(Dân trí) – Sau khi Mỹ bị Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm về nợ công, các cường quốc kinh tế đã phải cấp tốc tìm cách trấn an giới đầu tư vì sợ rằng các thị trường chứng khoán có nguy cơ “sụp” khi mở cửa lại ngày hôm nay, 8/8, sau kỳ nghỉ cuối tuần.
Standard & Poor’s hôm 5/8 đã hạ thấp điểm tín nhiệm nợ công của Mỹ từ mức tốt nhất là AAA xuống còn AA+, với lý do là giải pháp cho món nợ công khổng lồ của nước này (hơn 14.500 tỷ USD) bị tác động bởi các rủi ro chính trị”.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, dù việc Standard & Poor’s hạ điểm nước Mỹ là điều đã được các thị trường dự kiến, nhưng khi hành động đó thực sự xảy ra, các thị trường sẽ không tránh khỏi bị chấn động.
Trong hai ngày cuối tuần qua, từ nhóm G 7, G20, cho đến Ngân hàng Trung ương châu Âu, chính phủ các nước…, tất cả đều cố gắng liên lạc lạc với nhau.
Nguy cơ các thị trường sụp đổ vào ngày hôm nay, thứ Hai 8/8, như đã được dự báo tại thị trường chứng khoán Tel Aviv – Isreal. Là một trong những nơi hiếm hoi mở cửa ngày chủ nhật, 7/8, thị trường này đã bị mất hơn 6% trong phiên giao dịch.
Nhiều nhà kinh tế lo sợ một vòng xoáy đi xuống của thị trường. Theo ông Paul Dales, chuyên gia phân tích tại Capital Economics có trụ sở tại Mỹ thì chắc chắn là quyết định của Standard & Poor’s sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính khi mở cửa vào thứ Hai.
“Trong tình hình các thị trường chứng khoán trên đà đi xuống vào những ngày qua, tin xấu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới dĩ nhiên sẽ làm cho tình hình trở nên nguy hiểm, buộc các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ phải khẩn cấp phối hợp hành động”, ông Paul nói.
“Cuộc vỡ nợ mặc định ở Mỹ đã không xảy ra – trong những phút cuối đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã đạt được đồng thuận về nâng trần nợ chính phủ. Nhưng vấn đề gia tăng nợ quốc gia của Mỹ vẫn chưa được giải quyết.”
Như vậy là bối cảnh chung cho thị trường chứng khoán thế giới rất ảm đạm: lần đầu tiên trong lịch sử, Hãng đánh giá quốc tế Standard & Poor đã hạ bậc chỉ số uy tín tín dụng của Mỹ; Tại châu Âu, tiếp theo Hy Lạp, các nước khác cũng rơi vào vũng lầy nợ. Italia – nước lớn thứ ba về trái phiếu chính phủ (sau Mỹ và Nhật Bản) cũng đang có vấn đề về khả năng thanh toán.
Thực tế là tại thời điểm này, khác với trước, thị trường châu Á cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù, như một quy luật, trong tình huống khủng hoảng như vậy, châu Á là khu vực “tiên phong” đảo ngược xu hướng.
Giám đốc bộ phận phân tích của công ty Nord-Capital của Nga, ông Vladimir Rozhankovsky nhận xét: “Trong giai đoạn trước, khi diễn ra những điều chỉnh tương tự, châu Á dễ dàng thu nhận chứng khoán nguyên liệu, bao gồm cả dầu mỏ. Hiện giờ điều này đã không xảy ra”.
“Tôi chỉ có thể mô tả một thực tế là các nhà đầu tư châu Á hoảng sợ trước tình trạng không rõ ràng đang diễn ra hiện nay. Khi có một cuộc tấn công vào bất kỳ loại tài sản nào đó, dầu mỏ chẳng hạn, châu Á sẵn sàng mua vào vì họ biết rằng đây là âm mưu của các nhà đầu cơ. Nhưng một khi tất cả các loại tài sản đều giảm giá đồng loạt – một “cơn bão hoàn hảo” – thì châu Á bắt đầu lo ngại. Bởi vì trong trò chơi này, không ai muốn là người cuối cùng.”
Thị trường vốn toàn cầu mất khoảng 2.500 tỷ USD trong tuần qua. Mức độ suy giảm mạnh như vậy được ghi nhận lần cuối cùng vào tháng 11/2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm.
Số tiền thất thu từ thị trường tương đương với kích thước nền kinh tế của một nước châu Âu, ví dụ như Pháp.
Theo các nhà phân tích, đây chưa phải là điểm dừng cuối cùng. Sự tụt giá trên các thị trường toàn cầu vẫn còn tiếp diễn.
Source: Báo Dân Trí