“Toa thuốc” nào khi con nghiện game online?

TTO – Câu chuyện “Tôi thà mang tiếng ác với con!” tiếp tục thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc. Nhiều hiến kế để giúp con trẻ “cai nghiện” game online được đưa ra: dùng roi vọt, dùng lời lẽ giảng giải, cấm trẻ dưới 15 tuổi sử dụng internet công cộng, chỉ được chơi game online khi đạt điểm tốt…

“Toa thuốc” nào khi con nghiện game online?

>> Bối rối cách dạy con bị nghiện game
>> Tôi thà mang tiếng ác với con!

Cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng là một trong những cách hướng trẻ đến việc sử dụng thời gian có ích, xa rời những thú vui tai hại nhiều hơn lợi ich như game online. Trong ảnh, các tình nguyện viên và các thiếu nhi một khu phố tại Q.10, TP.HCM cùng xếp hình hưởng ứng chiến dịch chiến dịch toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org năm 2011 vào giữa tháng 6-2011 – Ảnh: Trung Uyên

Chỉ được chơi game khi học tốt

Hình phạt bắt con bò ngoài đường hơi nặng và hơi tàn nhẫn. Tại sao không xem việc được chơi game như một phần thưởng cho các cháu? Tức là các cháu chỉ được phép chơi khi nào việc học đạt được điểm cao trong trường. Đạt điểm thấp thì không được chơi.

Con của tôi cũng thích chơi game giống như các đứa trẻ khác nhưng chúng nó không nghiện và không chơi quên cả việc học vì tôi đã thực hiện cách dạy này.

Đào Phalô

Tôi hứa với bố sẽ tự chặt tay nếu còn chơi game

Năm học 11 và 12 quá, tôi cũng mê game. Nhiều lần bố tôi khuyên răn, đánh đòn nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Một lần, tôi cúp học chơi game và bị bố tôi bắt gặp. Về nhà tôi bị bố đánh rất đau, nhưng sau đó bố tôi khóc trước mặt tôi. Bố nói, đây là lần thứ hai bố khóc kể từ khi ông nội mất. Giờ bố không dạy được con nữa, tuy bố đánh con nhưng trong lòng bố còn đau hơn con nữa! Giờ con hãy cho bố biết bố phải làm gì để con bỏ game!”.

Sau đó, mẹ tôi cũng đến bên tôi và khóc. Tôi thương mẹ lắm, nhìn mẹ khóc vì tôi mà tôi cảm thấy hối hận về việc làm của mình!

Kể từ hôm đó, tôi đã hứa với bố tôi là sẽ chuyên tâm vào học hành, nếu còn mê game bỏ học tôi sẽ chặt cánh tay này! Khi kể cho các bạn nghe câu chuyện này, tôi cũng rất xúc động khi người bố trong bài viết trên giống bố tôi thế. Mọi việc của bố đều dành cho tôi, bố luôn là tấm gương của tôi trong cuộc sống.

Trùng Dương

Nghỉ việc để cai nghiện game cho con

Tôi cũng có đứa con nghiện game. Sau một đêm suy nghĩ, tôi nghĩ mình làm cũng chỉ vì nuôi cho con khôn lớn nếu để con hư hỏng vì ham chơi thì làm việc làm gì.

Vậy là tôi quyết định nghỉ việc để bắt đầu ăn cùng con, ngủ cùng con, học cùng con. Ngày ngày tôi đưa cháu đi học rồi ngồi luôn ngoài cổng trường đón cháu về, đi học thêm thì con học còn cha ngồi ngoài uống nước.

Đúng một tháng, con tôi tự nói: “Ba đi làm đi, con hết thích chơi rồi”. Sau đó tôi để cháu đi một mình, và quả thật cháu không còn chơi game nữa.

Trung Phong

Cho con chơi mà học

Game cũng như rượu, thuốc lá: Ban đầu hơi khó nhưng lại khó bỏ. Cách của tôi đang làm là:

– Chỉ vào mạng khi có người lớn và không chơi game

– Cho tiếp xúc với tất cả các môn năng khiếu từ bé (võ, cầu lông, bơi, bóng đá, bóng bàn, organ, ghi-ta.

– Hè này luôn bận rộn với các hoạt động, chỉ còn hoạt động làm rẫy 10 ngày là chưa thực hiện được. Bận rộn thế nên con không còn thời gian để chơi game cũng như xem phim hoạt hình. Nếu gia đình anh có rẫy thì nên cho con cùng tham gia sản xuất.

dinh thai lam

Đóng cửa phạt con chứ đừng lôi ra đường

Tôi cũng có 2 cậu con trai và cũng rất mệt khi dạy bảo chúng. Nhưng tôi nghĩ, ta có thể dạy chúng bằng mọi cách theo quyền làm cha mẹ nhưng cách bắt con bò ngoài đường thì tôi thấy không ổn vì dễ gây tổn thương trong lòng con trẻ.

Tôi thấy cháu lớn rồi anh nên đóng cửa trong nhà mà phạt, hoặc đánh hoặc khuyên giải cho chúng hiểu. Anh cũng có thể sưu tầm những bài báo nói về những hậu quả không hay do nghiện game gây nên để ở nhà cho chúng đọc. Tôi mong rằng sau sự việc này các con của anh sẽ hiểu được nỗi lòng của anh mà cố gắng học. 

 thanhhuyenthi1967 

Uốn nắn ngay từ nhỏ

Khi đọc bài viết về tình cảnh của những phụ huynh có con nghiện game online, tôi rất hiểu và thông cảm. Nhưng tôi nghĩ, các anh chị phải dạy các cháu ngay từ nhỏ, khi các cháu đã ý thức được những gì nên làm, không nên làm. Từ nhỏ, trẻ phải biết sợ, biết nghe lời, nếu không thì sau này sẽ rất khó dạy. 

 Van Hao

Cấm trẻ dưới 15 tuổi truy cập Internet công cộng

Theo tôi, Nhà nước cần có quy định tất cả trẻ em dưới 15 tuổi không được ra các tiệm net công cộng vì các em còn nhỏ chưa ý thức được, mà đây là những nơi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ hại sức khỏe, bỏ học, nghiện ngập, trộm cắp…

Và muốn phạt tiền những trẻ em vi phạm điều này thì cần có những người có trách nhiệm kiểm tra, có thùng thu tiền có dấu niêm phong Nhà nước thì mới thực hiện được.  

shinichi_uit

Quất roi từ tiệm game về nhà

Tôi ủng hộ hình phạt bắt con bò ngoài đường của ng̣̣ười cha trong bài viết này. Nói về chuyện dạy con từ bỏ game online thì có vẻ dễ nhưng làm thì rất khó.

Gần nhà tôi có một em mê game bỏ học.Mẹ cha la rầy cách nào nó cũng không bỏ game. Một hôm em đang chơi game thì cha đi tìm và dùng roi đánh nó từ phòng game về đến nhà. Kể từ hôm đó nó lại bỏ game luôn.

La Công Quốc

Hà khắc với trẻ khi chưa quá muộn

Khi những đứa trẻ còn nghe lời bố mẹ và chịu hình phạt như vậy thì nghĩa là còn chưa quá muộn. Mọi gia đình cần nghiêm khắc, thậm chí hà khắc trong việc giáo dục con trẻ khi chưa quá muộn.

Sự giáo dục, hình phạt của gia đình dù hà khắc tới đâu cũng tốt hơn là để đến khi phải trẻ nhận hình phạt của xã hội thì đã quá muộn. 

 Mr.Hai

Tìm đến chuyên gia tâm lý

Tôi cũng có đứa con cũng tầm tuổi con anh N., hầu như cái tuổi này chúng chỉ thể hiện mình, muốn chứng tỏ mình là người lớn, nên bất kể bao nhiêu lời lời dạy dỗ của cha mẹ chúng chỉ để ngoài tai, làm cha làm mẹ cũng rất đau lòng khi phải phạt con như thế, anh bảo là hình phạt cuối cùng thế thì chúng phạm lỗi thêm lần nữa thì tính sao đây?

Bất kể là con hư cỡ nào cũng không thể dùng biện pháp cuối cùng, hết cách thì tìm đến chuyên gia tâm lý. Tôi thông cảm với anh nhưng việc ấy làm tổn thương con trẻ, khó có thể hàn gắn tình cảm các cháu với gia đình nếu chúng vẫn không chịu hiểu cho ra lẽ.

Phạm Thị Tuyết

Hạn chế cho tiền

1. Thống nhất cách dạy con. Sở dĩ ngày nhỏ tôi như vậy vì được mẹ rất cưng chiều trong khi ba lại khắt khe. Mỗi lần muốn gì là tôi lại “mè nheo” với mẹ. Đến 1 ngày tôi không làm bài tập bị thầy bắt mang tập về nhà để ba xem và ký tên vào thì từ đó mẹ tôi mới nghe theo ba tôi, không nuông chiều tôi quá mức nữa.

2. Hạn chế cho tiền. Ngày tôi còn nhỏ, gia đình tôi thuộc hàng khá giả, có tivi màu và đầu máy đầu tiên trong xóm. Hằng ngày mẹ đều cho tiền để ăn sáng, uống nước, đề phòng xe hư khi đi học, nói chung tiền bạc tôi được tiêu xài thoải mái. Rồi tôi nghiện game và đỉnh điểm là ăn cắp tiền của ba mẹ để chơi game. Từ đó về sau ba mẹ không cho tiền như trước nữa, đầu máy được bán đi để không xem phim. Kể cả khi tôi học đại học chuyên ngành CNTT nhưng muốn có được cái máy vi tính để học thì cũng phải học hành, làm việc nhà và tìm cách trình bày sao cho có thể thuyết phục được ba mẹ mua cho máy vi tính.

3. Khuyên dạy chứ không đánh đòn. Ngay cả khi tôi ăn cắp tiền để chơi game, ba tôi chỉ la chứ không đánh đòn. Ngày còn nhỏ khi tôi chửi “mất dạy” với bạn, ba không đánh mà nói rằng tôi chửi bạn nghĩa là tôi chửi ba mẹ, vì ba mẹ không biết dạy con nên tôi mới nói bạn như vậy. Từ đó về sau tôi không bao giờ dám nói tục, chửi thề vì cứ nghĩ rằng chửi người khác là chửi ba mẹ mình.

4. Tham gia thảo luận với ba mẹ. Hằng ngày khi ăn cơm ba mẹ tôi đều trao đổi với nhau về mọi việc và tôi cũng được phép thảo luận. Do đó tôi luôn được nghe nhiều về những chuyện bạn bè của ba mẹ có người được lên chức do có trình độ, có người vẫn làm công nhân do không học hành này nọ. Dần dần tôi hiểu được tầm quan trọng của việc học cho tới nơi tới chốn.

5. Dạy con đọc sách. Ba tôi có 1 tủ sách to nhưng tôi không khi nào động tới. Từ ngày tôi bị cấm chơi game và không còn đầu máy để xem phim nữa, ba tôi mua về những sách phù hợp với tuổi của tôi hơn như Sherlock Homes, truyện của Nguyễn Nhật Ánh, báo Mực Tím… Đọc hết sách này thì tôi bắt đầu tìm đến kho sách của ba để giết thời gian như Những điều lý thú trong vật lý, Kể chuyện về kim loại hiếm và phân tán đến Phía đông vười địa đàng, Tam quốc diễn nghĩa.

Trong hàng đống sách đó có sách thích có sách không thích nhưng nhờ vậy mà tôi mở mang được rất nhiều kiến thức bổ ích. Đây là một số điều tôi đúc kết được từ việc dạy con của ba mẹ tôi. Hi vọng sẽ giúp ích được cho anh và mọi người.

Le Thi Lien 

1. Tại sao con có tiền chơi game? Do chính cha mẹ cho con tiền mỗi ngày để tiêu vặt, thay vì mua thức ăn nước uống, con trẻ để dành tiền chơi game. Cha mẹ tập cho con cái thói quen ăn uống ở nhà rồi mới đi học, đem theo nước uống và bánh phòng cho lúc đói. Cách này vừa không phải cho con tiền, vừa an toàn trong vệ sinh thực phẩm cho con chúng ta trong thời buổi thức ăn đường phố mất vệ sinh, gây nhiều bệnh lạ. Đối với con lớn 16 tuổi, cha mẹ qui định số tiền cho sử dụng trong 1 tuần là bao nhiêu, xài hết thì phải kiếm việc làm thêm để có tiền xài.

2. Tại sao lúc rảnh rỗi sau giờ học hoặc thời gian hè, con không ra rẫy phụ cha mẹ? Cha mẹ vì quá yêu thương con nên thường không cho con phụ việc nhà, việc rẫy, đó là suy nghĩ vô cùng ấu trĩ, con dù nhỏ cũng phải biết phụ công việc nhà, con lớn thì phụ công việc nương rẫy. Lúc đó các con mới thấy được đồng tiền cha mẹ kiếm được để cho mình ăn học rất khó khăn, cực khổ. Khi con cầm tiền trên tay sử dụng như thế nào phải suy nghĩ kỹ lưỡng chứ không phung phí nữa.

3. Đã có máy vi tính để ở nhà anh quy định thời gian khi nào con được chơi và chơi trong bao lâu phải nghỉ. Vài dòng chia sẻ với anh N., mong anh thay đổi cách yêu thương con để không còn lâm vào tình cảnh phải phạt nặng con như vậy.

Khanguyen

Tập lại thói quen học nhiều hơn chơi

Có thể cho chúng chơi các loại game có ý nghĩa lành mạnh tạo ra ý chí can đảm mạnh mẽ, có sự mơ ước tiến đến tương lai tốt hơn nhưng lồng theo điều kiện phải làm xong những việc khác mới cho chơi và được phép chơi game giới hạn trong ngày để giữ gìn sức khỏe và không bị đam mê.

Người cha dùng hình phạt nặng khi con sai phạm, nhưng không để con hận mình. Người mẹ phải phối hợp với người cha răn bảo con nhẹ nhàng và phải kiểm soát thời gian trong ngày của chúng để đảm bảo chúng có thời gian học, làm việc, thể thao và giải trí lành mạnh.

Hoàng Long Thành

Phải kiên nhẫn

Tôi cũng có con như bác N.. Ngày còn nhỏ tôi chứng kiến cảnh cha mẹ trừng phạt con kinh khủng khi con phạm tội: như người bạn tôi (năm 13 tuổi) buổi trưa tắm sông. Ông bố bắt trần truồng từ sông về đến nhà và cột trước nhà trên đường lớn nhiều người qua lại. Ngày ấy tôi còn nhớ cậu ta chỉ khóc và chửi thề những đứa trẻ khác xúm lại nhìn.

Đã hơn 40 năm mà tôi vẫn không quên nổi hình ảnh đó (còn cậu bạn khốn khổ này nếu còn giờ cũng thành ông rồi cũng nên). Tôi nghĩ bạn nên cho các con bạn cùng lao động với bạn những khi có thể để chúng thấy nỗi cực nhọc của bố mẹ, hay đưa chúng đến những nơi có những trẻ em thiếu may mắn và khi đó chúng sẽ thay đổi cách nhìn và ý thức hơn lời khuyên của bạn.

Đôi lúc cũng phải cương quyết không nên chiều chuộng con cái quá. Để chúng tự dọn các thức ăn ra ăn để chúng tự rửa các chén bát chúng ăn, để chúng tự làm các việc học của chúng. Đừng sợ chúng thất bại bởi nếu có thì đã có bố mẹ bên cạnh rồi. Như vậy chúng sẽ không nhàn cư (tự do) mà chơi game. Con tôi cũng vậy, khi thấy nó rảnh ra là tôi rủ nó làm việc. Tất nhiên khi đó bạn phải biết cách gợi hứng thú cho nó. Như kể chuyện gì đó về ngày xưa của nó cũng thích việc mà bạn đang muốn nó cùng làm và bạn đừng quên nói rằng việc làm của này có ý nghĩa đối với nó và với gia đình như thế nào.

Và cuối cùng bạn nên tạo cho con mình có cái nhìn về bản thân nó như là một người cần giữ gìn uy tín của mình. Nếu tham gia game hay những trò chơi mà bạn hạn chế hoặc cấm thì sẽ mất hình ảnh của mình rất nhiều. Có vậy thì bạn mới hạn chế được tính ham chơi của các con bạn.

Hoang

Trò chơi là cần thiết cho trẻ

Là một hướng đạo sinh, trực tiếp chơi với trẻ rất nhiều và cũng được học các kỹ năng để chơi với trẻ, sau gần một năm hướng dẫn hai đội thiếu niên (lứa tuổi cấp II) có một điều tôi chiêm nghiệm được là trò chơi là thứ không thể thiếu với trẻ. Trẻ trong bụng mẹ khi 1-2 tháng tuổi đã biết chơi (đạp bụng mẹ, ngọ nguậy trong bụng mẹ), đến khi về già cũng phải chơi (chơi cờ, chạy bộ, trồng cây, nuôi cá…).

Nếu một đứa trẻ không chịu chơi, lúc đó mới chính là bất hạnh cho cha mẹ (chứng tự kỷ ám thị). Nói như vậy để thấy rằng chơi là một hoạt động tự nhiên, không thể thiếu với bất kỳ ai. Qua trò chơi, trẻ phát triển một cách tự nhiên, hoàn thiện.

Nhưng trò chơi cho trẻ nhất định phải có định hướng của người lớn. Giống như cây kiểng, có uốn nắn thì mới thành hình. Trường hợp trẻ mê chơi game không thể trách trẻ được, vì không ai chỉ cho trẻ cách chơi, không ai bày cho trẻ chơi.

Khiến trẻ phải tự giải quyết ham muốn được chơi của mình. Hành động phạt trẻ, đánh đập, quát nạt, viết bản kiểm điểm là sai lầm, sai lầm cơ bản của nó chính là chặn mong muốn tự nhiên của trẻ, sai lầm kế đến là phạt trẻ vì lỗi không phải do trẻ gây ra (nguyên nhân chính là không hiểu tâm lý trẻ của người lớn) tại Việt Nam, sân chơi ngoài trời cho trẻ hiếm vô cùng, trong khi quán net thì như nấm sau mưa, ngay tại TP.HCM tình trạng cũng tương tự.

Người lớn đang giành hết sân chơi của trẻ cho công việc của họ, và đổ lỗi cho trẻ hư vì trẻ tự tìm chỗ để chơi. Giải pháp cho trẻ mê chơi game chính là các hoạt động mà cha mẹ của trẻ đang hướng tới, cho trẻ chơi trong các câu lạc bộ, các trại hè. Tại đó trẻ được hoạt động nhóm với các bạn cùng lứa tuổi, lấy thiên nhiên làm căn bản, lấy trò chơi tập thể để hoạt động, lấy các kỹ năng để rèn luyện, lấy tình bạn đội nhóm làm niềm ham thích, lấy trò chơi làm căn bản để giáo dục trẻ, đó mới chính là biện pháp lâu dài.

Phan Nguyễn Toàn

Những lời tâm sự của người cha trên đây thật đáng để chúng ta suy nghĩ, rất nhiều tình huống trong cuộc sống của chúng ta diễn ra như vậy, trừng phạt con quá mức cũng là vì quá yêu thương con và nghĩ rằng mình đã hết cách.

TTO tin chắc đông đảo bạn đọc đều hiểu được nỗi lòng sâu sắc của người cha này.

Nhưng cũng có vấn đề đặt ra cần chúng ta chia sẻ, nếu con cái lặp đi lặp lại lỗi lầm, với mức độ cao hơn, phụ huynh sẽ có những giải pháp nào để đối xử với con đủ cứng rắn mà không làm chúng “hận” trong lòng?

Liệu có cách nào hay hơn không?

Và xã hội, đoàn thể, người thân xung quanh sẽ làm gì để những bậc phụ huynh đang rất muốn nuôi dạy con nên người đó không cảm thấy bơ, vơ, bất lực, phải sử dụng những “cách cuối cùng” một cách không mong muốn?

Và một lần nữa, chúng ta nói gì khi có bằng chứng game online đã “vươn vòi” đến hạnh phúc của từng gia đình và đe dọa tương lai của con trẻ?

Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình theo công cụ dưới bài. Xin cám ơn.

TTO

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.