AT – Nếu chạy xe qua con đường Truông Tre, khu phố Nhi Đồng 2, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bạn sẽ choáng ngợp trước cảnh bầu trời điểm sắc màu rực rỡ bởi những cánh diều chao lượn trước gió.
Tập làm phóng viên
Thả diều trên đất quy hoạch
Bé thả diều |
Cứ tầm 16-18 giờ, người đến thả diều ở đây đông đúc. Chơi diều có người già, người trẻ, nhưng nhiều nhất vẫn là những ông bố bà mẹ đi cùng con nhỏ. Bãi thả diều là mảnh đất rộng lớn trống trải đang được quy hoạch thuộc Công ty giày da Thái Bình.
Thú vui bổ ích
Thú thả diều đã gần gũi với con người suốt mấy trăm năm qua. Sự bận rộn của cuộc sống cùng với giá đất leo thang khiến người ta thật khó để kiếm cho mình một chỗ rộng lớn không vướng dây điện, vấp nhà cao tầng để thỏa sức tung những cánh diều. Dạo một vòng quanh bãi thả diều, tôi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên của trẻ con khi chúng được thật sự trở về với thế giới tuổi thơ. Bên cạnh lũ trẻ luôn có bố mẹ dắt tay.
Anh Đông, một ông bố, kể rằng trước đây anh sống ở quận 6, trong ngôi nhà chật hẹp, hai nhóc của anh chỉ biết quanh quẩn qua mấy bộ xếp hình và games.
Rồi khi thấy các con bạn anh mới lớp một, lớp hai mà bị cận thị, anh sợ cháu Tũn bị cận nên chuyển cháu về ở Dĩ An để có không gian rộng rãi hơn. Mỗi chiều anh cố gắng chạy xe từ công ty ở quận 6 về nhà và chở hai nhỏ ra bãi thả diều chơi, đến khi mẹ chúng nấu xong cơm tối. Anh nói có người khuyên rằng tập cho trẻ nhìn xa là cách tốt nhất để chống cận thị, vì vậy dù bận rộn đến mấy, mỗi tuần anh cũng dành năm buổi chiều chơi diều cùng con. Anh dạy hai bé thả diều ở góc 45 độ, cu Tũn mới học lớp hai nheo mắt chưa hiểu. Anh lấy cuộn dây diều trên tay đặt trên nền đất bẻ thành góc 90 độ rồi sau đó chia đôi nó thành góc 45 độ cho con dễ hiểu.
Cô Thanh, giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng, xã Việt Thắng, huyện Dĩ An, cho biết cô có hai đứa con, đứa lớn 18 tuổi đứa nhỏ mới lớp một. Con trai lớn của cô đang ôn thi tốt nghiệp và chuẩn bị thi đại học sắp tới. Cả tháng nay cháu lao vào học, sức khỏe hao hụt, cô lo lắng nên chiều nào cũng bắt con ra đây thả diều để thư thái đầu óc. Con gái nhỏ tính nhút nhát, cô cho chơi diều cùng các bạn để mạnh dạn hơn.
Cô nói hiện nay nhà trường đang áp dụng việc giáo dục kỹ năng sống là một môn học cần thiết. Phải dạy trẻ biết quan sát, gần gũi với những gì tự nhiên, đặc biệt khuyến khích trẻ chơi trò chơi dân gian như thả diều là rất tốt.
Thả diều ở đây thu hút nhiều nhất là những gia đình bố mẹ trẻ là công nhân, với đồng lương eo hẹp họ chọn cho con mình cách giải trí ít tốn tiền. “Chỉ với 30.000 đồng là có một cánh diều xinh xắn, chứ vào Suối Tiên, Đầm Sen… lương bọn mình không đủ mua vé cho con tham gia các trò chơi” – anh Quang, công nhân Công ty ChuTex,cho biết. Dọc đường vào cũng có nhiều xe ôtô của các gia đình ở Thủ Đức xuống đây vừa thả diều vừa hóng mát.
Xe bán diều |
Niềm vui của con trẻ
Bé Lan và Hân, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Dĩ An, rủ nhau chơi chung một con diều, một người cầm dây một người nâng cánh diều. Hì hục một lúc cuối cùng hai em cũng nâng được cánh diều bay cao, gương mặt rạng rỡ.
Anh bán diều Đỗ Văn Toàn cho biết bãi đất được quy hoạch và người dân đã biến thành sân chơi diều lý tưởng được mấy năm. Người ta bắt đầu chơi thả diều từ đầu tháng giêng. Ngày chủ nhật anh bán được bốn chục con diều lớn nhỏ. Anh Toàn và nhiều người dân ở đây đang thấp thỏm nỗi lo một ngày gần nhất đất đai được quy hoạch hết sẽ không còn khoảng trống để thả diều cho con trẻ. Riêng anh Toàn sẽ mất đi nguồn thu nhập lớn từ bán diều.
Những người chơi diều đến đây cảm nhận được không khí trong lành, mang dáng dấp đồng quê của những ngày hè rực rỡ, tạm rời xa nhịp sống khẩn trương của mảnh đất vốn là “hàng xóm” của TP.HCM đang công nghiệp hóa từng giờ từng phút.
SƠN DIỄM (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Áo Trắng số 10 Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ