Chỉ trong một đêm, chị Ngô Thúy Hạnh, ở Cầu Giấy, Hà Nội bị giật mình, tỉnh giấc 2 lần liên tiếp vì tin nhắn dịch vụ mời mua sắm, bói toán. > Tin nhắn rác mở rộng ‘vùng phủ sóng’> Sim di động 11 số bị ‘thổi giá’
12h30 đêm ngày 20/2, chị Ngô Thúy Hạnh, ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội nhận được SMS mời mua hàng giảm giá của một hãng thời trang công sở. Tiếp đó, đến 3h15 rạng sáng ngày 21/2, chị lại bị đánh thức lần nữa vì tin nhắn dụ bói toán, xem vận mệnh trong năm Nhâm Thìn 2012.
Chị Hạnh cho biết, tối đó, trước khi đi ngủ, chị nhắn tin trò chuyện với cô bạn cũ nên quên không để im lặng. Đến đêm, chị giật mình vì chuông báo SMS. Mở ra thấy nội dung rác được gửi từ đầu số lạ, chị tắt đi, không bận tâm. Nhưng đến lần thứ 2 bị làm phiền, chị Hạnh mất ngủ đến sáng. “Mắt nhắm mắt mở nên lúc đầu tôi chỉ ngó qua, đến khi nhận cái tin sau, tôi tắt máy luôn. Không lẽ nhà mạng cứ để khách hàng ‘có thân thì lo’ mãi, đâu phải lúc nào cũng tắt nguồn được”, chị Hạnh nói. Thuê bao này cho biết, tình trạng này đã tái diễn không ít lần khiến chị bức xúc mà không biết kêu ai.
Tin nhắn dịch vụ được gửi đến lúc 22h03 khiến chị thuê bao bức xúc. Ảnh: Xuân Ngọc |
Khi họp, lúc ăn cơm, làm việc… bất kể lúc nào chị Phạm Minh Tuyết, ở Ngọc Hồi, Hà Nội cũng có nguy cơ nhận tin nhắn rác. Trung bình mỗi ngày, chị nhận được từ một đến 3 tin rác, có những hôm lên đến 5 tin, vào bất kể thời điểm nào. Chị kể, hơn 10h tối ngày 27/2, chị đang ru con ngủ thì máy báo SMS với nội dung “Nham Thin se la mot nam mang tinh Buoc Ngoat voi chu nhan thue bao 09xxxx0546. Để biết Tien-Tai-Van-Han cua ban the nao… Soạn BV năm sinh gửi 77xx”.
Vừa tức, chị Tuyết vừa cảm thấy buồn cười khi các công ty dịch vụ chuyển sang xem bói… qua số điện thoại. “Sao họ biết mình là chính chủ thuê bao hay không mà bảo bước ngoặt với người này, người kia. Nếu sim đó mình dùng nhưng đăng ký tên người khác hoặc tôi dùng một lúc nhiều số thì sao?”, chị Tuyết nói.
Tin nhắn rác mời chào truy cập website, tải game online cũng khiến nhiều thuê bao phàn nàn. Cho cậu con trai 7 tuổi mượn điện thoại chơi trong lúc bận việc, đến lúc quay ra, anh Khánh, ở Tây Hồ ngã ngửa khi thấy con đang chơi “Nữ vệ sĩ”, “Anh hùng và Người đẹp”. Trước đó, điện thoại của anh Khánh không có những trò đó. Hỏi ra, anh mới hay, con anh vừa tải về qua một tin nhắn dịch vụ. “Mất tiền cước chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng những tin nhắn đó sẽ làm hư trẻ con”, anh Khánh nói.
SMS mời truy cập website, tải trò chơi, bói toán… làm phiền khách hàng viễn thông. Ảnh: Xuân Ngọc |
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của một doanh nghiệp viễn thông lớn cho biết, từ thời điểm sát Tết 2012 đến nay, tổng đài nhận được khá nhiều phản ánh của thuê bao di động về việc bị tin nhắn rác quấy rối, làm phiền. Theo đó, từ đầu số dịch vụ mà khách hàng cung cấp, nhà mạng đã xác minh, liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện theo đúng quy định là cảnh cáo, tạm dừng hoặc vĩnh viễn từ chối hợp tác, tùy theo cấp độ vi phạm.
Với những tin nhắn hiển thị tên người gửi là “No name”, “Tin nhắn dịch vụ” hay bằng một nickname nào đó, lãnh đạo của doanh nghiệp viễn thông khuyến cáo, người tiêu dùng nên phản ánh nguyên văn nội dung đến tổng đài. Căn cứ vào đó, mặc dù không biết đầu số nhưng nhà mạng có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để tìm ra đơn vị làm phiền thuê bao di động.
Hiện Viettel đã mở tổng đài để thuê bao nhắn tin miễn phí, thông báo với nhà mạng các đầu số và nội dung SMS rác. MobiFone và VinaPhone cũng đang lên kế hoạch triển khai xây dựng trung tâm hỗ trợ khách hàng về vấn đề này. Căn cứ vào phản ánh của người tiêu dùng, các nhà mạng sẽ đưa ra biện pháp xử lý với đối tác cung cấp dịch vụ.
Trước đó, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đều đã ban hành nghị định xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp, cá nhân phát tán tin nhắn rác. Tổ chức, người lợi dụng hoạt động viễn thông kích động mê tín dị đoan, gửi tin dụ dỗ bói toán, lô đề bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ, thậm chí là chuyển sang cơ quan hình sự điều tra nếu phát hiện thấy dấu hiểu lừa đảo.
Xuân Ngọc
Source: Báo VNExpress