Không quá lạ khi ngày nay ngoài sách vở, không ít học trò đến lớp còn mang thêm một vật “bất ly thân” là chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ). Lợi ích của việc học sinh sử dụng điện thoại mục đích ban đầu chỉ là để gia đình tiện liên lạc cũng như kiểm soát…
Nhưng xem ra tác hại của việc này đang dần lớn gấp nhiều lần cái lợi, bởi ngay cả trẻ bậc tiểu học cũng được sử dụng điện thoại di động, với nhiều tiện ích được cài đặt…
Lợi được mấy phần?
Có lẽ chưa bao giờ việc quản lý con cái lại trở thành nỗi lo lớn như bây giờ ở mỗi gia đình. Cũng xuất phát từ nỗi lo ấy, dường như khi xã hội phát triển, chiếc điện thoại đã trở thành vật dụng không thể thiếu mà cha mẹ dành cho con cái khi chúng đang tuổi ăn, tuổi chơi hơn là học. Sự đồng thuận của gia đình là mắt xích đầu tiên tạo dựng thói quen phải có ĐTDĐ ở lứa tuổi học trò. Vẫn biết, chiếc điện thoại bé xíu ấy đã mang lại tiện ích cho không ít bậc phụ huynh khi cần liên lạc với con cái. Ngay cả nhà trường, bè bạn của chúng cũng thấy việc trao đổi, kết nối có phần thoáng hơn thật. Nhưng, chiếc điện thoại đang tạo nên một nếp sinh hoạt không hề tốt, nó phá vỡ những nguyên tắc kỷ cương, kỷ luật ở môi trường sư phạm.
Không ít giáo viên phàn nàn về việc tiết học bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại, tin nhắn, thậm chí là âm thanh từ các trò chơi trong điện thoại bất ngờ vang lên phía dưới dãy bàn học sinh. Những tình huống này khiến mạch giảng bài của giáo viên bị ngắt quãng, sự tập trung của lớp học bị phân tán và gây ức chế với không chỉ giáo viên mà ngay cả những học sinh khác.
Nhiều giáo viên đã từng bắt gặp những học sinh không chép bài, dùng điện thoại chụp lại bài giảng cho nhanh, hoặc ghi âm lời giảng của thầy cô bằng điện thoại của mình. Các kiến thức, bài giảng của thầy cô được các em lưu, chụp trong điện thoại để làm tài liệu quay cóp. Nhiều em còn vào mạng Internet ngay tại lớp, nên các kiến thức thầy cô giảng dạy nhiều học sinh xem nhẹ vì cho rằng chỉ cần vào google để kiểm chứng là xong. Lạm dụng vào một số chức năng của điện thoại khiến các em lười ghi chép, dẫn đến lười tư duy trong khi tiếp thu kiến thức.
Một cái hại khác rất cần lưu tâm đó là sự trong sáng của tiếng Việt đang bị các em làm cho méo mó khi nhắn tin với ngôn ngữ tiếng Việt không dấu, đan xen là cả “ngôn ngữ của 9x” với những biến hóa mà phụ huynh nếu kiểm tra điện thoại cũng khó lòng đọc và hiểu.
Ai chịu trách nhiệm?
Trên thực tế, việc cấm các em sử dụng điện thoại khi tới trường trong điều kiện hiện nay là khó khả thi. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, sử dụng điện thoại là nhu cầu của cuộc sống nên không thể cấm hẳn việc sử dụng điện thoại trong nhà trường. Cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ thực sự không phải là cách làm phù hợp. Thường chúng ta khi nào không làm được việc gì là cấm, không quản lý được thì cấm. Xã hội càng phát triển, khi ĐTDĐ trở thành phương tiện thiết yếu để trao đổi thông tin, ta không thể chọn phương án loại bỏ nó khỏi mọi sinh hoạt của lứa tuổi học trò”.
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Mai Sỹ Nhật – Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay luật pháp không cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ nên rất khó để quản lý các em. Ngành giáo dục mới chỉ có quy định cấm học sinh không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ học chứ chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này”.
Cô Nguyễn H. Lan (giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh) cho rằng, kiểm soát điện thoại của con cũng là việc cần thiết. Kiểm tra một cách tích cực sẽ đem lại hiệu quả, tốt hơn là việc cấm sử dụng ĐTDĐ trong thời đại này. Hơn nữa, khó có thể cấm triệt để việc học sinh sử dụng ĐTDĐ vì đó là tài sản cá nhân của các em và những ai sử dụng với mục đích phù hợp thì đương nhiên không thể coi là cũng có lỗi.
Quan điểm của các nhà khoa học, nhà quản lý, các thầy cô giáo và nhiều bậc phụ huynh đều cho rằng, cấm học sinh dùng điện thoại là không khả thi, vì cái gì cũng có hai mặt. Lỗi ở người sử dụng chứ không phải từ chiếc điện thoại. Người sử dụng quá lạm dụng, không dùng đúng lúc, đúng chỗ khiến “mục đích sử dụng” bị thay đổi. Quan trọng là nhà trường kiểm soát được việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Có những hình thức kỷ luật mang tính răn đe, để giờ học các bạn chỉ tập trung nghe thầy cô giảng, không bị phân tâm nhắn tin, chơi games, nghe nhạc… Và nhất là phải giáo dục để nâng cao nhận thức về những hành động của mỗi người khi sử dụng các chức năng của điện thoại. Trách nhiệm này cần có sự phối hợp đồng bộ của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Thanh Huyền (theo Petrotimes)
Source: Báo Dân Trí