Ấn Độ: chống đói nghèo bằng điện thoại di động

TTO – Ở Juanga, Ấn Độ, một ngôi làng với không tới 3.000 dân, người lớn thường là nông dân với những khoảnh đất nhỏ hẹp và thu nhập không tới 2 USD mỗi ngày.

Ấn Độ: chống đói nghèo bằng điện thoại di động

Họ sống trong những căn nhà chật chội làm bằng tre nứa với hai, ba phòng, tường đất và chỉ độ nhật qua ngày bằng cơm độn hạt thược dược.

Theo số liệu chính thức, Ấn Độ có 950 triệu đăng ký thuê bao điện thoại di động – ảnh: CNN

Các gia đình tích điểm để đổi lấy nhu yếu phẩm – Ảnh: CNN

Không thể thấy được giá trị của giáo dục, các bậc cha mẹ thường buộc con cái nghỉ học trước 16 tuổi để đi kiếm tiền. Phụ nữ thường hiếm khi nào được chăm sóc y tế và hoàn toàn thiếu các kiến thức về sức khỏe sinh sản và y tế dự phòng. Họ cũng thiếu những tiện nghi tối thiểu như nước uống, điện, thức ăn, chăm sóc y tế và cơ sở hạ tầng.

Thay đổi từ chiếc điện thoại di động

mPowering, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, đang có tham vọng thay đổi điều đó bằng chiếc điện thoại di động. Có trụ sở ở San Francisco (Mỹ), tổ chức này đã hợp tác cùng Citta, một tổ chức từ thiện ở Orissa, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ và có dân số khoảng 37 triệu người.

Theo UNICEF, Orissa là bang có số người sống dưới ngưỡng nghèo đông nhất và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất Ấn Độ. Đây cũng là bang thường xuyên bị thiên tai, hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy tàn phá. Gần một nửa trẻ em ở bang bỏ học trước 14 tuổi và không được tiêm chủng những bệnh cơ bản.

mPowering muốn tận dụng sóng di động rộng khắp, chi phí WiFi và kết nối GSM, cước điện thoại ngày càng giảm và số đăng ký di động tăng nhanh ở Ấn Độ để đưa vùng này ra khỏi đói nghèo. Citta, đăng ký ở Mỹ và Anh, đã xây một trường học tại Juanga năm 2001 và một bệnh viện vào năm 1996. Tổ chức này cũng vận hành một trung tâm phụ nữ tư vấn sức khỏe tiền sản và các khóa học cho những bà mẹ về vệ sinh và dinh dưỡng.

Ngôi trường ban đầu có 140 học sinh, giờ đã có 400. Bệnh viện chỉ có năm bác sĩ và 10 y tá, hiện là bệnh viện duy nhất trong vùng, phục vụ khoảng 100.000 người trong bán kính 25km. Theo mPowering, 46% người dân Juanga sống dưới ngưỡng nghèo và 41% trẻ em bị suy dinh dưỡng. mPowering bắt đầu hợp tác với Citta từ năm 2010, tặng 56 gia đình ở Juanga mỗi nhà một chiếc điện thoại thông minh có các ứng dụng giống như một kiểu trò chơi điện tử dựa trên động cơ và phần thưởng.

Mặc dù một số dân làng chưa bao giờ sử dụng điện thoại, họ nhanh chóng nhận ra cách thức nó làm việc. Các ứng dụng trong điện thoại giúp tích điểm cho những gia đình cho trẻ đi học đều đặn và các bà mẹ đến học những lớp chăm sóc y tế. Điểm cộng dồn sẽ giúp các gia đình đổi lấy đồ ăn, quần áo và thuốc men mỗi tháng.

Trẻ em trong trường học ở Juanga và những chiếc điện thoại di động – Ảnh: CNN

Sáng kiến từ cựu giám đốc Apple

mPowering cũng cung cấp thiết bị sạc điện thoại ở lớp học, do nhiều nhà không có điện. Jeff Martin, người sáng lập mPowering, đã có 10 năm làm giám đốc cấp cao cho Hãng Apple, bao gồm sáu năm đứng đầu bộ phận âm nhạc, giải trí và tiếp thị, trực tiếp dưới quyền Steve Jobs. Ông cũng là người sáng lập và giám đốc điều hành của Tribal Brands và Tribal Technologies và sử dụng công nghệ từ những công ty đó ở mPowering.

Martin đến Ấn Độ nhiều lần khi còn làm cho Apple. “Tôi lựa chọn Orissa vì đó là nơi nghèo nhất trong những nơi nghèo. Cách tốt nhất để cải thiện đời sống ở vùng nông thôn và thay đổi các truyền thống đã kéo dài hàng thế kỷ là công nghệ điện thoại di động và tưởng thưởng cho mọi người”, CNN dẫn lời ông.

Ngoài việc giúp đỡ người dân, công nghệ di động giúp Martin cho những nhà tài trợ thấy ngay lập tức ảnh hưởng và hiệu quả của những khoản tiền họ bỏ ra, chứ không còn phải phấp phỏng về mục đích chi tiêu của các khoản đóng góp nữa. Một ví dụ là việc gửi những bức tranh vẽ của các em bé ở những gia đình nhận tài trợ trong chương trình điện thoại di động thẳng vào điện thoại di động của người đã góp tiền cho chương trình.

Một gia đình Juanga được nhận điện thoại từ mPowering – Ảnh: CNN

Một kế hoạch tương lai là khuyến khích các bà mẹ đưa con đi khám định kỳ bằng cách tích điểm đổi lấy thuốc men. Ông cũng cài đặt các đoạn video trong điện thoại di động hướng dẫn dân làng cách lọc nước bẩn. “Các tổ chức từ thiện hiện không có phương pháp để đo kết quả của chính họ – Martin nói – Nhưng chúng tôi tin ở việc định lượng. Không ai kiếm được tiền ở Silicon mà không có định lượng rõ ràng. Tôi có nhiều quỹ sau lưng sẵn sàng bỏ tiền nếu biết việc làm từ thiện của họ có thể đong đếm được kết quả, và điện thoại di động chính là giải pháp. Tôi không tin lắm ở các khoản tín dụng vi mô do chúng tạo ra áp lực với người đi vay. Nhiều người không muốn quyên tiền nếu không biết rõ tiền sẽ được chi tiêu thế nào. Chúng tôi đang chứng minh rằng các tổ chức từ thiện cũng cần thay đổi”.

Dự án thật sự mang lại ảnh hưởng định lượng được, theo mPowering. Số trường hợp báo bệnh trong làng đã giảm từ 119 năm ngoái xuống 52 năm nay. Có 125 chuyến đi khám bệnh định kỳ năm nay so với 98 năm ngoái, theo số liệu của mPowering. Ngoài ra, 71% trẻ em đến trường, so với 52% một năm trước.

“Năm nay mọi học sinh cấp II ở làng đều vượt qua kỳ thi của bang và chúng tôi rất háo hức – Michael Daube, người sáng lập và giám đốc điều hành của Citta, hồ hởi – Chúng tôi đã theo dõi những tiến bộ từ khi dự án bắt đầu và thấy số trẻ đi học tăng gần 25% vì sáng kiến của mPowering, điều này cũng giúp thu hút thêm nguồn tài trợ cho những khu vực nghèo đói nhất”.

HẢI MINH (Theo CNN)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.