Sợi tóc nâu

AT – Chuyện của anh và em bắt đầu từ một sợi tóc nâu!

Sợi tóc nâu

Sau này ngồi nhớ lại, hai đứa đều buồn cười vì câu chuyện oái oăm dại dột tuổi học trò lại có thể kéo hai đứa lại bên nhau như là số phận.

Suốt ba năm trời học trung học, hai đứa chẳng hề quan tâm đến nhau. Dù em và anh đều cá tính và nổi bật nhất trong lớp, nhưng hai đứa đều ngấm ngầm kiêu hãnh và giữ phong cách “mặt lạnh” nên không thèm để mắt đến nhau.

Mình chẳng có lấy một điểm chung.

Anh cao to vạm vỡ, mê đá banh như điên và học giỏi toán, đầu tóc hớt ngắn, mặt hếch cao coi thường con gái như cỏ dại dưới chân.

Em tóc dài chấm eo lưng, mặt tròn vo, mắt mơ mộng, là học sinh chuyên văn và con cưng của thầy cô, tính tình càng kiêu căng ngang ngạnh, nhìn bọn con trai ngang tuổi thô lỗ, cộc cằn bằng nửa con mắt!

Em làm lớp phó học tập. Anh là lớp phó phong trào, chuyên về thể thao, nên chúng mình lại càng có ít chuyện để nói.

Lên lớp 12, anh được xếp ngồi sau lưng em, hai bàn cách nhau chỉ có một gang tay bé nhỏ.

Anh không thích gọi em bằng tên, chỉ gọi bằng “lớp phó” để giữ khoảng cách càng xa càng tốt.

Em cũng lạnh lùng giữ ý chẳng bao giờ cười nói thân mật với anh trong giờ học. Cho đến giờ toán “định mệnh” hôm đó.

Thầy dạy toán của lớp mình lừng danh cả trường vì dạy giỏi và khó tính. Thầy tên Cảnh mà tụi mình vẫn hay nói lén sau lưng một cách khoái trá là “Cảnh hù”… vì thầy nhỏ bé như một… củ hành (Ôi những thói xấu đáng yêu của tuổi học trò, có hai đứa ngồi chụm đầu lại với nhau thế nào cũng đang nói xấu thầy cô!).

Thầy có chất giọng the thé khó nghe. Chưa hết, tính tình thầy còn đặc biệt khó chịu và hay thay đổi tâm trạng, sớm nắng chiều mưa, trưa giông tố rải rác vài nơi. Nguyên nhân sâu xa được xì xào đồn thổi là do thầy quá già mà cô nhà lại quá trẻ đẹp nên thầy có phần ức chế toàn tập và trút hết mọi dồn nén uất ức đó xuống đầu lũ học trò ngây thơ tội nghiệp!

Chỉ biết giờ học nào có tiết của thầy là lớp mình đã chết lặng khi bước chân nhanh nhẹn từ đôi chân ngắn của thầy vang từ ngoài hành lang, và không khí chết chóc đó sẽ nặng nề treo lơ lửng như lưỡi kiếm Damocles suốt hai tiết toán dài đằng đẵng. Thường khi thầy có thể dừng giảng bài nửa chừng và chuyển sang giảng đạo đức hay đơn giản là trút cơn thịnh nộ giận dữ lên bất cứ ai đó vì bất cứ lý do vu vơ nào!

Tiết học đó bắt đầu đã rất căng thẳng, vừa bước vào lớp mặt thầy đã sùm sụp nặng nề như báo trước một cơn giông tố có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào! Và cơn giông đó bắt đầu từ lời chửi bới xiên xéo đến một nữ sinh đã ngồi trên xe đạp mini chỏng lỏn nói chuyện với thầy mà không biết xuống xe chào hỏi lễ độ. Hơn một nửa số nữ sinh trong lớp đi xe đạp mini đến lớp xanh mặt ngơ ngác nhìn nhau. Trong khi dòng âm thanh thịnh nộ của thầy vẫn trút xuống không ngừng.

Em đang cúi gằm đầu xuống mặt bàn, tránh tia nhìn giận dữ của thầy loang loáng ném xuống giữa lớp, thì nghe giọng thì thầm của anh và một bạn trai khác từ phía sau lưng:

– Ôi, tóc lớp phó lạ quá!

– Có sợi tóc nâu đỏ luôn nè.

– Coi chừng là sợi bạc, nhổ ra cho lớp phó xem nhé.

Em vốn rất tự hào về mái tóc đen dày mượt của mình được thừa hưởng từ mái tóc mây của mẹ và được bố em nâng niu từ bé chưa bao giờ được cắt quá vai. Mẹ em tự tay chăm sóc nấu nước lá chanh, lá sả, vỏ bưởi bồ kết gội đầu cho mấy chị em mỗi tuần. Riêng bố mỗi tháng vẫn bắc ghế ra trước sân tự tay cắt tóc cho từng đứa con gái một. Em chưa từng để ai ngoài bố mẹ chạm vào mái tóc dày óng mượt của mình.

Em chưa kịp quay đầu lại phản đối thì giọng thầy đã lạnh lẽo vang lên như sấm rền:

– Hai cậu kia làm trò khỉ gì thế kia? Đây là lớp học hay là công viên mà ngồi ghẹo gái, vuốt tóc người ta giữa ban ngày thế hả?

Giữa không gian lặng như tờ, giọng thầy càng lúc càng lên cao the thé và đầy phẫn nộ:

– Dám giở trò mèo mả gà đồng trong lớp tôi hả? Dám làm chuyện chim chuột dơ dáy trong môi trường giáo dục hả? Đạo đức suy đồi quá rồi! Mất tư cách, xuống cấp quá rồi! Tôi nãy giờ đã theo dõi mấy người xem ra sao, không ngờ chẳng coi tôi ra gì, ngang nhiên tán gái sàm sỡ vuốt tóc ngay trước mặt tôi à?

Em oan ức cúi gằm mặt và nước mắt rơi lã chã vì nhục nhã, phía sau các bạn cũng đã hóa đá vì sửng sốt. Bất ngờ anh đứng vụt dậy:

– Thầy không được nói oan tụi em như vậy. Tụi em chỉ bứt tóc bạc giùm bạn thôi!

Dường như sửng sốt vì lần đầu tiên bị phản ứng lại như vậy trong đời đi dạy, thầy không còn kiềm chế, quát lên lạc giọng, tay chỉ ra ngoài cửa lớp:

– Mày còn dám láo hả? Cút xéo ra khỏi lớp học của tao! Từ nay cấm hai thằng không được học giờ toán nữa. Cuối năm cho tụi bây ở lại lớp, tụi bây tàn đời, đừng mơ thi đại học.

Anh đã thẳng lưng, hiên ngang ngẩng cao đầu bước ra khỏi lớp học. Trong khi bạn cùng bàn mặt tái nhợt vì sợ, đứng lại vòng tay năn nỉ thầy một hồi và thầy nói:

– Mày dắt cha mẹ lên nói chuyện phải trái với tao thì tao cho vào lớp , còn láo như thằng kia thì tao tống cổ cho đi ăn mày cả cuộc đời. Nghe rõ chưa?

Anh vắng mặt tiết toán sau đó, và tất cả các tiết toán sau nữa.

Bạn cùng bàn với anh đã nhờ bố mẹ vào năn nỉ thầy cho học trở lại và… xin học thêm lớp luyện thi toán ở nhà của thầy. Vì ai cũng biết học trò lớp học thêm của thầy luôn được điểm cao khi kiểm tra toán và được thầy cưng chiều ra mặt.

Anh vẫn không trở lại học giờ toán.

Và em quyết định bỏ học một tiết toán để đi tìm anh.

Lần đầu tiên em bỏ học vì một bạn trai. Anh biết điều đó chắc lại càng lên mặt. Nhưng chỗ ngồi trống sau lưng em làm tim em vừa đau nhói vừa chông chênh. Em không thể để anh trượt đi trong kỳ thi cuối cấp như vậy được. Vì em là… lớp phó học tập, cái cớ đàng hoàng biện minh cho việc em đi tìm anh là như thế!

oOo

Em không phải đi đâu xa mà cũng không vất vả lắm để tìm được anh.

Sau trường có dãy nhà tròn nằm chìm trong tàng cây tràm hoa vàng rậm rạp là nơi ưa thích nhất của tụi học trò chơi trốn tìm và… hẹn hò nhau. Anh ngồi một mình giữa bãi cỏ xanh, áo trắng nổi bật trong màu cỏ và bầu trời mùa hạ chói chang sau lưng.

Em còn nhớ anh ngồi đó, nhìn em bằng cặp mắt rất lạ, làm em phải đỏ mặt.

Giọng anh ấm áp, không lạnh lùng như trong lớp học giữa đông đúc bạn bè:

– Lớp phó đi đâu vậy? Lớp phó đâu có bị đuổi học như tui.

– Mình đi tìm bạn. Bạn xin thầy trở lại lớp học đi, đừng có sĩ diện quá như vậy. Năm lớp 12 là quan trọng lắm.

– Mình không chấp nhận một ông thầy có tư cách như vậy. Mình không trở lại đâu. Mình sẽ có cách khác để được thi lớp 12 mà không phải cúi đầu.

Giọng  anh dịu dàng hơn:

– Lớp phó về lớp học lại đi. Đừng bỏ tiết như mình, coi chừng mất danh hiệu học sinh xuất sắc.

– Bạn không về, mình cũng ngồi đây luôn, không về đâu!

Em phụng phịu, ngồi bệt xuống cỏ, tà áo dài trắng lấm tấm cỏ may.

Anh nhìn em lắc đầu, cười khó hiểu:

– Lớp phó lạ quá nhỉ? Vì mình hay vì cái gì thế? Mình nhất quyết không học giờ toán đó nữa. Nhưng mình có điều này muốn nói…

Em lúng túng nhìn anh, linh cảm có điều gì đó lạ lẫm nơi anh:

– Lớp phó có mái tóc đẹp lắm, biết không? – Và anh chạm nhẹ vào tà áo dài trắng của em – Đứng lên đi, thứ nhất là dơ hết áo dài, thứ hai nếu có ai nhìn thấy… sẽ tưởng là mình và lớp phó…

Em không nghe hết câu đã vội vã bỏ đi, má đỏ hồng và nôn nao như người say rượu.

Từ đó mình đối với nhau khác hẳn xưa.

Chiều đó anh đến nhà em chơi đến tối, lý do là để chép bài giảng trong lớp và… nhiều lý do khác nữa.

Những cuối tuần anh xin bố mẹ chở em trên chiếc xe đạp sườn ngang đi chơi loanh quanh trong khu cư xá và kể cho em nghe tất cả mọi chuyện về anh, về gia đình, bạn bè.

Có những chiều anh và em vào sân vận động xem đá banh giữa mênh mang gió nắng. Những khi trời đổ mưa anh phủ kín em trong áo mưa còn anh thì vừa đầu trần tắm mưa vừa hò hét hăng hái cổ vũ cho đội bóng anh yêu.

Mình thường hay đi tắm mưa chung với nhau đến thành ghiền tắm mưa.

Và có lần trong mưa , anh đã nắm tay em nói rất vội… Anh thích em… Tiếng anh chao đi trong gió, em nghe không rõ lời nhưng đã bồi hồi và ngơ ngẩn hết mấy ngày, nửa tin nửa ngờ.

Thi tốt nghiệp lớp 12, anh đăng ký theo diện học sinh tự do, và nhất quyết không cúi đầu trước ông thầy toán. Năm đó anh thi đậu đại học thể thao, em vào Trường đại học Tổng hợp khoa văn. Hai đứa dần xa nhau vì thời gian, vì bận rộn việc học và những hiểu lầm của tuổi trẻ nông nỗi dại dột.

oOo

15 năm sau gặp lại nhau trong một buổi họp lớp, anh giờ đã là hiệu phó của một trường trung học nổi  tiếng của thành phố. Em cũng là một phóng viên của một tờ báo có tên tuổi trong làng báo. Anh nhìn em đăm đắm lạ lẫm, vì em đã cắt đi mái tóc dài ngày xưa thay vào đó là mái tóc ngắn gọn ghẽ cho hợp với công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn năng động.

Anh tìm cách ngồi bên cạnh em suốt buổi và làm như vô tình hỏi:

– Nhìn lớp phó lạ lắm đó. Sao lại cắt mái tóc dài uổng quá vậy?

Em đanh đá đối đáp lại:

– Vì sợ có người lại mang tội oan vì vuốt tóc lén nữa.

Anh bật cười to hóm hỉnh:

– Lớp phó ngây thơ quá, vẫn không biết gì à? Người ta thèm vuốt tóc thật đấy, không phải bị oan chút nào đâu. Tóc đẹp thế mà ngồi trước người ta mỗi ngày, ai mà chịu nổi, đêm về còn nằm mơ! Sau này cũng chẳng có ai tóc đẹp như thế để mình vuốt nữa. Tiếc ghê!

Em lại thấy bẽn lẽn như ngày nào mình ngồi bên nhau trên sân cỏ, dù biết anh bạn tuổi thơ chỉ tán tỉnh ngọt ngào cho vui thôi. Nhưng kỷ niệm êm đềm ngày thơ lập tức ùa về đầy tim xao xuyến.

Anh đâu biết rằng sau buổi gặp gỡ đó em đã ngấm ngầm lặng lẽ nuôi lại mái tóc dài và đôi khi bắt gặp mình mơ màng có bàn tay ai lướt nhẹ trên tóc và tiếng ngày xưa thơ dại vọng về:

– Tóc lớp phó có màu nâu lạ lắm nè… 

LÊ UYÊN
(TP.HCM)

 

 Áo Trắng số 15 ra ngày 15/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.