Từ Trường Sa đến game online

TT – Nguyễn Xuân Thủy – tác giả vừa đoạt giải A cuộc vận động sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống – bắt đầu làm quen với văn chương từ những bài báo nho nhỏ viết từ Trường Sa – nơi anh có đến hơn hai năm làm nhiệm vụ.

Nguyễn Xuân Thủy:

Từ Trường Sa đến game online

Nguyễn Xuân Thủy tại lễ trao giải – Ảnh: H.Điệp

Sáng 21-1 tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức trao giải cuộc thi tiểu thuyết, truyện ký và ký do bộ phát động từ năm 2007-2010. Cuộc thi nhận được 146 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài ngành công an. Ban tổ chức đã trao các giải A, B, C cho 10 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi, trong đó có hai giải A là tác phẩm Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy và Hoa bay của Chu Thanh Hương (mỗi giải 30 triệu đồng). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao bốn giải B (mỗi giải 20 triệu đồng) và bốn giải C (mỗi giải 15 triệu đồng) cho các tác giả và tác phẩm khác.

Với Nguyễn Xuân Thủy, hạnh phúc đến phát khóc là khi nằm giữa tiếng sóng biển ầm ào, nhét phone vào tai nghe chương trình văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, lại được nghe bài bút ký của chính mình.

Không hét lên vì vui sướng, cũng không lay đồng đội cùng phòng để chia sẻ, những giọt nước mắt hạnh phúc đầu tiên của người lính đảo sạm đen cùng nắng gió đã tuôn rơi. Đấy là năm 2000, chàng trai quê Phú Thọ (sinh năm 1976) vừa đặt chân ra đảo.

Rồi đều đặn hằng tuần, hằng tháng, Thủy chăm chỉ viết về cuộc sống lính đảo. Các bài báo này được in đều trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Quân Đội Nhân Dân, tạp chí Phòng Không Không Quân (nay là báo Phòng Không Không Quân), Đài Tiếng nói Việt Nam… trong đó có không ít truyện ngắn, có truyện đoạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2008-2009.

Các truyện ngắn dù chưa thật sự gây ấn tượng nhưng đã nối lại gần hơn khoảng cách từ đất liền đến vùng đất đặc biệt của Tổ quốc – nơi có vô vàn câu chuyện mà không phải ai cũng được biết. Đó là tình đồng đội, là những nỗi đau được sẻ chia, những niềm vui được san bớt, là những mong mỏi được trở về đất liền nhưng đến ngày ra quân lại dùng dằng không nỡ chia tay, bởi chẳng biết ngày nào mới gặp lại từng viên sỏi, từng nhành san hô…

Sau hơn hai năm làm lính, Thủy trở về Hà Nội và trở thành người lính nhà báo!

Những câu chuyện về đảo xa vẫn ám ảnh và được Thủy gom góp lại viết thành cuốn tiểu thuyết Biển xanh màu lá (NXB Quân Đội Nhân Dân, 2008). Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bởi một người lính đã có hơn hai năm phục vụ đảo. Ở Biển xanh màu lá, ngoài những nỗi nhớ nhung là những câu chuyện rất thật của người lính luôn đối diện với đủ mối hiểm nguy để bảo vệ phần biển đảo của Tổ quốc. Ở đó, ngoài những thiếu thốn về tinh thần và vật chất còn có cả sự hi sinh tính mạng…

Đầu năm 2010, NXB Kim Đồng đặt Thủy viết cuốn Kỳ thú Trường Sa cho thiếu nhi. Những tưởng câu chuyện bất tận về lính và niềm kiêu hãnh về Trường Sa sẽ còn đeo đẳng Thủy mãi, nhưng bất ngờ tháng 5-2010, Thủy cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn khác chất lính mang tên Sát thủ online (NXB Công An Nhân Dân).

Sát thủ online là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam viết về thế giới tội phạm mạng, trong đó những nhân vật của tiểu thuyết đều ít nhiều biết về những trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực… – nơi mà những kẻ yếu đuối ở ngoài cuộc sống thực lại được xưng tụng như những người hùng hoặc vua chúa có quyền lực tối thượng trong thế giới ảo. Nơi đó, trò chơi biến nhiều người từ bình thường trở thành quái dị, mất nhân tính…

Tâm sự về sự thay đổi đột ngột đề tài lần này, Nguyễn Xuân Thủy nói đó chỉ đơn giản là sự bức xúc của tác giả trước một mối lo chung của xã hội, cũng giống như một câu chuyện báo chí. Hóa ra con mắt làm báo bao năm đã giúp Thủy có được những thông điệp và cả những đúc kết, cảnh báo kèm theo khả năng “dựng truyện” để anh có được những trang văn phản ánh đời sống thực đầy khốc liệt nhưng cũng đầy nhân văn.

Và cũng nhờ những trải nghiệm Trường Sa, những ngày tháng làm báo, những giờ lướt net và tìm hiểu về game online, Thủy đã có trong tay một phần vốn kha khá cho con đường văn chương.

Chuyển thể Sát thủ online thành phim truyền hình

* Bắt đầu viết văn từ một người lính nghĩa vụ, Trường Sa hẳn là một mảnh đất đặc biệt để tạo nên một nhà văn như Nguyễn Xuân Thủy bây giờ, vậy Trường Sa có vị trí như thế nào đối với cuộc sống của anh?

– Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tôi trở về đất liền và bắt tay vào công việc làm báo (hiện là thư ký tòa soạn tạp chí Văn Hóa Quân Sự – PV), sau này khi tiểu thuyết Biển xanh màu lá ra đời (năm 2008) tôi đã có dịp quay trở lại Trường Sa để thăm lại nơi tôi từng công tác. Đó là một chuyến đi xúc động và mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.

Cá nhân tôi thấy rằng trải nghiệm ở Trường Sa trong những năm khó khăn, không có điện, không có điện thoại… là những trải nghiệm thú vị và quý giá mà không phải người viết nào cũng có. Một khoảng Trường Sa là giá trị riêng nhất, đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất đối với tôi. Bởi vậy, để được đến lại với Trường Sa là khát khao và cũng là nhiệm vụ của tôi, bất kể khi nào có lệnh lên đường tôi sẽ lên tàu ra đảo.

* Sau Sát thủ online, anh có trở lại với đề tài Trường Sa?

– Còn nhiều câu chuyện về Trường Sa mà tôi sẽ lồng ghép vào các tác phẩm của mình. Ngay hôm nay, tôi nhận lời mời của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ để cùng chuyển thể tiểu thuyết Sát thủ online thành kịch bản phim truyền hình và cuốn sách cũng sẽ được tái bản trong thời gian gần nhất. Cùng với nó, cuốn Biển xanh màu lá cũng sẽ tái bản lần thứ nhất.

Dù tái bản nhưng Biển xanh màu lá lần này mới thật sự đến tay nhiều bạn đọc ngoài quân đội, bởi trong lần xuất bản trước sách được đưa vào hệ thống thư viện nên không có sách bán trên thị trường. Cạnh đó, NXB Kim Đồng sẽ in cuốn sách mang tên Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (trước định lấy tên là Kỳ thú Trường Sa – PV) với những hình vẽ minh họa sinh động.

Trong cuốn sách này tôi đóng vai trò như hướng dẫn viên đưa các em đến với các sinh vật, các hòn đảo, câu chuyện cuộc sống trên đảo một cách đơn giản và lý thú để làm giàu thêm vốn kiến thức và tình yêu của các em với vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

H.ĐIỆP thực hiện

HOÀNG ĐIỆP

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.