TTO – Nhiều ý kiến bạn đọc, với tinh thần xây dựng và tâm trạng lo lắng trước thực trạng học sinh yếu kiến thức lịch sử nước nhà qua kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, gửi về tòa soạn. Chúng tôi trích đăng (có cập nhật) những ý kiến chất lượng…
Hãy xem lại nội dung môn sử
>> Điểm thi môn sử thấp không ngờ
>> Vốn liếng sử nhà còn lại bao nhiêu?
>> Điểm thi môn sử thấp không ngờ: Lỗi từ cách dạy
Thí sinh dự thi ĐH 2011 – Ảnh minh họa: TRẦN HUỲNH |
Cứu lấy môn sử
Một số người phê bình học sinh đang học vẹt môn sử. Chỉ có những học sinh mới hiểu nỗi khổ này. Xin thưa, với chương trình mà bộ đưa ra thì học sinh không thể nào không học vẹt được!
Là 1 học sinh, em xin chủ quan được nêu ra các khuyết điểm đó như sau: 1. Chương trình khô khan, toàn chữ với chữ, rồi lại đến ngày, tháng, năm. Học quá sâu một số vấn đề không cần thiết. Những nội dung cần bao quát, tổng hợp lại không đưa vào. Dẫn đến không ít bạn không nắm được mấu chốt của lịch sử mà chỉ nhớ thoáng qua những chi tiết nhỏ nhặt. Ví dụ nắm được ông vua A của thời họ A thì như thế này, nhưng chẳng biết thời họ A có bao nhiêu đời, thời gian nào, trước và sau đó là thời nào,…
2. Với tư tưởng giáo dục “toàn diện”, hầu hết chương trình các môn khác là rất nặng, vậy lấy đâu sự thoải mái để học sinh khám phá lịch sử? Ngoài ra, đa số giáo viên dạy sử đều than với học sinh là tiết học không đủ. Ở trên yêu cầu giáo viên dạy thật sinh động, nhưng thời gian để giáo viên dạy đúng chương trình có khi còn không đủ, huống hồ…
3. Sức hấp dẫn với môn lịch sử mà nền giáo dục VN đưa ra với học sinh nói riêng lẫn người VN nói chung là tệ! Em rất yêu thích môn lịch sử, nhưng em đến với niềm đam mê ấy là do 1 tập truyện sử nước ngoài.
Hiện nay không ít người thuộc sử ta không bằng thuộc sử người, một phần là do sự du nhập từ phim, ảnh, truyện, game của nước ngoài… Nhưng cũng phải nhìn lại mình, tại sao lại xảy ra thực trạng như vậy? Vốn liếng sử nhà tệ không phải hoàn toàn do lỗi của học sinh. Xin các chú, các bác có trách nhiệm giáo dục thế hệ tương lai nước nhà cứu lấy môn lịch sử!
D2A
Học sử phải biết tư duy
Mình thấy cách chấm bài và ra đề của giáo viên cũng khiến học sinh, sinh viên phải học thuộc lòng. Ngay cả trường mình, một trường đại học lớn về khoa học xã hội cũng có cách làm như vậy.
Từ lâu, nhiều người cho rằng học sử chỉ biết học thuộc lòng là đủ. Qua đề thi đại học năm nay, quan niệm đó cần phải xem xét lại. Học sử cũng như các môn khoa học xã hội khác phải biết tư duy, lý luận, phải hiểu vấn đề mới có thể làm được.
Cảm ơn các thầy cô ra đề thi sử năm nay, một đề thi rất hay và “xứng đáng” là một đề thi ĐH mang tính phân loại. Đầu tiên phải xem xét lại mục đích của việc học sử là những gì. Có câu nói đùa rằng học sử để làm lãnh đạo. Như bác Võ Nguyên Giáp của ta không phải là một người học sử đó sao, bác vận dụng những cách đánh của người xưa phù hợp với hoàn cảnh ngày ngay để làm nên những chiến thắng lẫy lừng.
Vì vậy, học sử mang tính tư duy rất cao mà không hẳn ai cũng làm được. Mình thấy việc phân bố chương trình học ở phổ thông chưa hợp lý. Nếu cho môn sử là quan trọng thì sao lại sắp xếp mỗi tuần một tiết trong 45 phút được. Mình nghĩ năm nào tốt nghiệp cũng phải chọn môn lịch sử bắt buộc, môn ngoại ngữ nên xem xét lại vì trước sau gì nước mình cũng hiện đại hóa, chắc chắn mọi người sẽ biết phải trau dồi thêm ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.
Mong Bộ Giáo dục – đào tạo đưa ra hướng giải quyết tạm thời và lâu dài, đừng để những người học ngành khoa học xã hội như chúng em bị cho là chỉ biết học thuộc lòng, từ đó sẽ tạo áp lực cho những người theo khoa học xã hội. Trong khi chính những ngành khoa học xã hội mới là nền tảng cho các ngành khoa học khác.
HOÀNG
Hãy học các nước khác
Ở Mỹ, việc học sử rất hấp dẫn, Bộ Giáo dục và đào tạo có thể tham khảo. Ở các lớp dưới, sách giáo khoa có nhiều hình ảnh minh họa như truyện tranh, có những mẩu chuyện kể lý thú như mời gọi các em vào thăm thế giới xưa hừng hực và nhiều kỳ tích. Thật sự là người xưa sống hồn hậu, nghĩa khí và không bàng quan như cuộc sống hiện đại nên sẽ rất lý thú.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên làm những video clip ngắn phục dựng những trận đánh, những giai thoại, theo kiểu tài liệu và tải trên YouTube. Khi giáo viên dạy chỉ cần mở YouTube cho các em xem. Tuy tốn kém lúc đầu, nhưng có thể dùng cho cả trăm năm sau nếu clip tái dựng trung thực và đẹp mắt.
Ngoài ra, nên tổ chức những cuộc thi đố vui, kể chuyện để các em tham gia và chơi. Ở lớp lớn, các em không nên học vẹt nhiều sự kiện ngày tháng vô ích. Đó không phải là mục đích dạy sử. Chỉ yêu cầu các em sắp được theo thứ tự những triều đại lớn, thuộc thế kỷ nào, những trận đánh lớn, những nhân vật có ảnh hưởng.
Những sự kiện nhỏ, những nhân vật không quan trọng, những ngày tháng cụ thể không nên yêu cầu học và nhớ. Em nào yêu thích thì sẽ tự động tìm hiểu thêm. Giống như âm nhạc hay bóng đá, đâu phải ai cũng có thể thấu đáo tất cả, chỉ những bạn trẻ thật yêu thích mới có thể nhớ hết từng chi tiết, từng nhân vật, và đó là sở thích cá nhân, không phải là kiến thức chung cần biết.
Ở lớp lớn, các em phải biết viết luận văn về sử. Môn sử không phải chỉ là môn học thuộc lòng nhàm chán. Nên yêu cầu các em viết những bài bình luận, lý giải những sự kiện, những quyết định lịch sử. Ngoài ra có những dạng bài tóm tắt, bình về những trận đánh, những nhân vật. Dĩ nhiên đây sẽ là những bài viết dài có thời gian một đến vài tuần, yêu cầu các em phải làm việc như những nhà nghiên cứu. Bộ sẽ cần in những sách đọc thêm.
Ngoài ra, có thể yêu cầu các em đọc những tiểu thuyết lịch sử có giá trị (chỉ đọc chương nào có liên quan đến bài đang học), hoặc những biên cứu, những áng văn sử. Sau đó, yêu cầu viết phân tích và bình luận. Chúng ta sẽ không yêu cầu các em viết đúng và sâu sắc như những nhà sử học. Nhưng những hoạt động trên sẽ giúp các em “thấy sử và suy nghĩ, tự đặt mình vào bối cảnh xưa và dự phần định đoạt cùng cha ông”.
Với những kiến thức sống động, những bài học đời hữu ích, khi các em phân tích sẽ thu được nhiều cho bản thân hơn là chỉ học một bài sử vô hồn. Đó là những tri thức mà các em sẽ nhớ suốt đời vì mình có dự phần.
Rèn luyện trí não như vậy sẽ đào luyện những nhà chính trị, luật sư, nhà báo, kinh tế, tướng lĩnh quân sự, biên kịch phim, đài truyền hình trong tương lai. Thực tế, rất nhiều ngành nghề yêu cầu phải nắm vững về sử và họ đang phải ra tiệm sách hoặc vào thư viện hằng ngày. Tại sao ta không giúp định hướng cho các em ngay từ những ngày còn học trong trường thay vì thờ ơ với nó, để rồi đến khi nghề nghiệp cần lại chạy đôn chạy đáo tra cứu.
Một bạn đọc
Source: Báo Tuổi Trẻ