một ngày đẹp” (good morning hay bonjour) khi gặp ai đó, trước mọi liên hệ xã hội. Mỗi cá nhân hiểu rõ qui luật và lấy đó như những cương lĩnh của chính mình theo kiểu “không làm cho người khác những gì mà ta không muốn người khác làm cho ta”.
Cuối cùng, để sống với xã hội, bản thân các thành viên cố gắng hòa đồng bằng cách thực thi những mẫu hành động của gia đình, học đường, bạn bè … “Cha nào con nấy” nằm trong logic của quá trình xã hội hóa, kiểm xoát xã hội và cố gắng hòa mình vào xã hội. Không ai muốn là người “dị họm”, làm xấu mặt gia đình hay bị xã hội ruồng bỏ.
Trở về bạo lực ở trường để tạm kết luận ?
Có thể gia đình càng ngày càng chấp nhận những hành động không hoàn toàn phù hợp với nếp nhà ? Có thể một số cha mẹ vì bận mưu sinh mà không thể chăm sóc con cái? Có thể các bậc cha mẹ hiện nay đã là “nạn nhân” của một quá trình xã hội hóa không … hoàn hảo (di dân từ thôn quê ra thành thị đã gây ra gián đoạn trong quá trình hội nhập xã hội)?
Có thể trường học là nơi tạo ra bạo lực, trước nhất là bạo lực của một chương trình học không thích hợp (quá tải là một trong những hình thức gây áp lực), của một phương pháp giáo dục không còn hợp thời hợp cảnh ? Có thể những giáo viên cũng không đủ một số khả năng và mẫu mực cần thiết vì chính họ cũng phải mưu sinh ?
Có thể những biến đổi quá nhanh của xã hội trong vài thập niên vừa qua làm xáo trộn những nề nếp và qui củ (từ kinh tế hoạch định qua kinh tế thị trường) ? Vai trò nào của bất bình đẳng xã hội trong bạo lực ? Đó là chưa nói tới những biến đổi trong công nghệ thông tin mà điển hình nhất là điện thoại di động và internet…
Có thể báo chí và truyền thông đóng một vai trò nào đó ? khi chính ngay báo Giáo dục Việt Nam trên mạng cũng đưa tin và ảnh về những người đẹp và người giàu, gây thất vọng và “khó ở” cho bất cứ ai chứ không phải chỉ cho học sinh.
Có thể ta đang khủng hoảng về những giá trị xã hội ? Có thể ta đã quên vai trò kiểm soát xã hội để mạnh ai nấy sống và dựa vào công an cảnh sát để chế tài ?
Bạo lực kéo theo bạo lực ? Các nhóm gây áp lực lên cá nhân và từ từ bạo lực thành một loại đường “xoắn ốc đi lên” ?
Nguyễn Huỳnh Mai
(Liège, Bỉ)
LTS Dân trí – Dù ở xa Tổ quốc, những lời bàn thêm về nguyên nhân bạo lực học đường của tác giả bài viết trên đây đích thực là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội cũng như mọi gia đình cần suy ngẫm và lưu tâm để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh và thuận lợi cho trẻ em phát triển tốt.
Đúng là môi trường giáo dục của gia đình luôn chiếm vị trí nền tảng và có ý nghĩa quyết định xu hướng phát triển của trẻ em. Dù xã hội có những biến động theo thời cuộc, nhưng đối với những gia đình vốn có truyền thống nền nếp gia giáo, bố mẹ luôn là tấm gương sáng về mọi mặt cho các con noi theo thì con cái họ thường không bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu từ bên ngoài dội vào.
Có thể nói “hàng rào nhau thai” là “hàng rào tự nhiên” giúp cho bào thai tránh được nhiều độc hại từ bên ngoài thâm nhập, thì giáo dục gia đình cũng có thể đóng vai trò chủ động tạo ra “hàng rào ý thức” để giúp trẻ biết tự “miễn nhiễm” với những trò chơi và hành động bạo lực ở ngoài đời.
Source: Báo Dân Trí