TTCT – Hôm ấy là ngày đầu tiên của tiết lập hạ. Bãi biển Vĩnh Thái xanh, êm giữa sắc nắng giòn tan và gió Lào khoáng đạt.
Về những miền hoa cát
Trên đồi cát phẳng phiu trắng ngần, một đôi trai gái đang đuổi bắt hoa cát bằng những bước chân thanh tân và những tiếng cười hiển hiện niềm vui sâu đậm. Ngoài khơi xa, từng giọt nắng tái sinh trên đỉnh sóng…
Minh họa: Lê Thiết Cương |
Trong nắng thanh bình, những bông hoa cát như những mặt trời tí hon xoay xoay trên cát trắng. Bất chợt sóng biển thanh bình quyện lấy câu hát bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi, ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời, nghe sóng vỗ dạt dào biển cả, vút phi lao gió thổi trên bờ…
Trò chơi hồn nhiên và trong trẻo với những bông cỏ mặt trời bỗng chốc có nhịp điệu và trở thành điệu múa sinh động trước biển bởi người thiếu nữ dạt dào tình trẻ, dáng xinh tươi đang tuổi yêu đời và lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi.
Theo gió, có những mặt trời tí hon trên bờ bãi Vĩnh Thái trở lại với trùng khơi xanh thẳm, có những cuộc đời hoa cát đến Cửa Tùng miên man sóng vỗ dịu dàng – nơi vĩ tuyến mười bảy bắt đầu chạm vào biển Đông, nhờ ngọn gió đại dương hào phóng đưa vào cuộc tao ngộ với cành phong ba và tán bàng vuông Cồn Cỏ.
Biển liền biển nên ở bến Nghè xanh thẫm, mặt trời tí hon lại chiếu lên niềm tự hào Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận ngân vang trên đồi Hải Phòng, đồi Hà Nội lan đến bãi Hirôn, bến Tranh, Nam Hà, Triệu Hải và xuyên suốt dòng nhựa trong cây chò chỉ vững vàng trên đảo, tươi thắm trên nhành san hô đỏ linh thiêng…
Khi rời mắt ngắm vẻ đẹp dễ làm mê tơi những tâm hồn yêu hội họa của bãi biển Cửa Tùng, nhìn chếch về phía đông bắc sáu mươi mốt độ, thấy đảo Cồn Cỏ như bờ vai thiếu nữ ngoan hiền, thêm hiểu tại sao nhà thơ Chế Lan Viên đã tài tình ví von biển là phần yểu điệu của quê hương đã biến thành con gái.
Trên những chuyến tàu hòa bình ra với đảo thanh niên Cồn Cỏ hôm nay có niềm tin của cả thế hệ vào “lịch sử đã chứng minh bằng máu và nước mắt của cả một dân tộc trong suốt hàng thế kỷ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc rằng trong một nghĩa nào đó, Cồn Cỏ không còn là hòn đảo giữa biển khơi mà đã thật sự trở thành đất liền”.
Ra với đảo, sóng vỗ dưới thân tàu qua trùng trùng hải lý là bản tổng phổ khỏe khoắn, lãng mạn và say mê như cuộc sống trên đảo bình yên, vững chãi.
Ở đó, cỏ mặt trời mỗi ngày bay đến để đôi lứa yêu nhau hẹn hò trên cát, trẻ nhỏ học bài dưới ánh sáng hồng tươi của lá cờ Tổ quốc, có niềm lạc quan của những người lính ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vang lên trong lời ca Cồn Cỏ có con cua đá, là con cá đua, nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, có tám cái que, có hai cái càng… Lính ta chiến đấu suốt ngày đêm. Có canh là canh cua đá. Càng bền sức trai…
Nắng râm ran trên mặt biển xanh ngời và cát lao xao dưới những bàn chân đang thì thầm với bờ bãi Cửa Tùng, Vĩnh Thái lời hẹn ân tình, thủy chung. Trên đảo nhỏ đang bừng sức sống mới, con người thấy gần hơn với đất liền khi nhìn rõ màu xanh của rừng ven biển Cửa Tùng, Vĩnh Thái và huê dạng của những xóm thôn, làng mạc ven bờ Hiền Lương.
Từ nơi này, tâm thức tha thiết nghĩ về biển trời quê hương nhận ra trong những vật dụng của người Việt vào thời đồ đá cũ, trong dáng vươn mình của cây phong ba và những mặt trời tí hon lấp lóa cùng tín hiệu bình yên của cánh én đang bay lượn trên tiếng sóng rì rầm một điều vĩnh viễn rằng là đất nước bên bờ sóng, Việt Nam sẽ dựng xây, gìn giữ những Cát Bà, Cồn Cỏ, Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc… bằng tâm sức của nhiều thế hệ nối tiếp nhau luôn quý, luôn yêu biển đảo muôn đời của Tổ quốc.
NGUYỄN BỘI NHIÊN
Source: Báo Tuổi Trẻ