TT – “Phụ huynh mong muốn con mình giỏi hơn nên cho đi học ở các trung tâm. Đây là tín hiệu vui mừng vì các bậc cha mẹ có quan tâm đến việc học hành của con cái”.
Trong “làn sóng” học toán tư duy – Kỳ cuối:
Đừng quá kỳ vọng
Nhận định về làn sóng phụ huynh đua nhau cho con học toán tư duy, ông Lê Ngọc Điệp – trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM – nói như vậy.
>> Kỳ 1: Đổ xô cho con đi học toán tư duy
Phụ huynh đưa con đến học toán tư duy tại Trung tâm Kumon trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG |
|
Tuy nhiên, theo ông, không nên áp đặt bé, ví dụ bé đã học hai buổi/ngày ở trường rồi, tối đến lại phải học thêm nữa thì vô tình ta lại tạo thêm áp lực học hành cho trẻ.
* Ông có nhận xét như thế nào về các chương trình dạy toán hiện nay?
– Nên nhìn nhận là mỗi phương pháp có một nét riêng. Phương pháp Kumon lặp đi lặp lại đúng với trình độ của bé làm bé phát triển. Mathnasium thì nổi bật với hệ thống bài vở ghi chép, cách đánh giá, khảo sát và chương trình giảng dạy cho mỗi cá nhân học sinh. Ở các trung tâm, một giáo viên chỉ dạy 4-5 học sinh trong khi trường tiểu học một giáo viên dạy 40-50 học sinh, học phí giữa hai bên càng không thể so sánh. Nhìn chung, ưu điểm nổi bật nhất của các trung tâm là chăm sóc học sinh kỹ lưỡng, giáo viên sửa chữa bài cho học sinh, ghi nhận từng bước tiến bộ của học sinh, các bài làm của học sinh được giáo viên lưu, đọc lại, so sánh, đối chiếu cẩn thận để đánh giá học sinh. Kiến thức toán của các trung tâm thì không mới. Tuy nhiên, các bài học được “chia nhỏ” nên bé học thoải mái và có cảm giác dễ hơn ở trường phổ thông.
Mới đây, do thấy học sinh tiểu học đi học toán nhiều quá, Sở GD-ĐT TP đã tổ chức một buổi hội thảo về chương trình Kumon và Mathnasium. Các giáo viên tiểu học nói rằng những phương pháp giảng dạy đó họ đều biết và làm được nhưng vì sĩ số học sinh/lớp quá cao, giáo viên phải dạy nhiều môn… nên khó thực hiện. Nếu được trang bị các điều kiện như ở trung tâm họ sẽ làm được. Tôi đã đề nghị các chuyên viên, giáo viên toán nghiên cứu về các phương pháp trên. Nếu thật sự có hiệu quả đối với học sinh thì chúng tôi sẽ cân nhắc và đưa vào giảng dạy ngoại khóa ở buổi thứ hai trong nhà trường tiểu học.
* Nhiều phụ huynh kỳ vọng khi cho con đi học toán thì các bé sẽ phát triển tư duy về toán. Nếu cho bé đi học từ độ tuổi mầm non sẽ kích thích tư duy toán học phát triển ngay từ nhỏ…
– Tư duy là suy nghĩ, là phát hiện, những sáng tạo… của trẻ. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường tiểu học là dạy kiến thức, đồng thời phát triển tư duy cho trẻ. Môn học nào cũng đều mang hai nhiệm vụ này. Ví dụ: học toán thì phát triển tư duy về toán, học môn tiếng Việt thì phát triển tư duy cảm xúc… Đây là nhiệm vụ đương nhiên của giáo viên nhưng vì nhà trường không nói cho phụ huynh biết. Tôi xin nói thêm là kiến thức toán của chương trình tiểu học đã đáp ứng đầy đủ cho học sinh theo yêu cầu lứa tuổi. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy mà giáo viên trường tiểu học sử dụng thì chưa thể đáp ứng đầy đủ cho từng em như ở trung tâm. Kiến thức toán học không thể khác đi nhưng các trung tâm họ có điều kiện tổ chức tốt hơn, bé học vui vẻ hơn, thích thú hơn.
* Một số phụ huynh than rằng: con em họ (4-5 tuổi) đi học về hay than mỏi lưng, mỏi tay…
– Thể lực của học sinh mầm non không thể ngồi học, cầm bút viết…trong một thời gian dài như tiểu học. Ở độ tuổi này các cơ, xương… còn yếu nên bé dễ mỏi. Ép bé cầm bút để viết sớm sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng của hai cánh tay nói riêng và sức khỏe của bé nói chung. Đặc biệt, việc hướng dẫn bé về cách cầm bút, đặt bút, tư thế ngồi viết… không chuẩn mực rất tai hại, gây khó khăn cho bé khi vào học tiểu học.
H.HƯƠNG – V.HÀ – NGỌC HỒ thực hiện
Phụ huynh đừng nhầm lẫn! “Toán học nhằm phát triển tư duy của con người chứ không phải để đạt được mục đích là tính toán nhanh hơn bằng cách gảy bàn tính”. Ông Trần Phương – phó giám đốc Trung tâm Phát triển tài năng Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhận xét như vậy trước trào lưu phụ huynh cho con chạy theo các chương trình toán học phát triển trí thông minh. * Một số chương trình du nhập ở nước ngoài cho rằng đó là cách tác động khiến bán cầu não trái vận động nhiều hơn, đây là cách “luyện tư duy” cho trẻ. – Ông Trần Phương: Như tôi đã nói, về việc tính nhẩm có những thủ thuật như giao hoán, thêm bớt… Học sinh nếu làm được điều đó cũng đánh dấu được một sự tiến bộ về chỉ số thông minh. Thế nhưng vấn đề nếu lạm dụng nó quá thì cũng không được. Còn khi đưa ra một quy tắc kiểu như bảo phải học quy tắc bàn tính này trí não mới phát triển thì tôi cho là không có cơ sở. Chương trình UC Mac là chương trình của Malaysia, trong khi đó các cuộc thi toán quốc tế thì Malaysia mất hút. Chỉ có Singapore và Thái Lan trỗi dậy. Như cuộc thi toán quốc tế năm ngoái Singapore đứng thứ 3, Thái Lan đứng thứ 5. Năm nay thì Singapore đứng thứ 3, Thái Lan đứng thứ 7. VN năm ngoái đứng thứ 31 thì năm nay đứng thứ 9.
|
Source: Báo Tuổi Trẻ