TT – Những câu hỏi thú vị: “Yêu và học có thể “chung sống hòa bình” không?”, “Mất phương hướng thì làm thế nào?” hay cùng hô to “Tôi có thể” để động viên nhau trước kỳ thi… là những điều bất ngờ trong ngày hội 11-3.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh – Hướng nghiệp tại Hà Nội:
Nhiều bất ngờ từ thí sinh Hà Nội
Thí sinh nối hàng dài tại khu vực viết thư pháp của ĐH Hà Nội – Ảnh: Việt Dũng |
Dù cơn mưa đổ xuống đúng vào thời điểm diễn ra lễ khai mạc, nhưng thí sinh vẫn đổ về đông hơn bất chấp trời mưa rét.
Tư vấn nhiệt tình, cặn kẽ và hài hước
Hỏi “xoáy” với ban tư vấn Một thí sinh bất ngờ hỏi: “Em muốn học công nghệ thông tin nhưng người thương của em không đồng ý. Nếu em quyết theo học, bạn ấy sẽ bỏ em. Các thầy tư vấn cho em với”. Câu hỏi được chuyển cho thầy Việt Hà – người được cho là có tiềm năng trả lời câu hóc búa kiểu này. Thầy Việt Hà trả lời: “Em nên chọn ngành nào mà em tự tin vì chỉ có tự tin trong công việc thì mới có thể tự tin trong tình yêu”. Các thầy trong ban tư vấn thở phào vì “tránh việc phải xui em học sinh bỏ người yêu”. |
Trong cả hai phiên tư vấn của ngày hội, nhiều thầy cô trong ban tư vấn rét run vì sân Trường ĐH Bách khoa lộng gió, nhưng vẫn cố gắng nán lại muộn hơn dự kiến vì quá nhiều thí sinh muốn hỏi.
Nhiều câu hỏi liên quan đến các điểm mới trong tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã được PGS.TS Ngô Kim Khôi và PGS.TS Trần Văn Nghĩa – cục trưởng và phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – giải đáp. Ông Nghĩa cho biết bộ đang dự định thành lập một trung tâm dự báo về nguồn nhân lực và khuyên các em học sinh: “Có thể những ngành học vất vả nhưng ra trường xin việc dễ hơn, có thể ngành hiện đang “nóng” nhưng sẽ giảm sức nóng trong những năm các em ra trường. Vì thế phải cân nhắc kỹ khi chọn ngành”.
Nhóm tư vấn công nghệ – kỹ thuật – y dược – nông lâm ở ngày hội các năm trước luôn là nhóm vắng vẻ hơn nhưng năm nay chưa tới giờ tư vấn học sinh đã tập trung rất đông. Thật mừng khi có khá nhiều học sinh bày tỏ ý định sẽ thi vào nhóm ngành này. PGS.TS Nguyễn Việt Hà, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội và PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, bất ngờ khi có nhiều học sinh nữ băn khoăn về việc học ngành điện lực, cơ khí, công nghệ thông tin, hóa dầu… không hợp với nữ giới. Thầy Sơn cho biết ĐH Bách khoa Hà Nội có 15% sinh viên là nữ, nhưng các em nữ lại học tốt hơn các sinh viên nam.
SV Học viện Cảnh sát nhân dân phát cẩm nang giới thiệu về trường mình – Ảnh: Việt Dũng |
“Tôi có thể”
Tại nhóm tư vấn tâm lý gỡ rối hướng nghiệp, các chuyên gia tư vấn tâm lý không thể đi ăn trưa khi tới 12g vẫn còn rất nhiều thí sinh vây quanh và ở phiên tư vấn buổi chiều đây cũng là nhóm phải làm việc muộn nhất.
TS Phạm Mạnh Hà đã kiên nhẫn lắng nghe tâm sự của một sinh viên khổ công thi vào ĐH y nhưng nhận ra mình không yêu nghề này, muốn tìm một nghề khác và em “như đang bị mất phương hướng”. Lời khuyên của TS Hà nhẹ nhàng nhưng đầy thuyết phục: “Tôi nghĩ bạn không mất phương hướng mà giờ bạn mới đang đi tìm đúng con đường của mình. Có rất nhiều người như bạn. Tôi nghĩ những năm tháng học y sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm và giá trị sau này cho bạn. Tôi tin rằng với khả năng của bạn, với khát khao chinh phục, với trăn trở bạn sẽ thành công trong tương lai”.
Có nhiều em tâm sự muốn vào quân đội, muốn học ngành kỹ thuật nhưng lại bị cha mẹ bắt học ngành “hot”. “Một nghề bắt chúng ta làm điều không thích, hạ giá trị của chúng ta đi thì cả cuộc đời chúng ta sẽ vô cùng đau khổ. Nếu có một công việc yêu thích sẽ đem đến niềm vui, cơ hội nghề nghiệp và theo đó tiền bạc sẽ đến” – TS Hà chia sẻ. Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, nhiều thí sinh đã đứng lên đồng thanh hô to “Tôi có thể” để có thêm sức mạnh cho mình trong việc lựa chọn con đường mình mong muốn.
Yêu và học có thể “chung sống hòa bình” không?
Hai chuyên gia tư vấn của khu vực sức khỏe mùa thi là PGS.TS Lê Bạch Mai và BS Hà Việt Hòa (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đã trải qua một ngày rất căng với hàng trăm câu hỏi của thí sinh. PGS.TS Lê Bạch Mai đã tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh đến lần thứ ba, nhưng nhiều lúc cũng bối rối trước số lượng câu hỏi dồn dập, về mọi lĩnh vực, liên quan và không liên quan đến sức khỏe mà thí sinh đặt ra, như chuyện yêu và học có thể chung sống hòa bình với nhau không?
Trả lời vấn đề này, PGS Mai khuyên các bạn thí sinh đều đang ở nhóm tuổi nhiều ước mơ, hoài bão, nhiều tò mò trước cuộc sống. “Nhưng các bạn chưa nên yêu, tuổi các bạn chưa biết thế nào là yêu đâu. Hãy đối xử với tình huống thích bạn khác giới bằng cách thân với bạn ấy hơn bạn khác một chút, hãy để dành thời gian ấy cho việc quan trọng hơn là học hành. Nếu đó đúng là tình yêu thì sau này quay lại cũng chưa muộn” – PGS Mai khuyên.
PGS Mai và BS Hòa cũng khuyên thí sinh và các bậc cha mẹ không nên tạo áp lực. PGS Mai khuyên các bạn xen kẽ việc học có thể bật nhạc nhảy, có thể nghe nhạc nhẹ, có thể ngắm hoa nở, cá bơi hoặc ra ngoài trời vươn vai hít thở. Mỗi ngày nên ngủ ít nhất 5-6 tiếng và nên chia hai lần gồm giấc ngủ đêm và giấc ngủ trưa, dù nghỉ trưa chỉ 30 phút.
Trải nghiệm vui vẻ Ngày hội khai mạc được ít phút, các gian hàng lập tức sôi động với các tiết mục hấp dẫn để thu hút thí sinh. ĐH FPT bố trí hết trò chú hề nhún nhảy làm mẫu cho các thí sinh chụp ảnh đến xếp hàng rồng rắn đi vòng quanh sân trường hô vang khẩu hiểu “ĐH FPT” để “lăngxê” cho trường. Các trường quốc tế thì nhiều sinh viên “Tây” hăng hái đứng trước gian hàng phát tờ rơi và kêu gọi thí sinh tìm hiểu về trường mình. Trường trung cấp Dược Hà Nội có sáng kiến tổ chức trò chơi cực kỳ “độc” để hút thí sinh – trò khám bệnh, làm thí sinh được dịp cười xả láng. Tại gian của ĐH Bách khoa, trò “nín thở đếm chữ” có thưởng cũng được rất đông thí sinh hào hứng hưởng ứng. Trong khi đó, tại gian ĐH Văn hóa Hà Nội, hàng loạt học sinh xếp hàng dài để được… xin chữ, bởi tại đây có một “anh đồ” là sinh viên của trường tình nguyện cho chữ miễn phí. Hầu hết nội dung câu chữ trong các bức thư pháp mà các thí sinh mang về đều rất ý nghĩa – hướng tới ước mơ một kỳ thi thành công, như “thành đạt”, “công danh”, thậm chí đơn giản chỉ là “cố lên nhé”… |
VĨNH HÀ – LAN ANH – NGỌC HÀ – HÀ HƯƠNG – LÂM HOÀI
Source: Báo Tuổi Trẻ