TT – Quy định vừa bị hủy bỏ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc cấm bán thịt gia súc, gia cầm sau tám giờ kể từ khi giết mổ không phải là trường hợp cá biệt về quy tắc ứng xử phi thực tế bị xã hội phản ứng.
Luật phải vì cuộc sống
Không khó để tìm ra những quy định tương tự đã được đưa vào các lĩnh vực đa dạng của đời sống xã hội. Cách nay ít lâu là việc cấm người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép điều khiển xe máy; cấm vận chuyển gia súc, gia cầm bằng xe máy vào khu vực nội thành Hà Nội. Gần đây là cấm nghe, nói bằng điện thoại di động ở gần trạm xăng…
Được biết, Bộ Thông tin – truyền thông đang soạn thảo một văn bản có quy định cấm chơi game online quá 180 phút trong một ngày, dự kiến ban hành trong tương lai gần.
Có thể nhận thấy không chỉ một hai, mà không ít, nếu không muốn nói là khá nhiều cơ quan có quyền đặt ra chuẩn mực ứng xử pháp lý đang sử dụng quyền này một cách… khá tùy hứng, nhất là khi cần cấm đoán, hạn chế, ràng buộc đối với người dân. Dường như chỉ cần nhận thấy một hành vi cụ thể là không ổn về phương diện trật tự xã hội xét theo một bộ tiêu chí khoa học, kỹ thuật nào đó, thì cấm. Người làm luật không đặt và trả lời câu hỏi liệu xã hội, trong hoàn cảnh, điều kiện hiện hữu, có khả năng tiếp nhận lệnh cấm đó với thái độ tích cực phổ biến.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy một luật tốt thường không phải là kết quả những suy nghĩ, tính toán chủ quan của người cầm quyền chỉ để phục vụ cho mục tiêu quản lý. Trong phần lớn trường hợp, đó là một tập hợp quy tắc giao tiếp có nguồn gốc từ các thái độ ứng xử được cho là tích cực đang được thực hành rộng rãi, hình thành những trào lưu xã hội, được người làm luật ghi nhận, rồi thừa nhận để trở thành chuẩn mực chung.
Cũng có nhiều luật có tác dụng định hướng cuộc sống của người dân, nghĩa là vạch ra cách xử sự mà người dân phải thực hiện trong khung cảnh của cuộc sống đang vận động hướng về phía trước. Tuy nhiên, sự định hướng phải dựa vào những thói quen, nền nếp tích cực đang tồn tại, chứ không phải là việc giới thiệu vào đời sống xã hội, thông qua bộ máy cưỡng chế, một cách xử sự hoàn toàn xa lạ đối với mọi người. Quy định cấm đốt pháo trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật môi trường năm 1993 là một ví dụ. Ở thời điểm quy định được ban hành, đốt pháo trong ngày tết vẫn còn là một thói quen; song có một xu hướng mạnh mẽ đặt thói quen ấy ra ngoài vòng pháp luật và bản thân xu hướng này tiêu biểu cho một thói quen khác, tích cực, đang hình thành: thói quen vui tết mà không cần đốt pháo.
Việc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hủy bỏ quy định cấm bán thịt động vật sau tám giờ kể từ khi giết mổ tất nhiên được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, điều mà xã hội, tức là người dân trông đợi ở nhà chức trách không chỉ có chừng đó. Quan trọng hơn hết là phải làm thế nào không để người dân phải tiếp tục giật mình trước sự ra đời của những quy tắc ứng xử mang tính trói buộc kỳ quặc, xa rời thực tế, có thể gây xáo trộn theo nghĩa tiêu cực đối với nền nếp sinh hoạt, giao tiếp đã quen.
Một luật vô lý khó có thể được người dân tuân thủ một cách tự nguyện. Và trong trường hợp phản ứng tiêu cực của người dân trở thành xu thế xã hội thì không chỉ luật có nguy cơ bị xếp xó, mà uy tín của Nhà nước cũng có nguy cơ bị giảm sút.
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Source: Báo Tuổi Trẻ