(Dân trí) – Chương trình ngày Quốc tế thiếu nhi với sự tham gia của đại diện hầu khắp các quốc gia Đông Nam Á đã mang đến cho các em nhỏ cơ hội tham dự nhiều trò chơi dân gian, khám phá những nét văn hoá đặc trưng của từng đất nước.
Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay rơi vào giữa tuần khiến cho không ít gia đình phải tranh thủ dịp cuối tuần trước ngày đó để dẫn các bé đi chơi. Đúng dịp này, bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức chương trình dành riêng cho các cháu thiếu niên nhi đồng mang tên “Làm quen với Đông Nam Á” vào ngày 28-29/5/2011.
Chương trình đặc biệt dành cho ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 với sự tham gia của đại diện hầu khắp các quốc gia Đông Nam Á đã mang đến cho các em nhỏ cơ hội vui chơi, khám phá những nét văn hoá đặc trưng của từng đất nước. Tại đây, rất nhiều trò chơi dân gian và những hoạt động văn hoá bổ ích như ca múa, vẽ tranh, trình diễn y phục dân tộc… đã thực sự lôi cuốn trẻ em Thủ đô.
“Cháu không được thường xuyên đi chơi cuối tuần ở công viên vì bố mẹ đều phải đi làm. Cháu cũng muốn có quê như các bạn trong lớp cháu, các bạn về quê khoe được chơi ngoài cánh đồng. Hôm nay cháu mới được chơi con quay lần đầu đó” – bé trai Tiến Minh – trường tiểu học Dịch Vọng kể chuyện.
Bố cháu Tường Vi – giáo viên một trường cấp ba chia sẻ: “Mình làm nghề giáo nên cũng biết những trò chơi như thế này rất có lợi cho sự phát triển của các cháu, bận thì có bận nhưng giờ là Tết thiếu nhi. Vả lại, đã hứa với con từ tuần trước, sáng nay hai mẹ con dậy sớm, váy áo chỉnh tề bảo bố ơi đi nào, mình chỉ còn biết “tuân lệnh””.
Các ông bố, bà mẹ bất kể thời tiết nóng nực trong mấy ngày qua, thu xếp công việc để tặng cho các bé một món quà thật đặc biệt vào ngày hội của bé.
Được biết, ngày hội “Làm quen với Đông Nam Á” quy tụ rất nhiều trò chơi của các nước trong khu vực, trong đó, nhiều trò vốn đã trở nên quen thuộc với trẻ em Việt Nam từ lâu: Ô ăn quan (Thái Lan, Việt Nam), Kéo co ( Thái Lan, Việt Nam), Đánh quay (Malaisia, Indonesia, Việt Nam), Đội bình gốm (Campuchia), Trộm trứng rùa (Lào), Đuổi bắt trong ô vuông (Philippin), Đi trên gáo dừa (Lào)…
Mai Châm
Source: Báo Dân Trí