Võ Trọng Nghĩa và hành trình ‘đi tìm thất bại’

Trở về Việt Nam “để tìm thất bại” theo lời khuyên của Giáo sư người Nhật 6 năm trước, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa gặp không ít khó khăn những ngày đầu gây dựng sự nghiệp, để rồi có những thành công chói sáng sau đó.> Lần đầu tiên kiến trúc sư Việt Nam đoạt giải quốc tế

Kể từ giải thưởng International Architecture Award (IAA) năm 2007 cho các công trình bằng tre dành cho Cafe Gió và Nước, đến nay Võ Trọng Nghĩa đã có khoảng 30 giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có 2 huy chương vàng của Hội KTS châu Á; 5 giải International Architecture Award (IAA) của Mỹ; 4 giải Green Good Design của Mỹ; 2 giải FuturArc Green Leadership Award châu Á… Từ đầu năm 2012, anh đã 7 lần được thế giới ghi nhận.

Võ Trọng Nghĩa và công trình Cafe Gió và Nước tại Bình Dương.

Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976 tại Quảng Bình trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em. Anh chịu ảnh hưởng lớn của nền giáo dục Nhật Bản. Sau khi thi đỗ Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh nhận học bổng Chính phủ Nhật năm 1996 theo học khoa Kiến trúc Học viện Kỹ thuật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002.

Trong suốt 4 năm đại học, Võ Trọng Nghĩa chỉ đến lớp vào những tiết học mà bản thân cảm thấy cần thiết. Anh kể: “Tôi không thích những kiến thức sáo rỗng, khô cứng. Tôi chỉ học những gì mình thích nên thường chỉ nghiên cứu trong thư viện hoặc đến các văn phòng kiến trúc nổi tiếng ở Nhật xin làm thêm không cần thù lao. Tại Nhật, sinh viên khá tự do, nhưng cũng phải tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm”.

Năm 2004, anh nhận Giải thưởng luận án thạc sĩ xuất sắc của Khoa xây dựng Đại học Tổng hợp Tokyo (Furuichi Award) và một năm sau đó là Giải thưởng của Tổng trưởng Đại học Tổng hợp Tokyo (Dean of The University of Tokyo Award) cho những nghiên cứu ở luận án tiến sĩ.

Đồ án tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Tokyo được hoàn thiện chỉ trong 3 tháng cuối cùng của khóa học kéo dài 2 năm. Trong suốt thời gian làm thạc sĩ, anh mải mê với việc làm căn nhà gỗ năm tầng nhưng đến phút cuối lại quyết định chọn đề tài về khí động học, gió và nước. Đây cũng chính là “công thức” cho sự nghiệp của anh sau này.

Bỏ dở đồ án Tiến sĩ khi mọi chuyện đang rất thuận lợi, Võ Trọng Nghĩa trở về Việt Nam theo lời khuyên từ Giáo sư Hiroshi Naito, để tìm kiếm những… thất bại. Anh mang ơn người thầy giáo của Đại học Tokyo không khác gì cha mẹ mình. Chính ông thầy khó tính này đã dạy anh nhiều điều dù nhiều lúc làm anh chán nản. Anh học ngành kiến trúc nhưng ông thầy đã “nhồi nhét” cho anh những kiến thức cả về vật liệu, kết cấu, cảnh quan tổng thể và khí động học bằng những chồng sách không khác gì… chồng gạch. Anh cũng đã theo thầy tới các buổi chấm thi tác phẩm kiến trúc quốc tế, để rồi hiểu ra làm cách nào để chuẩn bị một hồ sơ dự thi quốc tế hoàn chỉnh và vượt qua được những vòng loại khắt khe nhất.

Vừa về nước, năm 2007, anh làm ra Cafe Gió và Nước tại Bình Dương. Công trình ứng dụng nguyên tắc khí động học tiêu biểu, sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo ra những chiếc máy điều hòa tự nhiên. Tiết kiệm năng lượng nhưng hình thái kiến trúc, xử lý kết cấu cũng được anh lưu tâm. Ngay lập tức, công trình gây được tiếng vang trong giới kiến trúc Việt Nam và thế giới. Anh là KTS Việt đầu tiên dám đưa tác phẩm dự thi quốc tế và đoạt giải.

Nhưng thành công dễ dàng và sớm bao giờ cũng đi kèm những vấp ngã. Với tính cách có phần hơi ngang ngược, lời nói thẳng thắn và những ấn tượng ban đầu không mấy thiện cảm với những người đối diện, Võ Trọng Nghĩa đã gặp khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam. Suốt hai năm liền kể từ sau khi thành lập công ty riêng, anh hầu như không có khách hàng, không có kiến trúc sư trẻ nào chịu làm việc cùng một người mang “điều tiếng”.

Cộng đồng kiến trúc sư Việt Nam khá lớn, nhưng Võ Trọng Nghĩa ít mối liên hệ. Anh thường cũng không bao giờ đưa ra phát ngôn phản đối hay đồng tình với những ý kiến trong giới và báo chí về con người và các công trình của anh. Anh tiếp nhận những đóng góp đó một cách âm thầm và làm những gì mình cho là đúng. Vì thế, anh luôn như “người ngoài”. Và trong thời gian đó, anh chọn giải pháp nỗ lực để khẳng định trình độ, tên tuổi và vị trí thông qua những giải thưởng lớn liên tiếp.

Võ Trọng Nghĩa tâm sự rằng anh nỗ lực để có nhiều công trình kiến trúc Việt Nam được xướng danh trên thế giới. Việc anh quyết tâm trở lại Việt Nam sau 10 năm ở Nhật Bản, bỏ qua nhiều lời đề nghị hấp dẫn, được anh khẳng định bằng một sự quả quyết: “Tôi là người Việt Nam và muốn cống hiến cho Việt Nam”.

Anh đã đào tạo và rồi “đuổi đi” nhiều kiến trúc sư tài năng. Hầu hết những kiến trúc sư này khi đứng “một mình một mặt trận” đã có những thành công bước đầu trên trường quốc tế. Anh kiếm được tiền từ kiến trúc nhưng cũng đầu tư ngược trở lại cho kiến trúc rất nhiều. Anh mời nhiều kiến trúc sư nước ngoài sang Việt Nam làm việc cùng các đồng nghiệp trẻ người Việt để đạt gần hơn mục tiêu đưa kiến trúc Việt Nam ra thế giới và đào tạo ra những kiến trúc sư trẻ có tài. Theo Võ Trọng Nghĩa, kiến trúc sư trẻ Việt Nam giỏi nhưng họ chưa được tiếp xúc nhiều với thế giới và kinh nghiệm xây dựng những công trình còn ít. Vì thế, có thể họ vẽ đẹp nhưng các công trình xây lên không được như ý muốn.

Những công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa

Khởi đầu với tre, và dường như chỉ có tre, song mỗi công trình của Võ Trọng Nghĩa lại có những kết cấu mới, biểu cảm khác biệt. Anh tham vọng một ngày nào đó kiến trúc tre của Việt Nam sẽ chiếm ưu thế trên trường quốc tế. Nhưng hiện tại, anh không muốn nói về tre nữa mà đang theo đuổi những công trình kiến trúc thân thiện với môi trường, những công trình xanh theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngôi nhà phố ở TP HCM được anh đặt tên là “Stacking Green” hay trường THCS Phan Châu Trinh tại Bình Dương, công trình nhà trẻ Pouchen Đồng Nai… chính là những thử nghiệm của anh cho hướng đi mới này. Cây xanh được sử dụng nhiều cộng với những công thức về khí động học liên quan đến gió, nước, ánh sáng… đã giúp những thử nghiệm ban đầu thành công và ngay lập tức giành được những giải thưởng về kiến trúc xanh của thế giới.

Giờ đây, anh còn đang cho ra đời hàng loạt những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng phù hợp khí hậu, tập quán và túi tiền của đa phần người Việt Nam, diện tích từ 40 m2, giá xây dựng chỉ 8 đến 12 triệu một m2. Anh quan niệm: “Công trình đẹp không cứ phải đắt tiền, vấn đề là dù hoành tráng hay nhỏ bé, công trình phải truyền tải thông điệp và phải là những ý tưởng mới. Đừng bao giờ nghĩ các kiến trúc xanh phải ngốn cả đống tiền, mà nó phù hợp với tất cả mọi ngườ vì chúng ta đang cần tìm lại sự cân băng cho cuộc sống vốn đang bị hủy hoại”.

Trong tương lai gần, Võ Trọng Nghĩa chọn một mục tiêu khá khiêm tốn và đang dần hoàn thành. Anh mong những cuốn sách kiến trúc hàng đầu thế giới mà các kiến trúc sư vẫn thường tham khảo có các công trình của kiến trúc sư Việt Nam, có thể của anh, những công trình được xây dựng ở trong nước hay tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico… hay của nhiều kiến trúc sư Việt khác.

Võ Trọng Nghĩa làm việc vì đam mê và đam mê chưa có điểm dừng. Một ngày anh có thể làm việc từ 12 đến 15 tiếng. Anh ngủ sớm nhưng cũng thường dậy sớm, ngồi thiền, đi bơi và sau đó thì dành trọn một ngày cho công việc, không nhậu nhẹt, la cà. Mọi năng lượng của bản thân đều được dành cho công việc và không bị những thứ khác làm sao nhãng, ảnh hưởng đến sáng tạo.

“Thành công phải được xây dựng từ sự dũng cảm phá bỏ đi những thành công đã qua để đạt thành công mới”, Võ Trọng Nghĩa tâm niệm điều đó. Vì thế, anh ví mình là một game thủ: “Khi tôi làm việc, tôi hình dung mình là một người chơi game. Cứ khi nào đạt tới một level nhất định, tôi lại muốn vươn lên những tầm cao hơn, khó hơn nữa”.

Tâm Anh

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.