TTO – Mỗi chuyến trở về từ Trường Sa, sau bóng dáng những con tàu, người lính, hàng phong ba trước sóng gió, vẻ đẹp kiêu hãnh của những đảo chìm, hình ảnh những em bé sống giữa đảo xa luôn là một ám ảnh xúc động lạ lùng trong tôi.
Tết thiếu nhi, nhớ về những bạn nhỏ ở Trường Sa
Tháng 5-2009 ra Trường Sa, người dân trên đảo đầu tiên tôi gặp là hai em bé này: Võ Thị Uy Phương, năm ấy 11 tuổi học lớp 4 và Võ Viết Hiền ,8 tuổi, con anh Võ Văn Trường và chị Nguyễn Thị Hạnh. Hai chị em đang đọc sách bên một…công sự trước căn nhà của mình, xung quanh hoa muống biển bò lan man nở tím |
Tháng 6, Ngày quốc tế thiếu nhi, khi những em bé nơi thành phố được bố mẹ cho đi công viên, đu quay, tàu điện, thú nhún… tôi lại ngồi bần thần với những tấm ảnh về các bạn nhỏ ở Trường Sa.
Những hình ảnh này được đến với bạn đọc trong ngày 1-6 năm nay như một tình cảm dấu yêu với các em giữa trùng khơi sóng gió, và cũng để nhắc với mọi người rằng ở Trường Sa, bên những người lính chịu muôn ngàn gian khó còn có các em thơ của chúng ta. Các em đang hồn nhiên đùa vui với trái bàng và cát trắng, chơi những trò chơi mà hình như ở đất liền ít em bé chơi nữa, như: chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, đánh bi… Công viên của các em có thể là nhà đèn – công trình đẹp nhất, cao nhất trên đảo.
Và hơn tất cả là niềm mong mỏi được đón khách từ đất liền ra thăm, mừng hơn khi các em gặp lại những người quen cũ.
Phương và Hiền dắt tôi vào thăm góc học tập và chụp cho các em mấy tấm hình, chổ học đầy đủ ánh sáng và rộng rãi. |
…và Phương đã tự trang trí góc học tập của hai chị em bằng những bức tranh do chính em vẽ. Xúc động làm sao khi bàn tay thơ bé của em nắn nót kẻ hai câu “Tiên học lễ, hậu học văn” và “Tôn sư trọng đạo” dán lên tường.. |
Đêm đó, trong chương trình giao lưu văn nghệ trên đảo có tiếng hát thơ dại từ những công dân nhí Trường Sa vang lên bên cột mốc chủ quyền, ai cũng nghẹn ngào |
Tháng 5-2010, trở lại Trường Sa, tôi lại gặp các em, bé Uy Phương đã về đất liền học tiếp lớp 5. Bé Mi Sen đang chơi trò “chơi ô ăn quan” với các bạn. Ai đã ra Trường Sa Lớn sẽ khó quên hình ảnh hai chị em Mi Sen và Chin Si, chị trông rất già dặn và cậu em thì láu lỉnh. Hai em là con của anh Nguyễn Xuân Yên và chị Trần Thị Hoa, ở nhà số 4 thị trấn Trường Sa. Mi Sen khi ấy (năm 2010) 7 tuổi và Chin Si 6 tuổi. Thế nhưng chỉ xem mấy tấm hình này sẽ thấy cô chị 7 tuổi đã chăm lo cho cậu em 6 tuổi như thế nào. |
Nhặt một trái bàng, Mi Sen dùng viên gạch ghè vỡ, cậu em Chin Si ngồi nhìn chị |
…sau đó cô chị Mi Sen tỉ mẩn bóc lấy hạt bàng |
…và âu yếm đút vào miệng cậu em |
Hải đăng Trường Sa – tòa nhà cao nhất đảo – là “công viên” của các bạn nhỏ ở đây |
Đón đoàn ra thăm Song Tử Tây năm 2010, thật vui khi gặp em bé này vừa tròn 1 tuổi theo mẹ ra vỗ tay chào đón đoàn. Tên em là Hồ Song Tất Minh. Em chào đời lúc 12 giờ 5 phút ngày 16-5-2009 tại bệnh xá Quân dân y trên xã đảo Song Tử Tây. Mẹ là chị Trương Thị Liền, 32 tuổi, cha là Hồ Dương, 35 tuổi. Bác sĩ đỡ ca sinh này là Mai An Giang |
Người được các em bé ở Song Tử Tây vui mừng chào đón nhất là thượng tá Trịnh Lương Vượng, ông vốn là cựu đảo trưởng Song Tử Tây, sau khi chuyển về đất liền công tác, ngày ông trở lại tất cả các em reo to: “A, bác Vượng ra thăm” |
Nghệ sĩ trẻ Bùi Văn Phòng – diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội – tập hát cho các em nhỏ đảo Song Tử Tây dưới tán cây phong ba |
..và sau đó quay lại chơi bắn bi cùng nhau. |
Trẻ con thì ở đâu cũng như nhau, được nghỉ học là tha hồ vui |
Tấm hình hai chị em Uy Phương và Hiền ở Trường Sa Lớn với ánh mắt hồn nhiên mà kiên nghị luôn khiến tôi chưa bao giờ nguôi cảm phục và xúc động khi nghĩ về các bạn nhỏ ở đảo xa |
Bài và ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Source: Báo Tuổi Trẻ