Thị trường giáo dục Việt Nam từ lâu đã không còn là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước, các trường Dân lập tư thục được thành lập ngày càng nhiều, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế cũng dần chen chân vào thị trường đầy tiềm năng này.
Giáo dục là hàng hóa dịch vụ mà sinh viên là khách hàng
Trong khi một số nhà quản lý không tán thành quan điểm coi giáo dục là một hàng hóa thì trên thực tế, việc cải tiến chất lượng giảng dạy, cập nhập chương trình đào tạo, dịch vụ hỗ trợ sinh viên đang là những yếu tố quyết định tạo nên sự khác biệt cạnh tranh trong thu hút lượng hồ sơ đăng ký vào các trường mỗi năm.
Nếu như các trường ĐH công lập dựa vào thương hiệu và niềm tin của cộng đồng trên lịch sử giảng dạy làm giá trị cạnh tranh, thì các trường ĐH ngoài công lập lại đẩy mạnh đầu tư tài chính để nâng cao cơ sở học tập, tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao kiến thức, tiếp cận được chương trình giáo dục của các trường ĐH trên thế giới. Một số khác tập trung vào việc phát triển hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các tổ chức giáo dục, các trường ĐH danh tiếng trên thế giới cùng phát triển chương trình đào tạo tại Việt Nam hoặc xây dựng trường ĐH riêng – những ĐH thuộc “đẳng cấp quốc tế”.
Nhận thức được sự cần thiết đổi mới và đã thực thi nhiều biện pháp cải tiến, song thị trường giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt ở chất lượng đầu ra của sinh viên.
Trong khi thị trường nhân lực hiện nay đa phần không coi trọng bằng cấp, mà đánh giá tuyển dụng dựa trên khả năng thích ứng với môi trường làm việc, tư cách nghề nghiệp… thì giáo dục Việt Nam dù được “chăm chút” đầu tư hơn, vẫn chưa thể thoát khỏi “tính hàn lâm giáo dục” cố hữu. Sinh viên ít được chú trọng phát triển kinh nghiệm làm việc thực tế, kinh nghiệm nghiên cứu và không được bổ sung kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm…
Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mặc nhiên chấp nhận trình độ của sinh viên ra trường chỉ ở mức học thuật, chấp nhận bỏ thời gian đào tạo lại để đáp ứng được các yêu cầu công việc thực tế. Số ít tập đoàn kinh tế lớn thì lập nên ĐH riêng, vừa để phục vụ nhu cầu nhân lực cho chính doanh nghiệp, vừa để khai thác thị trường giáo dục đầy tiềm năng mà họ có lợi thế giải quyết các vấn đề nhức nhối của thị trường: tính thực tiễn ứng dụng trong giảng dạy.
VTC “chen chân” vào thị trường Giáo dục – Sự mạo hiểm của “đại gia” hay đầu tư bài bản?
Sau Công ty CP FPT, Tổng công ty truyền thông Đa phương tiện VTC cũng đã nhảy vào thị trường Giáo dục, đầu tư phát triển toàn diện các cấp từ THPT đến ĐH và đào tạo nghề với mục tiêu sẽ đi đầu trong đào tạo các chuyên ngành thế mạnh của VTC như: Truyền hình, Truyền thông – Viễn thông, Công nghệ và Nội dung số.
Trong suốt năm 2010 đến nửa đầu 2011, VTC đã tích cự tham gia đồng hành cùng giáo dục, phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, sinh viên cả nước như: Giải bóng đá sinh viên VN – VTC Cup, Miss Teen, đặc biệt là cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet, thu hút được hơn 4 triệu người tham gia.
Kỷ niệm 1 năm VTC Đồng hành cùng Giáo dục và lễ ký kết hợp tác giáo dục VTC – ĐH Glyndwr (Anh)
Cuối năm 2010, VTC trở thành nhà Đầu tư chiến lược cho trường ĐH Văn Hiến – một ĐH tư thục ở TP.HCM, mở ra các khoa mới đào tạo những chuyên ngành mà VTC có thế mạnh như: Công nghệ và Nội dung số, Quản trị truyền thông… chính thức đánh dấu “bước chân” đầu tiên vào thị trường giáo dục của “ông lớn” ngành Truyền thông và Công nghệ.
Nếu như ở cấp đào tạo chính quy, VTC đầu tư vào ĐH Văn Hiến và trường THPT Lê Quý Đôn (Nghệ An) thì ở cấp đào tạo nghề, VTC đã thành lập Học viện Công nghệ và Nội dung số VTC (VTC Academy) tập trung đào tạo chuyên sâu các nhóm ngành đang là xu hướng mới trong lĩnh vực CNTT như: Game Development (lập trình Game), Mobile Application Development (lập trình ứng dụng Mobile), 2D Design and Animation (thiết kế 2D và hoạt hình), 3D Game Design and Animation (thiết kế 3D Game và hoạt hình) và Application Development (lập trình ứng dụng phần mềm và web).
Chỉ nhìn vào các lĩnh vực đào tạo đã thấy VTC khá “khôn khéo” khi nắm bắt được xu hướng công nghệ và thị hiếu của thị trường để xây dựng nên khóa học. Với sự “đổ bộ” của các smartphone mà đi đầu là các sản phẩm di động của Apple như iPhone, iPad…, các hãng sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ “ồ ạt” cho ra mắt kho ứng dụng di động riêng của mình với tốc độ phát triển lượng download hàng năm lên tới 92%. Nhu cầu nhân lực cho phát triển ứng dụng di động có thể nói đang là vấn đề “nóng” nhất của thị trường CNTT thế giới cũng như ở Việt Nam. Chưa kể đến xu hướng tự phát triển sản xuất Game Việt, sự “thống trị” của các sản phẩm 3D… đều là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhân lực trong các nhóm ngành đào tạo của VTC Academy “nóng” lên hơn bao giờ hết.
Điểm khác biệt căn bản trong định hướng đào tạo của VTC là phát triển và áp dụng triệt để mô hình đào tạo kết hợp giữa “học thuật” và “thực tiễn”. Các học viên của VTC Academy sẽ học tại trụ sở làm việc của hơn 1000 cán bộ công nhân viên các phòng ban thuộc Khối Nội dung số VTC. Với tiềm lực của một “ông lớn”, VTC huy động các bộ phận và các công ty thành viên tham dự vào quá trình đào tạo trong từng lĩnh vực liên quan đến bộ môn. Các đơn vị này sẽ cung cấp chuyên gia, hỗ trợ giảng dạy, là nơi triển khai các dự án theo hình thức huấn luyện thực tế. Học viên sẽ được tham gia làm việc trực tiếp vào các dự án đang triển khai trên thị trường. Qua đó sẽ tích lũy được kinh nghiệm làm việc, nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường thực.
Chuyên gia nước ngoài làm việc tại VTC Studio đang hướng dẫn nhân viên
Một hình thức bổ túc kiến thức ngoài những kiến thức học tập chính quy đang được áp dụng trên hầu hết mọi đối tượng học sinh ở Việt Nam hiện nay là “gia sư” cũng được VTC Academy tích hợp vào mô hình đào tạo của mình. Mỗi học viên đều được một giảng viên/sinh viên khóa trên hỗ trợ kèm cặp trong suốt quá trình học tập nhằm củng cố kiến thức, định hướng tự nghiên cứu và giải đáp các vướng mắc về học thuật, hướng dẫn thực hiện dự án.
Không bỏ qua xu hướng hội nhập hợp tác quốc tế, ngày 30/05/2011, VTC đã chính thức ký hợp tác liên kết đào tạo toàn diện với ĐH Tổng hợp Glyndwr (Anh quốc). Theo đó, ĐH Glyndwr sẽ hỗ trợ VTC phát triển giáo dục các cấp trong các lĩnh vực mà cùng có 2 bên có thế mạnh. Đồng thời hợp tác phát triển các dự án nghiên cứu, xây dựng cộng đồng chuyên ngành với sự tham gia trực tiếp của các giáo sư hàng đầu Glyndwr.
Để khẳng định cho chất lượng giáo dục với khá nhiều giá trị được coi là độc đáo và duy nhất, VTC cam kết tuyển dụng những học viên có kết quả học tập đạt loại khá trở lên với mức thu nhập không dưới 10 triệu/tháng, cam kết được ký khi học viên nhập học được áp dụng cho cả hệ ĐH (ĐH Văn Hiến) và hệ đào tạo nghề (VTC Academy).
VTC Academy và đại diện ĐH Glyndwr đàm phán các phương án hợp tác đào tạo
Trong khi hệ thống đào tạo chính quy đang rục rịch chuyển mình nhằm cải tiến giá trị cạnh tranh để thích ứng với thị trường mở cửa thì các tổ chức doanh nghiệp kinh tế lớn đã nhảy vào thị trường Giáo dục với những lợi thế hơn hẳn về tiềm lực và kinh nghiệm thị trường, mở ra xu hướng “mình đào tạo mình dùng” hay “tự cung tự cấp”. Việc tham gia đầu tư của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội sẽ đem lại sự đa dạng hóa lợi ích cho người tiêu dùng sản phẩm giáo dục, mà cụ thể là học sinh – sinh viên.
Source: Báo Dân Trí