(Dân trí) – Sau nhiều năm áp dụng chế độ tiền công, tiền thưởng ở mức cũ, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chế độ với HLV và VĐV để phù hợp thực tế. Một tin không thể vui hơn với đội ngũ HLV, VĐV, những người vốn gặp nhiều khó khăn thời gian qua.
Tại ASIAD, mức thưởng lần lượt là 70-35-30 triệu đồng, nếu phá kỷ lục được cộng thêm 25 triệu đồng.
Dù chưa thể sánh bằng các nước khác nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, đó là cả một phần thưởng lớn và phần nào đền đáp xứng đáng công sức của các VĐV.
Nếu như việc điều chỉnh mức thưởng được kỳ vọng sẽ kích thích tinh thần tập luyện của các VĐV thì mức điều chỉnh tiền công lần này được xem là giúp các VĐV sống được bằng nghề của mình.
Theo đó, đối với HLV, VĐV không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tiền công cho HLV trưởng ĐTQG là 300.000 đồng/người/ngày; VĐV ĐTQG là 150.000 đồng/người/ngày (mức cũ 70.000 đồng/ngày); VĐV tuyển trẻ QG là 120.000 đồng/người/ngày; VĐV đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 80.000 đồng/người/ngày…
Như vậy, với mức cũ, tất cả các khoản chi phí sinh hoạt cá nhân theo nhu cầu cơ bản trong tháng, thậm chí kể cả gửi về phụ giúp gia đình của các VĐV, đều chỉ gói gọn trong tổng số tiền khoảng 1.800.000 đồng (tính 26 ngày công/tháng và nghỉ tập ngày nào trừ tiền ngày ấy).
Tuy nhiên với mức điều chỉnh mới, 1 VĐV của ĐTQG sẽ có khoảng 4 triệu đồng (chưa kể tiền ăn và tiền thưởng). Đó cũng là mức vừa đủ với nhu cầu cuộc sống hiện nay. Trong khi đó với các HLV, mức điều chỉnh lương mới giúp họ không những có thêm thu nhập mà còn bớt “chạnh lòng” khi nhìn sang mức lương của những người đồng nghiệp ngoại.
Vui vẻ, hào hứng là không khí chung của các VĐV, HLV sau khi nhận được thông tin điều chỉnh chế độ. Giờ đây, họ sẽ bớt đi cảnh “giật gấu vá vai” và yên tâm hơn với tương lai của mình. Thời gian qua, đã không ít VĐV không chịu được cảnh tập luyện vất vả nhưng cũng chẳng nuôi sống được bản thân, đã chuyển hướng sang công việc khác để sinh sống.
Á quân Asiad 16 Vũ Nguyệt Ánh cho biết: “Tôi mới vừa đi tham dự giải
Quả thực, trong khi đa số các môn thể thao chưa thể làm tốt công tác xã hội hóa, thì những hỗ trợ của nhà nước, dù là chưa được đầy đủ nhưng cũng đã đáp ứng được nhu cầu tối thiểu hiện nay.
Tất nhiên trong thời gian tới, các nhà quản lý ở các Liên đoàn không thể cứ mãi chờ vào những điều chỉnh của nhà nước, mà cần có những hành động cụ thể để thu hút nguồn đầu tư từ xã hội, cụ thể là từ các doanh nghiệp. Khi đó các HLV, VĐV mới thực sự sống khỏe được bằng nghề của mình, giống như những gì mà bóng đá đã làm thời gian qua.
An An
Source: Báo Dân Trí