Con đường sáng nào cho em tôi?

Em xin tiền cha mẹ, anh chị để nạp từng thẻ điện thoại, để mua từng điếu thuốc lá. Rồi em lần lượt dẫn về nhà ba cô gái khác nhau giới thiệu cho cha mẹ tôi là người yêu của em. Một cô đã có đứa con gái, một cô đang có bầu mà em không biết chắc có phải là con em không, và một cô chưa tới 17 tuổi.

Chào các anh chị độc giả!

Tôi là con đầu trong gia đình có 3 gái và một trai út. Bố mẹ tôi xuất thân từ làng quê nghèo khổ vùng Bắc Trung Bộ. 16 tuổi cả 2 đã tham gia kháng chiến, mẹ về làm dâu nhà nội tôi vốn nổi tiếng là nghèo nhất trong làng thời bấy giờ, năm mẹ 25 tuổi. Sau khi cưới, bố hành quân vào Nam, mẹ ở quê sinh ra tôi và chờ đợi bố khi chiến tranh sắp đến ngày kết thúc.

Năm 1979, bố quay trở về quê đón mẹ và tôi cùng vào Nam nhận công tác mới. Bố chuyển ngành từ bộ đội sang cảnh sát điều tra, mẹ xin vào làm ở xí nghiệp may gần nhà. Hai em gái tôi lần lượt ra đời, bố vẫn chiều chiều đi làm về, đứng tựa cửa nhìn trời và thở dài vì chưa có con trai. Thế rồi bố mẹ cũng đạt được mong ước có con trai khi em út tôi chào đời, bố đặt tên em là Đạt vì đã đạt được mong ước cháy bỏng có con trai của mình.

Cuộc sống của gia đình tôi đầy khó khăn và cực khổ trong suốt những năm tháng chúng tôi còn nhỏ, do tình hình chung của đất nước trong giai đoạn sau chiến tranh cũng như tính thanh liêm của bố. Bố nghiêm khắc đến khắc nghiệt và tôi là đứa con thường xuyên nhận được những trận đòn từ bà nội và bố mẹ do những lỗi lầm mà có lẽ bất kỳ đứa trẻ 10 tuổi ham chơi nào cũng sẽ dễ dàng gặp phải: trông em mà để em té, để em tè dầm, để em khóc…

Năm 1991, khi tôi 17 tuổi, một biến cố cực lớn đã xảy ra với gia đình tôi: bố và chú- người em trai duy nhất của bố cùng nhau phát bệnh tâm thần hoang tưởng khi chú từ quê vào Nam sau khi mất việc. Gần 2 tháng chữa trị tại bệnh viện 175, cả bố và chú đều đỡ bệnh và chú trở về quê. Sau đó là cứ 2 năm một lần, bố tôi lại phát bệnh từ 1 đến 2 tháng phải chữa trị trong bệnh viện. Ngoài thời gian bố phát bệnh thì cơ quan vẫn để bố tôi làm việc cho đến khi ông về hưu non năm 1997.

Có lẽ do bệnh tật nên bố ít chia sẻ, quan tâm và dạy dỗ em trai tôi, mẹ thì lại quá nuông chiều, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của em. Chúng tôi, những chị gái với tuổi đời không nhiều hơn em bao nhiêu thì chưa có nhiều hiểu biết cũng như nhận thức để gần gũi, hướng dẫn em trai mình trước những cạm bẫy, khó khăn của cuộc sống. Khu vực nhà tôi ở, những đứa con trai bằng hoặc lớn tuổi hơn em đều lêu lổng và vướng vào ma túy.

13 tuổi, em tôi bắt đầu đi theo đám bạn xấu của mình mà gia đình không hề hay biết vì mải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền và vì chúng tôi không có thói quen chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống như những gia đình khác. 16 tuổi em bị bắt và đi tù vì tội cướp giật tài sản. Do đang ở tuổi vị thành niên, em được tha sau hơn một năm bị giam ở Chí Hòa.

Về nhà, bố mẹ xin cho em đi học bổ túc tại một trường dân lập, yên ổn được hai năm thì em tiếp tục bị bắt vì tội cướp giật. Có lẽ do thói quen ăn xài, hưởng thụ mà gia đình tôi không đủ khả năng đáp ứng cho em và em cũng có vướng vào ma túy. Lần phạm tội này em đã hơn 18 tuổi và là lần phạm tội thứ 2 nên bị tuyên 7 năm tù giam.

Tội nghiệp bố mẹ tôi, đằng đẵng suốt 5 năm trời, mỗi 2 tuần lại đèo nhau bằng xe máy đi gần 180 cây số để thăm nuôi em với hy vọng được nhìn thấy em khỏe mạnh và động viên em cải tạo tốt để sớm được trở về. Thụ án 5 năm, em được trở về nhà.

Rồi em lấy vợ, có con, vợ chồng em còn trẻ, khi cưới vợ, em mới 17 tuổi và không cùng quan niệm sống nên thường xuyên cãi vã cắn xé nhau. Tôi lập gia đình và ra riêng nên không chứng kiến nhiều những trận cãi nhau của 2 vợ chồng em nhưng vẫn luôn khuyên nhủ và hỗ trợ 2 em vốn để làm ăn sinh sống. Lần đầu tiên tôi bỏ tiền cho vợ chồng em sang một tiệm điện thoại, kinh doanh mà 10h sáng mới mở cửa, một tháng thì đánh chửi nhau hết 20 ngày, được 3 tháng thì dẹp tiệm.

Em xin đi làm bảo vệ tại một công ty ở Bình Dương, lương không nhiều và đi làm xa nhưng em vẫn cần mẫn đi làm suốt hơn một năm. Hai vợ chồng em vẫn chưa thể thuận hòa, vợ em ghen và em nghỉ làm. Thương vợ chồng em con nhỏ, không công ăn việc làm, thương cha mẹ tôi đã về hưu vẫn phải nuôi cả gia đình em, tôi lại cho tiền em sang một quán cafe ở Thủ Đức để kiếm kế sinh nhai. Bán cafe thường lượng khách buổi sáng rất sớm, vậy mà hai em cũng 9-10h mới mở cửa. Ly chén để cả tuần không rửa, quần áo của con cái dơ, nhiều cái cũng vứt luôn chứ không giặt. Được ba tháng cũng lại đóng cửa quán.

Vợ chồng em ăn bám cha mẹ gần một năm nữa thì tôi lại cho hai em quản lý và làm việc tại một tiệm uốn tóc vốn đang có nhiều khách quen mà tôi vừa sang lại của một người bạn. Hai vợ chồng em vẫn mở cửa trễ, đánh chửi nhau, tụ tập nhậu nhẹt mỗi tuần một lần làm mất khách và hàng xóm phàn nàn liên tục. Rồi vợ em chuyển sang ghi đề và trả lại tiệm cho tôi.

Hai vợ chồng em phất lên nhanh chóng nhờ ghi đề, rồi sắm xe SH, tiêu xài và kéo nhau ra tòa ly dị. Em nhận nuôi con, mà thật ra là cha mẹ tôi nuôi cả 2 cha con. Em kế tôi xin cho em vào làm tại một nhà hàng Nhật, em có khiếu làm bếp và chăm chỉ nên được giao cho quản lý tổ bếp cũng như phụ trách việc đi chợ cho nhà hàng. Thu nhập của em mỗi tháng gần 7 triệu đồng. Khỏi phải nói cả gia đình tôi vui và hạnh phúc như thế nào khi em chăm chỉ đi làm mỗi ngày.

Được 7 tháng thì sóng gió lại tiếp tục xảy ra. Chẳng biết em đi đâu làm gì mà thiếu nợ người ta gần trăm triệu đồng. Hỏi thì em không nói, rồi em bỏ việc, đi suốt không về nhà. Xe em cầm cố và tôi cương quyết không giúp em chuộc ra để em không ỷ lại gia đình nhưng cha mẹ và em gái kế của tôi vẫn giúp tiền cho em chuộc ra không dưới 5 lần mỗi lần 20 triệu.

Cuối cùng em mất luôn xe mà bố mẹ tôi vẫn phải trả tiền góp hàng tháng cho công ty bán xe tổng cộng gần 30 triệu đồng cho đến hết năm nay. Tôi hỏi vì sao em lại thế, em trả lời do ly dị vợ nên chán đời và em còn thương vợ nhiều lắm, nhưng vợ em đã ở với người khác mất rồi.

Em hàng ngày ở nhà, tối thức chơi game, ban ngày lại ngủ. Cha mẹ và chúng tôi bất lực vì đã khuyên bảo em hết lời nhưng em lấy lý do không có xe nên không chịu đi làm. Em xin tiền cha mẹ, anh chị để nạp từng thẻ điện thoại, để mua từng điếu thuốc lá. Rồi em lần lượt dẫn về nhà ba cô gái khác nhau giới thiệu cho cha mẹ tôi là người yêu của em. Một cô đã có đứa con gái, một cô đang có bầu mà em không biết chắc có phải là con em không, và một cô chưa tới 17 tuổi.

Cô gái có bầu ở nhà cha mẹ tôi được 2 tháng, lương hưu của cha mẹ tôi ngoài gánh nặng nuôi ăn học cho hai cha con em, trả nợ cho em mà còn nuôi thêm một bà bầu sắp sinh. Rồi cô gái ấy cũng hiểu nỗi khổ của cha mẹ tôi và về quê mẹ ruột để sinh con. Em nói không yêu thương hay tin tưởng gì cô ấy nên cô ấy ở luôn bên ngoại và tự mình nuôi con.

Cô gái thứ 3 chưa đầy 17 tuổi, đang sống cùng em ở nhà cha mẹ tôi. Hiện tại cả 2 đều vô công rỗi nghề, đêm thức ngày ngủ để mẹ tôi phục vụ cơm nước. Tôi thật sự không hiểu cha mẹ tôi nghĩ gì khi không hề khuyên can, hướng dẫn cho em và cô gái ấy những nguyên tắc cơ bản của những người con. Hay cha mẹ tôi không dám nói vì có nói chỉ nhận được những quát tháo la mắng của em? Em như một ông trời con trong nhà và mỗi khi em nổi điên thì chẳng xem ai ra gì. Phải chăng em có di truyền bệnh từ bố và chú của tôi?

May mắn rằng trong gia đình tôi là người được em vị nể nhiều nhất. Tôi khuyên bảo em hết lời nhưng hình như em không cảm thấu. Rồi tôi lại nghe nói em gom tiền cho người ta buôn hàng trắng để nhanh có nhiều tiền. Cả gia đình tôi choáng váng khi nghe em nói mà em lại tỉnh bơ như không.

Tôi biết làm sao, làm thế nào để cho em có thể nhận thức được rằng: không có đồng tiền phi pháp nào mà không bị trả giá. Nếu em bị bắt vì việc này thì cuộc đời em xem như chấm hết: một là em sẽ bị tử hình, hai là cha mẹ tôi sẽ không còn đủ sức để thăm nuôi em và chúng tôi cũng thế.

Có ai từng trải qua những việc như em tôi hay có giải pháp nào thức tỉnh em tôi thì làm ơn chỉ cho tôi với. Xin chân thành cảm ơn.

Khanh

Ý kiến gửi về Tamsu@VnExpress.net (Gõ có dấu, gửi file kèm).

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.