Bản kiểm điểm đầu năm

Chiều hôm qua, sau khi đi làm về, vợ tôi hỏi tôi “anh có lấy tiền làm gì không, em lại mất tờ 500 nghìn nữa, có nghĩa từ hôm trước đến nay mất gần 1 triệu đấy”. Tôi hiểu vợ tôi đang nói đến ai, vì ngày hôm đó 2 con trai tôi đều ở nhà, lại không có ai đến chơi.

Vào năm học mới, các con và bố mẹ đều háo hức từ sớm để đến trường. Năm nay cũng vậy, ngoài quần áo mới và đồ dùng học tập cho con, tôi đã trang bị một chiếc xe đạp mới cho con trai tự đến trường vào lớp 7, học xong, trưa về nhà nấu cơm vì năm nay không ở bán trú.

Cũng như bao gia đình khác sống ở Hà Nội, 2 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường, vợ chồng tôi sáng đi làm, trưa ăn ở cơ quan, tối mới về nhà nấu cơm cho cả nhà 4 người ăn tối với nhau. Sau đó các con học, bố mẹ làm việc hoặc hướng dẫn con làm bài tập. Cuộc sống thật đơn giản, êm đềm, lẽ ra không có chuyện gì để kể ra đây, nếu không có cái ngày 04/9/2012 trước ngày khai giảng năm học mới của các con tôi một ngày.

Chiều hôm qua, sau khi đi làm về, vợ tôi hỏi tôi “anh có lấy tiền làm gì không, em lại mất tờ 500 nghìn nữa, có nghĩa từ hôm trước đến nay mất gần 1 triệu đấy”. Tôi nhắc vợ “Em cẩn thận, kiểm tra lại xem sao, nhà mình từ trước đến giờ có bao giờ mất tiền đâu. Hay em để ở chỗ nào mà quên”, vợ tôi bảo “Lương vợ chồng mình thấp, mỗi lần lấy ra tiêu em đều đếm lại, có bao nhiều em biết, không thể quên được, nên chắc chắn có ai đó vào lấy đi rồi, nếu là trộm thì không thể lấy một tờ như vậy được”.

Tôi hiểu vợ tôi đang nói đến ai, vì ngày hôm đó 2 con trai tôi đều ở nhà, lại không có ai đến chơi. Tôi gạt đi “Con nó không biết tiêu tiền đâu, mọi lần cho tiền ăn sáng, tiền thừa con đều đưa trả lại hoặc nếu quên thì lại thấy rơi ra ở máy giặt quần áo mà”.

Vợ tôi khăng khăng “anh cứ hỏi con đi, chắc có vấn đề gì với nó, tiền em không tiếc, nhưng em sợ có chuyện gì với con thì em chết”. Tôi gọi con trai lớn đến hỏi “Tùng, gần đây con có việc gì cần tiền lắm không”, con tôi trả lời “Không, con không cần tiền làm gì cả”, vợ tôi lại nói “Nếu con cần tiền, bố mẹ sẽ cho con, nhưng bố mẹ phải biết con cần tiền để làm gì, chắc chắn mẹ đã mất 2 tờ, mỗi tờ 500 nghìn rồi đấy”.

Khi lên phòng của con, chúng tôi tiếp tục nói chuyện để con trai hiểu những lo lắng và phân tích những hiểm nguy nếu con tiêu tiền không có ý kiến của bố mẹ. Tôi nói “Con đủ lớn để nhận thức về những việc con làm, bố mẹ muốn biết lý do con cần tiền, để định hướng cho con chi tiêu thế nào và để giúp con”, con tôi vẫn không nhận. Sau một hồi cả vợ tôi phân tích thêm nữa, con mới nói “là con cần tiền để đóng học phí, nhưng con cũng không lấy tiền của bố mẹ”.

Vợ tôi bảo “Bố mẹ, dù khó khăn đến đâu chăng nữa cũng phải lo đủ tiền đóng học cho con, con đã học đến lớp 7 rồi nhưng chưa lần nào bố mẹ đóng muộn hơn so với các bạn con trong lớp, con nói thật đi, con cần tiền làm gì vậy”. Lúc đó, con mới vào bàn học để lấy 500 nghìn ra đưa cho vợ tôi và nói “Con chót lấy tiền để chi tiêu với bạn ở lớp”.

Tôi lặng người đi, vợ tôi cũng không nói được gì cả, như có cái gì đó chèn ngang cổ làm tôi nghẹn lại, tôi rất tin yêu và đặt nhiều hy vọng vào con trai, con là học sinh giỏi 6 năm liền, rất ngoan và hiền lành. Tôi tự nhủ, chắc con cần tiền vì một lý do gì đó, mà không dám nói chuyện với bố mẹ.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghĩ con đã lớn, tôi hiểu cần phải thật nghiêm lắng nghe và hiểu con. Tôi không dám mắng con vì chuyện này, và bảo vợ không nói thêm gì nữa với con, yêu cầu con sáng mai sau khi dự lễ khai giảng ở trường xong thì về nhà viết bản tự kiểm điểm thuật lại chi tiết việc lấy tiền và dùng tiền để làm gì mà cần nhiều vậy.

Ngày mai sẽ bắt đầu một năm học mới của các con tôi, vợ chồng tôi lại không ngủ được, nhưng lần này không phải vì hồi hộp mà vì lo lắng, vợ tôi hôm nay ngủ với con trai lớn để nói chuyện và khuyên con không được nói dối bố mẹ, tôi ngủ với con trai bé để suy nghĩ thêm, làm sao giúp con vượt qua những vấp ngã đầu tiên này.

Trời mùa thu về khuya hơi se lạnh, tôi vẫn bật quạt và cố gắng ngủ để mai làm việc, nhưng không ngủ được. Vợ tôi chắc cũng vậy, chưa ngủ được, thỉnh thoảng tôi nghe như có tiếng xe máy đến cửa, ngồi dậy để ra xem sao nhưng không phải, chắc do thức khuya nên tiếng quạt nghe như có tiếng xe máy nữa. Đầu óc tôi lúc tỉnh, lúc mơ màng, tôi cứ tự hỏi rồi tự trả lời:

– Con tôi cần tiền để làm gì nhỉ, hay nó chơi game online mất tiền. Không, con tôi chỉ dùng máy tính xách tay mà tôi mang về nhà vào cuối tuần thôi, mấy cái trò con chơi game đó tôi cũng biết, không phải thể loại mà say đến quên ăn quên ngủ và mất tiền, với lại mỗi lần con chơi đều xin phép tôi mà;

– Hay là con tôi chơi điện tử ở quán nhỉ, những lần nó đi học thêm. Không, tôi biết lịch học của con mà, mỗi lần nó đi đâu đều xin phép bố mẹ;

– Hay con tôi bị ai bắt nạt, bắt nó nộp tiền nhỉ. Không, nó hiền, tôi cũng biết bạn con mà;

– Liệu tôi có nên đánh đòn con một trận thật đau, để con khai ra không nhỉ, thậm chí bắt nhịn ăn một bữa cho chừa. Không, tầm tuổi nó không làm thế được, nó sẽ tủi thân, sống khép mình và có thể sẽ nghĩ tiêu cực;

– Hay là cho con tiền nếu con thực sự cần, hướng dẫn con cách tiêu tiền thế nào hợp lý, bảo con ghi chép lại đưa cho bố mẹ kiểm soát. Không, nếu con nói dối thì cách này sẽ hại con mất, con chưa đến tuổi tiêu tiền…

Vậy làm thế nào bây giờ, tôi thấy mình bất lực đứng cạnh mà chưa tìm ra cách giúp con. Chắc phải cùng con trong hành trình bước vào đời, ít nhất là đến khi thấy con kiếm được đồng tiền bằng chính khả năng của mình… tôi thiếp đi lúc nào, và trong giấc ngủ chập chờn ấy bất chợt giật mình tỉnh giấc khi có ai đá vào cạnh sườn mình, thì ra cậu con trai út chắc đang mơ đá bóng đây. Ngoài trời lờ mờ sáng, mấy bác về hưu trong khu chung cư đã dậy, đang gọi nhau đi tập thể dục.

Tôi phải dậy rồi, hôm nay phải chuẩn bị quần áo mới cho 2 con đi dự lễ khai giảng, bọn trẻ chắc sẽ vui, dù vậy đi học về con trai lớn, Tùng vẫn phải viết bản kiểm điểm, mặc dù hôm nay mới là buổi đầu năm học mới của con.

PVB

Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc… về cuộc sống của bạn tạidoisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không dấu

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.