Tiếng Việt trên đường lên đỉnh Olympia

TT – Xung quanh những câu trả lời và đáp án trong buổi chung kết năm của Ðường lên đỉnh Olympia (VTV3, 19-6-2011), GS Nguyễn Ðức Dân gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.

Tiếng nước tôi

Tiếng Việt trên đường lên đỉnh Olympia

1. “Hoàn toàn chính xác” là một câu được rất nhiều MC dùng để khen người chơi trả lời đúng câu hỏi của những trò chơi truyền hình Chiếc nón kỳ diệu, Ðấu trường 100, Rung chuông vàng, Ai là triệu phú… Ðã có người phê nói vậy là không chuẩn. Ðáp án chính xác, trả lời chính xác là đáp án đúng, trả lời đúng 100%. Nói “chính xác” là đủ. Không cần nói dư thành “hoàn toàn chính xác”. Phê vậy cũng phải. Tuy nhiên, trong thực tế tiếng Việt chúng ta vẫn gặp những cách nói như rất đúng, hoàn toàn đúng, vô cùng đúng, rất chính xác… Trong những cách nói này, ngoài đánh giá về lượng, những từ rất, vô cùng, hoàn toàn cốt nhấn mạnh tới lời khen chất lượng câu trả lời.

2. Tiếng Việt đời thường và thuật ngữ khoa học.

Trong phần Vượt chướng ngại vật, có mục từ những hình ảnh đoán ra từ. Có ba người thi cho đáp án muối, lời đáp của Ngọc Oanh là muối ăn. Người dẫn chương trình dõng dạc: “Muối là đáp án của câu này”. Lúc đó tôi bật lên: “Hại Ngọc Oanh rồi. Thế này thì ai đấu được với nhà đài?!”. May mà ban cố vấn cho Ngọc Oanh cũng được điểm.

Riêng tôi, trong trường hợp này cần cho Ngọc Oanh thêm điểm thưởng vì em tư duy chính xác hơn. Ðiều này liên quan đến tiếng Việt đời thường và thuật ngữ khoa học. Muối là một thuật ngữ hóa học, vì chúng ta biết có phản ứng hóa học “acid + base -> muối + nước”. Muối cũng là một từ ngữ đời thường: muối tinh, muối ăn, muối mè, muối tiêu, Muối của rừng (truyện Nguyễn Huy Thiệp). Toàn bộ những hình gợi ý hiện ra trong câu hỏi đó không đề cập tới phản ứng hóa học, nghĩa là không đề cập tới thuật ngữ muối. Chúng chỉ gợi ý tới muối NaCl mà tiếng Việt đời thường gọi là muối ăn. Cho nên đáp án muối là đúng nhưng rộng, còn đáp án muối ăn mới chuẩn, mới là từ ngữ đời thường.

3. Ô chữ trong Vượt chướng ngại vật là một trò chơi hay. Nhìn một phần hình đoán ra toàn bộ bức ảnh biểu trưng cho từ gì. Bộ phận có thể làm nên đặc trưng của toàn cục. Bịt bức ảnh chân dung đi nhưng để lại đôi mắt người ta thường vẫn nhận ra đó là ai. Ðiều này cũng tựa như trong một bài viết, chỉ cần một vài từ ngữ, câu chữ là nhận ra ý tứ toàn bài.

Nắm vững tiếng Việt cũng góp phần không nhỏ cho thành công trong cuộc thi trí tuệ “Ðường lên đỉnh Olympia”.

NGUYỄN ĐỨC DÂN

__________

Tin bài liên quan:

>> Tranh cãi xung quanh đáp án “muối” và “muối ăn”
>> Tân vô địch Đường lên đỉnh Olympia: “Không dám tin mình chiến thắng”
>> Phạm Thị Ngọc Oanh đoạt vòng nguyệt quế Olympia
>> Muối, muối ăn hay chuẩn bị chưa chu đáo?

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.