Bị trầm cảm vì được chăm sóc quá kỹ

Cậu nhóc đi học về chỉ có mỗi việc thả người trên ghế bố xem tivi, chơi game, chị bê mâm cơm đến tận giường, kể cả nước rửa miệng và khăn lau mặt. Vào đại học cậu ta vẫn khép mình, không làm bạn với ai cả. Kết quả cậu ta bị trầm cảm.> Sự cô đơn đang cướp đi cuộc sống của tôi

Chào Nguyễn!

Đọc lướt qua tâm sự của em tôi nhìn thấy được vấn đề: em đang bị trầm cảm, đó là một dạng bệnh lý chứ không phải là bình thường. Tại sao tôi dám kết luận vậy? Có một trường hợp cạnh nhà tôi, phần nào giống như em, chị ấy lập gia đình trễ và khi sinh được cậu nhóc như mong muốn, chị vô cùng sung sướng và cưng con như cưng “trứng mỏng”.

Từ nhỏ mỗi bước chân cậu con bị vấp chị suýt xoa vỗ về, vệ sinh hay tắm rửa chị làm giúp cho tới 10 tuổi. Cậu nhóc đi học về chỉ có mỗi việc thả người trên ghế bố xem tivi, chơi game, chị bê mâm cơm đến tận giường, kể cả nước rửa miệng và khăn lau mặt. Cứ tưởng như cả xóm không ai biết chị có con trai vì cậu nhóc gần như không chơi với bất cứ ai cùng trang lứa. Vào đại học cậu ta vẫn khép mình, không làm bạn với ai cả.

Cho đến một ngày cậu ta bỗng nhiên khó đi đứng, sợ đám đông, chị ấy phải khăn gói từ quê lên chở đi khám bệnh. Kết quả cậu ta bị trầm cảm và sau một thời gian điều trị bệnh tình cậu ta thuyên giảm hẳn nhưng chưa hồi phục hoàn toàn. Kể từ đó tôi thường xuyên gặp bác sĩ chuyên khoa và tìm hiểu về bệnh này.

Người bệnh trầm cảm vẫn hoạt động xã hội bình thường, vẫn làm những công việc chuyên môn bình thường, nhưng ngoài những khoảnh khắc đó ra là một khoảng lặng, cô đơn và trống trải. Họ dễ bi quan, suy nghĩ tiêu cực và không có sức sống. Đối với họ cuộc đời không có màu hồng, họ thường mặc cảm mình là gánh nợ của những người thân và họ không thích sống trên cõi trần. Kết quả là họ sẽ đi đến hành vi tự sát. Đó là chưa nói đến những rối loạn khác kèm theo như bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh lý vùng mũi xoang từ cơ chế của bệnh trầm cảm gây ra.

Trường hợp của em tôi thấy khá giống như vậy và tôi nghĩ vẫn còn khả quan để đưa em về cuộc sống thực tại một cách tích cực. Để làm được điều đó em cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị. Chỉ bằng những phương pháp mà mọi người tư vấn cho em vẫn không đủ đâu mặc dù rất cần thiết. Tôi tuy không là bác sĩ nhưng với chừng ấy kiến thức mà tôi thu lượm được hy vọng sẽ giúp em phần nào, chỉ cần em chịu nghe lời khuyên của tôi. Chúc em toại nguyện.

Vũ Phương

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.