TT – Đó là một trong những nội dung của nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 100/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, vừa được Chính phủ ban hành.
Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được bảo hộ
Theo đó, nghị định mới quy định rõ các loại hình nghệ thuật ngôn từ được bảo hộ bởi Luật sở hữu trí tuệ gồm: truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, sử thi, thần thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố và các hình thức thể hiện tương tự khác. Ngoài các loại hình nghệ thuật biểu diễn như tuồng, chèo, cải lương, điệu hát, điệu múa, vở diễn, thì các trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian…cũng sẽ nằm trong phạm vi bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ.
Theo nghị định, người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải thỏa thuận về thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và người sử dụng được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu của mình. Người sử dụng được chủ sở hữu cho phép sẽ được quyền tạo ra các bản sao bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.
Nghị định sửa đổi cũng quy định thời hạn 50 năm đối với việc bảo hộ quyền tài sản và quyền nhân thân đối với tác phẩm di cảo, tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng. Nếu tác phẩm chưa công bố thì thời hạn bảo hộ là 50 năm kể từ khi tác phẩm được định hình. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11.
HÀ HƯƠNG – L.C.
Source: Báo Tuổi Trẻ