“Khách lạ” trong thế giới ảo – Kỳ 2: Cuộc sống ảo và cái chết thật

TT – Second Life (tạm dịch: Cuộc sống thứ hai) là một game nhập vai trực tuyến mô phỏng cuộc sống ngoài đời thực với kỹ thuật không gian ba chiều 3D. Người chơi có thể tạo ra Avatar (hình ảnh đại diện của mình) và điều khiển theo ý mình. Mọi người có thể tương tác với nhau thông qua hình ảnh đại diện đó.

“Khách lạ” trong thế giới ảo – Kỳ 2: Cuộc sống ảo và cái chết thật


>> Kỳ 1: Mê con ảo, bỏ bê con thật

Bức ảnh của Carmen Hermosillo (Phải) và một trong những avatar của cô tại lễ truy điệu – Ảnh: Alphaville Herald

Hấp lực của thế giới ảo

Trước khi bước vào Second Life, Carmen Hermosillo, một phụ nữ sống tại California, Mỹ từng tham gia một cộng đồng ảo trên Internet có tên The Well – một trong những cộng đồng ảo lâu đời nhất và nổi tiếng với những diễn đàn internet. Thời gian đó cô đã viết rất nhiều bài phê bình về The Well để cảnh báo ảo tưởng về tính chân thực trong những mối quan hệ ảo. “Những phụ nữ trong The Well cảm nhận sự quan tâm của người đàn ông ở một vài mức độ. Nhưng quan trọng hơn hết, họ tin vào sự chân thực ở cái biểu tượng của người đàn ông và cố gắng làm cho nó trở nên thật nhiều ý nghĩa, bằng cách để avatar làm thật nhiều hành động lãng mạn, trong đó có cả làm tình với biểu tượng của người đàn ông. Và mối quan hệ trong game đã ảnh hưởng đến họ. Trong khi các avatar hành động thì những chủ nhân của nó lại luôn có cảm giác đang làm thế. Họ cảm thấy đau đớn khi nó kết thúc một cách đáng thất vọng…”. Carmen thấu hiểu điều đó bởi chính bản thân cô đã từng “thất tình” vì những mối quan hệ ảo trên mạng.

Một ngày khi tìm thấy Second Life, Carmen thấy đó là một thế giới tuyệt vời hơn cả The Well. Người sử dụng được trao cho “quyền năng” tạo ra những gì họ muốn. Tạo ra những vật thể với hình dạng bất kỳ, dệt ra chúng, thậm chí viết ra cả một kịch bản cho chúng. Như ngoài đời thực, họ có thể làm tất cả những gì mình muốn. Xây nhà, lập công ty, buôn bán… Và người chơi có thể tùy ý thay đổi diện mạo cho nhân vật để trông xinh đẹp và nóng bỏng nhất.

Tham gia Second Life, Carmen không chỉ xây nhà, cô tập hợp cả một đội quân những người bạn giúp cô xây dựng một thành phố Pháp cổ xưa tráng lệ trên một hòn đảo. Và họ cùng nhau nhập vai thành các nhân vật trong thành phố ảo ấy: công tước, hiệp sĩ, vệ sĩ riêng và cả thượng tướng hải quân.

Một vài thành viên của vương quốc Second Life như Carmen, với hiểu biết sâu về công nghệ thông tin liên lạc và lập trình đã bắt tay để xây dựng những tiểu vương quốc ảo. Ở đó avatar của Carmen đã gặp và kết đôi với Riz – một avatar khác. Cả hai là đồng sáng lập một cộng đồng nhập vai khổng lồ được biết đến với cái tên Gor – tên một địa điểm hư cấu trong loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của John Norman, tiểu thuyết gia người Anh. Nô lệ của Gor (The slaves of Gor) là cuốn bán chạy nhất trong loạt tiểu thuyết nói về một hành tinh với chế độ chiếm hữu nô lệ tình dục. Khoảng 300 hòn đảo trong Second Life với khoảng 50.000 cư dân đã tham gia cộng đồng mang tên Gorean. Cộng đồng Gorean gắn chặt với những giáo điều có trong thế giới quyển tiểu thuyết của Norman.

Theo nguyên tắc chung, những giáo chủ Gorean chọn nô lệ để phục vụ nhu cầu tình dục của mình. Những nô lệ trong Second Life mặc trang phục gợi cảm và phải phục dưới chân giáo chủ cho đến khi được yêu cầu nói hay phục vụ giáo chủ. Họ có cả một ngôn ngữ riêng, Ví dụ như từ nữ nô lệ tình dục gọi là “kaijira”. Nhưng sản phẩm văn hóa gây ấn tượng mạnh nhất trong Gorean là từ “collar” – quan hệ tình dục. Khi giáo chủ chọn một nô lệ, ông ta “collar” cô ta. Trong Gorean, Riz là giáo chủ và Carmen là một kaijira.

Carmen hoàn toàn ý thức được những gì cô đang làm trong Second Life sau những gì cô đã trải qua khi tham gia The Well. Nhưng lẽ ra phải luôn tỉnh táo trong một trò chơi ảo thì Carmen lại ngày càng chìm đắm trong mối quan hệ với Riz. Mối quan hệ của cô và Riz vượt khỏi tường rào Gorean vào trong thế giới thực. Họ nói chuyện điện thoại với nhau vài lần trong ngày và rõ ràng Carmen đã yêu Riz sâu sắc. Bạn bè cô chờ đợi mối quan hệ này đổ vỡ để kéo cô ra khỏi trò chơi này.

Bến bờ ảo vọng

Đã có lúc xảy ra vài chuyện tưởng như là tín hiệu khả quan chứng tỏ Carmen đã sáng suốt và hoàn toàn làm chủ bản thân. Cô trở thành một thành viên nhiệt tình trong việc lập ra nơi lưu trú cho những người bị hành hạ trong cộng đồng Gorean. Cô trả tiền thuê cả một nhà tâm lý học, đưa vào trong thế giới Gorean để nói chuyện với những nô lệ trong Gorean, giúp họ vượt qua sự lạm dụng của giáo chủ. Cô đã cảnh báo mọi người. Trong thời gian đó Carmen thậm chí tâm sự với em gái cô sẽ rời bỏ Second Life. Nhưng ý thức được không có nghĩa là có thể giữ cho mình khỏi sai lầm. Công việc không tốt, mẹ cô qua đời, Carmen nộp đơn tìm việc mà không có kết quả. Và với tất cả chán nản cô lại tìm đến với Riz.

Trước đó Carmen đã viết một bài báo cho Second Life Herald với tiêu đề “Lời thú tội của một nô lệ Gorean”, kể chi tiết về những trải nghiệm làm một nô lệ trong trò chơi. “Những nô lệ không dễ dàng rời bỏ giáo chủ nhưng trên thực tế họ có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào. Một giáo chủ già dặn từng nói: “Bạn nên nhận ra rằng khi bạn đặt một collar lên một ai đó, ngay cả khi chỉ là online thì thực tế bạn đang giao cấu với con người thực”. Tôi không muốn bàn cãi lời nói của giáo chủ. Tôi chỉ muốn nói rằng: có quá nhiều điều kỳ bí trong thế giới này”. Cô rõ ràng đã lường trước được nguy hiểm của mối quan hệ ảo, nhưng khi Riz biến mất khỏi trò chơi thì Carmen đau khổ thật sự. Cô đã bị loại bỏ bởi chính giáo chủ của mình!

Hai tuần sau khi bị Riz bỏ rơi, suốt buổi chiều 8-8-2008 cô bắt đầu xóa hết tài khoản trên mạng của mình, ít nhất là chín cái và sau đó ra đi trên chiếc giường trong căn hộ ở California. Theo kết luận từ cơ quan điều tra, nguyên nhân chính thức gây ra cái chết của cô là chứng loạn nhịp tim và chứng lupus ban đỏ. Họ không khám nghiệm tử thi của cô và một số người thân cận với cô không tin đây chỉ là một tai nạn.

Nhà văn – nghệ sĩ người Mỹ Stephen Meadows, người từng viết cuốn sách nổi tiếng về những cộng đồng ảo và giáo sư triết học Peter Ludlow cho đó là vụ tự tử. Em gái của Carmen, một cựu nhân viên trong ngành cảnh sát, cũng nói chị cô từng có kết quả xét nghiệm và không nghĩ chị ấy bị lupus ban đỏ. Nhân viên điều tra nói rằng Carmen chết ngày 10-8-2008 nhưng cô em gái biết chị mình đã ra đi từ ngày 8-8-2008, ngày Carmen không còn trả lời email cho em gái lúc 4 giờ chiều nữa.

Có một thực tế là Carmen đã sống gần như cả quãng đời trưởng thành của mình trong thế giới ảo. Và cô đã bị bao trùm trong những bi kịch cùng những nguy hiểm bởi chính cái avatar mà cô tạo ra. Trong sự tổn thương, Carmen đã nhầm lẫn giả thành thật, nó đã đưa cô đến bến bờ của cái chết đầy ảo vọng…

VŨ THỦY tổng hợp

—————————————————

Cô ca sĩ dễ thương, rất phong cách và có một đĩa đơn ngất ngưởng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng âm nhạc ở Nhật. Nhưng ngôi sao nhạc pop ấy lại chỉ là một hình ảnh không gian ba chiều.

Kỳ tới:  Cơn sốt thần tượng ảo

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.