TTO – Cảnh quay “quá thật” khiến nhiều bộ phim truyền hình ở Việt Nam khi lên “màn ảnh nhỏ” như trở thành những tin, phóng sự phát trên VTV lúc 19g hằng ngày vậy. Từ những chi tiết nhỏ đã khiến cảnh quay bị giản tiện, không “đầy đặn” dụng ý của kịch bản, làm cả bộ phim không để lại ấn tượng về hình ảnh.
Diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?”
Quay phim truyện như quay tin truyền hình
Một cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian – Ảnh: vnvip |
Nói cảnh quay “quá thật” ở đây chính là việc dàn dựng bối cảnh sơ sài, thậm chí nhiều cảnh đạo diễn còn không dàn dựng, cứ cho nhân vật đứng ở nền cảnh (thường là cảnh “tự nhiên”) đối thoại, suy tư rồi ghi hình, đưa lên màn ảnh nhỏ… Không có sự chăm chút cho dựng cảnh để hỗ trợ nhân vật thì mọi hành động của nhân vật không có sự tương hỗ và trở nên kém hấp dẫn…
Một ví dụ cụ thể ở phim Anh chàng vượt thời gian, bối cảnh lễ hội trà chỉ được trang bị bàn ghế sơ sài trong một không gian hẹp, lộ rõ sự nghèo nàn khiến người xem phim “ấm ức khó nói”…
Phim quay cảnh công an bắt bọn buôn heroin trong một cái ngõ – được gọi là địa điểm nhức nhối – thì chỉ là hình ảnh của hàng chục thanh niên đang vật lộn nghiện thuốc trên 1 đoạn ngõ dài hơn chục mét. Nếu như có những cảnh toàn về cả khu vực này với sự lụp xụp của nhà cửa thì người xem sẽ thấy địa điểm này nghiêm trọng hơn nhiều…
Và do việc dựng cảnh ở phim Việt “dễ dàng” như vậy mà làm phim cũng “nhanh hơn”, cứ đặt nhân vật vào bối cảnh rồi bấm máy, mang về xưởng dựng là thành phim. Cũng từ đó, thời gian sản xuất một tập phim hoặc một bộ phim dài tập cũng được rút ngắn lại.
Phim ảnh mà hình ảnh thật với đời thường quá cũng khiến người ta không hào hứng bởi hình ảnh phải mang đậm yếu tố nghệ thuật – tức là có sự sắp đặt. Những cảnh quay ở phim Việt như muốn vơ hết tất cả những gì ngoài đời thực lên phim, cộng thêm với diễn xuất kém của nhân vật làm cho trong cảnh đó chẳng có điểm nổi bật….
Phim điện ảnh có thời gian để đầu tư chăm chút hơn về mặt hình ảnh thì lại vướng phải một thực tế khác: không có phim trường. Nước ta còn nghèo, đầu tư cho phim trường không phải một sớm một chiều hiện đại ngay được. Chẳng thế mà phim Tây Sơn hào kiệt phải nhờ nhà chùa để làm bối cảnh Quang Trung dẹp giặc… Nhìn trailer của bộ phim thấy không gian chiến trận quá nhỏ – trong khuôn viên của chùa (!), hình ngôi chùa chềnh ềnh trên màn hình, cùng với cảnh Lý Hùng – vai Quang Trung – phi ngựa nước đại cảm giác như con ngựa chạy vài bước là hết đường… Mặc dù trân trọng tình cảm của gia đình họ Lý với nghề, nhưng cũng thật vừa cười vừa khóc cho hình ảnh bộ phim…. Giá như chúng ta tập trung đầu tư cho các phim trường tốt hơn, khoa học hơn nữa thì sẽ hạn chế lãng phí cho các hãng sản xuất mà lại có được những bộ phim đảm bảo về hình ảnh, ít nhất là không gây “ấm ức” cho người xem. |
Dàn dựng bối cảnh cho phim chính là vai trò của các họa sĩ… Nói hình ảnh trong phim Việt kém không phải do tài năng của các đạo diễn, họa sĩ dựng cảnh của ta kém, mà bởi các nhà sản xuất không có nhiều tiền để chi cho dựng cảnh, đành phải sử dụng những cảnh “tự nhiên” hoặc dàn dựng “cho xong”. Chung quy lại cũng từ vấn đề thiếu tiền nên không được đầu tư cho khâu này.
VŨ THÀNH CHUNG
Gợi ý cho đạo diễn Việt những cảnh khán giả Việt thấy gần gũi với mình Từ ý kiến của bạn BÙI THẢO trong bài “Tôi muốn xem cảnh con nhổ tóc sâu cho mẹ trên phim Việt”: “Nhiều lúc chỉ muốn xem một bộ phim Việt Nam thật sự, có cảnh chị chia phần bánh cho em, lời cảm ơn được nói ra một cách nhẹ nhàng, từ lời mẹ ru con ấm cả đất trời, cảnh bà ngồi quạt cho cháu, con cái nhổ tóc bạc cho bố mẹ… mà sao hiếm hoi quá”, tôi xin gợi ý một số hình ảnh rất Việt mà các đạo diễn có thể khai thác như: 1. Trò chơi dân gian (đánh đũa, nhảy dây, trốn tìm, bắn bi, đá thun, búng thun …) 2. Việc đồng áng (nhổ cỏ, đắp bờ, cày, bừa, ngâm giống, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, gánh lúa, chở lúa bằng xuồng, xe bò, tuốt lúa, phơi lúa…) 3. Một số công việc nhà nông khác (cha con cùng đi chăn vịt, đứa bé chăn trâu, giăng lưới, câu…) 5. Một số cảnh sinh hoạt khác (hái dừa, bán rau ở chợ, giúp mẹ bồng em, ham chơi để em té ngã, học bài bên ngọn đèn chong hoặc đèn hột vịt, đi xem đoàn phim, gánh hát…) Nguyễn Bảo Thư |
Theo bạn, phim Việt hiện nay nên khắc phục ngay
vấn đề nào dưới đây? Đề tài xa lạ với cuộc sống
Diễn xuất của diễn viên kém Lời thoại nhạt nhẽo, không chân thật Kịch bản không hấp dẫn, phim dài lê thê Quảng cáo chèn trong phim quá lộ liễu Ý kiến khác |
Diễn đàn “Khán giả chê phim Việt, vì sao?” do TTO tổ chức với mong muốn nhận được những bài viết thẳng thắn mổ xẻ tình trạng hiện nay của cả điện ảnh lẫn truyền hình Việt Nam, qua đó đưa ra những gợi ý, giải pháp để nâng tầm chất lượng của phim Việt. Mời bạn đọc gửi bài viết với những gợi ý sau: – Bạn thấy kịch bản phim Việt hiện nay như thế nào? Độ hợp lý/ gần gũi/hấp dẫn? Như thế nào là những kịch bản điện ảnh lay động, hấp dẫn, gần gũi. – Thoại trong phim Việt có tự nhiên hay lên gân, hay nghe giả tạo? – Đạo diễn Việt Nam còn thiếu điều gì để có nhiều bộ phim xứng tầm, không lạc lõng giữa thị trường, không coi thường khán giả. – Chất lượng diễn viên hiện nay như thế nào: diễn xuất của diễn viên / mức độ hóa thân vào nhân vật? – Âm nhạc cho phim – Vai trò của nhà phê bình, nhà sản xuất, nhà quản lý cũng như hội đồng duyệt phim… Bạn cũng có thể đề cập cái hay nên học hỏi của những bộ phim truyền hình/ điện ảnh hay của Việt Nam/ thế giới… Bài viết xin vui lòng gửi về tto@tuoitre.com.vn; tiêu đề ghi Diễn đàn phim Việt. Bài viết gõ bằng Unicode, không quá 1.000 chữ. Dưới bài vui lòng ghi đầy đủ thông tin cá nhân để tòa soạn tiện liên hệ. Mời xem thêm: >> Thoại trong phim như người nước ngoài nói tiếng Việt |
Source: Báo Tuổi Trẻ