TTO – Norio Ohga, cha đẻ của đĩa CD vừa qua đời ngày 23-4-2011, gần 4 năm sau sinh nhật lần thứ 25 của thiết bị lưu trữ này (17-8-1982 – 17-8-2007), và 3 tháng sau khi Sony tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất đĩa CD lớn nhất của mình ở Pitman, New Jersey.
Hoàng hôn đến sớm cho đĩa CD?
>> “Cha đẻ” đĩa CD qua đời
>> Sony sẽ ngưng sản xuất đĩa mềm
Đĩa CD dần lụi tàn theo xu hướng phát triển vượt bậc của công nghệ lưu trữ số – Ảnh minh họa: Internet |
Phải chăng cũng đã đến lúc thời đại của CD (compact disk) chấm dứt, khi mà các công nghệ lưu trữ dạng số ngày càng phát triển và việc tải các nội dung số từ internet về máy cá nhân ngày nay là dễ như trở bàn tay?
Chỉ năm tới nữa thôi, đĩa CD sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của mình. 30 năm là một chặng đường đủ dài trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão, và sự diệt vong (nếu có) tới đây của CD cũng không có gì nằm ngoài quy luật tự nhiên. Trong lịch sử 100 năm, sự phát triển của các định dạng lưu trữ đã đi từ đĩa nhựa (vinyl LP) đến băng cassette, rồi từ đĩa mềm, CD đến DVD, Blu-ray. Mỗi định dạng mới ra đời với nhiều ưu thế hơn về dung lượng lưu trữ, cũng như chất lượng và các thông số kỹ thuật khác đương nhiên sẽ đẩy những “người tiền nhiệm” của mình…về nơi xa vắng.
“CD sẽ trở thành một mặt hàng ít được mua bán ồ ạt, mà là một sản phẩm phục vụ cho một lượng người nhỏ, nhưng trung thành”, Paul Grein, người phụ trách mục Chart Watch của trang Yahoo! News chia sẻ với CNN rằng định dạng này vẫn sẽ còn tồn tại trong một tương lai có thể dự báo trước được. “Vẫn có một lượng album bán ra với số lượng đủ nhiều để khiến tôi tin rằng vẫn chưa đến lúc để viết hồi kết cho thời đại của CD”, Grien nhấn mạnh. |
Việc Sony chính thức đặt dấu chấm hết cho lịch sử tồn tại của đĩa mềm 3,5 inch vào tháng 4 năm ngoái là một ví dụ điển hình. Và bây giờ người ta tự hỏi, bao giờ sẽ đến lượt đĩa CD cùng chung số phận với người anh em đĩa mềm của mình?
Dù đĩa CD ngày nay có thể dùng để chứa dữ liệu, hình ảnh, video và các nội dung số khác chứ không chỉ dành riêng để ghi đĩa nhạc, nhưng chính âm nhạc đã khởi nguồn cho sự ra đời của đĩa CD, và cũng chính âm nhạc đang đặt dấu chấm hết cho định dạng lưu trữ này.
Từ khi được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 1982, đĩa CD đã nhanh chóng thay thế các dạng đĩa nhựa trước đó, và thiết bị chơi đĩa CD (CD player) cũng nhanh chóng giành lấy sự phổ biến của các máy hát đĩa. Doanh số CD bán ra đã đạt đến đỉnh cao với 712 triệu đĩa trong năm 2001. Tuy nhiên, năm 2001 cũng chính là năm các công nghệ chia sẻ file trên internet trở nên phổ biến, và sự thịnh vượng của đĩa CD bắt đầu bị đe dọa. Đúng như dự báo, trong vòng 5 năm kế tiếp, doanh số của CD đã giảm gần một phần tư.
Khi hạ tầng và công nghệ internet phát triển, các trang web nhạc số bùng nổ (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp), việc nghe nhạc online, download nhạc về máy tính cá nhân và các thiết bị nghe nhạc cầm tay như iPod trở nên dễ như trở bàn tay, định dạng CD ngày càng ít được ưa chuộng.
Theo Billboard, tính đến thời điểm giữa năm 2010, đã có 44 triệu album nhạc số được bán ra, so với 40 triệu cùng kỳ năm trước. Dù doanh số nhạc số chỉ tăng nhẹ, nhưng doanh số CD lại giảm một cách đáng kể: từ 147 triệu đĩa năm 2009 xuống còn 114 triệu vào năm 2010.
Với đĩa CD ca nhạc là thế, tình hình của định dạng lưu trữ video, hình ảnh hoặc dữ liệu trên CD cũng không mấy khả quan hơn khi ngày nay khả năng lưu trữ 700MB dữ liệu của CD là quá nhỏ bé so với dung lượng của các bộ phim hay hình ảnh chất lượng cao (HD). Tất cả đang được lưu trữ trong DVD hoặc Blu-ray. Hơn thế nữa, với hạ tầng internet hiện tại, người ta có thể download các bản cài đặt phần mềm hay game hoặc các bộ phim HD với dung lượng hàng gigabyte một cách thoải mái.
Đĩa CD, vì thế, dường như đã không còn chỗ đứng với đa số người dùng công nghệ và đang trở thành một bài toán hóc búa cho ngành công nghiệp ghi âm.
LƯƠNG NGUYỄN
Source: Báo Tuổi Trẻ