TTO – Câu chuyện trò chơi tập thể “nhạy cảm” vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của bạn đọc. Trong nhiều ý kiến gửi về, có không ít chia sẻ của các cán bộ Đoàn – những bạn trẻ vốn rất quen thuộc với các trò chơi tập thể, thậm chí làm quản trò.
“Người trong cuộc” nói gì về trò chơi tập thể “nhạy cảm”?
Tuổi Trẻ Online mời các bạn theo dõi các ý kiến này và thông tin về trò chơi “hít đất đôi” đang bị phản đối tại Singapore.
>> Trò chơi tập thể: ngoài giải trí cũng nên học được điều gì đó
>> Xôn xao clip trò chơi… bú sữa
Lớp học “Trò chơi hòa bình” do các thầy cô Ấn Độ đến từ tổ chức Play for peace (tạm dịch: Vui chơi vi hòa bình) thực hiện mang theo những thông điệp nhân văn vào tháng 8-2011 – Ảnh: Dana R.H. Doan |
Trò “hít đất đôi” khiến một số nữ sinh ở Singapore bật khóc vì ngượng vào tháng 9-2011 – Ảnh: EV |
Xem video – Nguồn: YouTube |
Giá trị nhân văn từ những trò chơi tập thể
Tôi là cán bộ Đoàn, từng tham gia nhiều cuộc sinh hoạt tập thể. Nhưng những trò chơi tập thể khiến tôi tâm đắc nhất là học được từ lớp học “Trò chơi hòa bình” của các thầy cô người Ấn Độ đến từ tổ chức Play for peace (tạm dịch: Vui chơi vì hòa bình, gọi tắt là PLAY). Lớp học do Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN tổ chức cho các bạn trẻ làm việc tại các tổ chức xã hội, làm công tác tình nguyện vì trẻ em vào tháng 8-2011 tại TP.HCM.
Hai giảng viên Agyatmitra Agyat và Swati Bhatt đã giới thiệu nhiều trò chơi tập thể sinh động ở châu Á, châu Phi. Điểm dễ nhận ra là dù đến từ nhiều quốc gia khác nhau, so với các trò chơi tập thể ở VN, các trò chơi này vẫn khá giống nhau về hình thức.
Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt. Chẳng hạn: ở nước ta có trò chơi “đùng – á” mô phỏng hình ảnh bắn súng – bị thương, thì cùng trò chơi đó nhưng đã chuyển thành hình ảnh con voi, con thỏ, con khỉ… rất dễ thương (người quản trò chỉ vào ai và gọi tên con gì, người chơi phải làm động tác mô phỏng hình ảnh của con vật ấy). Ở VN, người mắc lỗi sẽ bị phạt, còn ở đây, người mắc lỗi sẽ đứng ra giữa vòng tròn làm quản trò.
Theo thầy Agyatmitra Agyat, triết lý của các trò chơi này là không có người thắng, người thua, không có ai ngoài cuộc chơi. Các trò chơi đề cao sự bình đẳng, cho người chơi cảm giác được tôn trọng và niềm vui trọn vẹn. Mọi người đều có cơ hội rèn luyện sự tự tin khi luân phiên quản trò. Các trò chơi cũng tuyệt đối tránh xu hướng bạo lực, hình ảnh về chiến tranh, những ấn tượng tiêu cực về tâm lý cho trẻ em…
Hơn 10 năm nay, Agyatmitra Agyat và Swati Bhatt đi qua nhiều nước, dùng các trò chơi tập thể của mình hàn gắn những cộng đồng gặp mâu thuẫn, giúp đỡ nhiều trẻ em vượt qua những cú sốc tâm lý như thiên tai, bạo hành, lạm dụng tình dục…
Như vậy, khi được quan niệm đúng và ứng dụng phù hợp, các trò chơi tập thể không đơn thuần để giải trí mà còn để giáo dục, chia sẻ những thông điệp về hòa bình, nhân văn.
HUỲNH TỊNH HOÀI NHÂN
Trò chơi tập thể phải mang tính giáo dục, thẩm mỹ
Khi xem video clip trò chơi bú sữa, tôi thấy những anh chị sinh viên tình nguyện này đâu phải trẻ con. Đã là người lớn thì làm việc gì cũng nên suy nghĩ cho cẩn thận, hơn nữa các anh chị còn là sinh viên – thanh niên tình nguyện.
Trò chơi giải trí còn phải mang tính giáo dục và thẩm mỹ. Rõ ràng với việc đặt bình sữa vào chỗ “nhạy cảm” của bạn gái, cộng với bạn nam bú “nhiệt tình”, mắt khép hờ thì người xem sẽ hiểu sang ý nhạy cảm khác.
NGUYỄN HOÀI BẢO
HÌnh ảnh chụp từ clip bạn trẻ chơi trò bú sữa |
Không có gì là phản cảm
Tôi là chiến sĩ của nhiều chương trình tình nguyện trong nước, quốc tế. Trò chơi bú sữa này hết sức bình thường với các chiến sĩ tình nguyện.
Các sinh viên tình nguyện thường nghĩ ra các trò chơi mới lạ, hấp dẫn, mang tinh thần đoàn kết tập thể cao để khuấy động ngọn lửa nhiệt tình. Chỉ có những người chưa từng trải qua thời sinh viên mới nhìn vào đã la lớn “phản cảm”, “mất hình tượng”.
Sinh viên là những người có giáo dục thì họ phải biết chịu trách nhiệm với những thứ họ nghĩ ra, không cần người khác bình phẩm.
NGÔ LÊ MINH HẢI
Singapore: Trò chơi tập thể nhạy cảm bị lên án “Hít đất đôi”, ăn bánh qui từ miệng người đối diện, ôm những người bạn khác phái… là vài trò chơi tập thể trong buổi đón tân sinh viên do Học viện Quản lý Singapore liên kết với ĐH London tổ chức cho gần 400 sinh viên giữa tháng 9-2011.
Theo ban tổ chức, mục đích của những trò chơi này là gắn kết sinh viên. Song, một nam sinh viên đã tiết lộ với nhật báo Lianhe Wanbao rằng một bạn nữ tham gia “hít đất đôi” đã bật khóc. Sau đó, cô bạn này đã chia tay bạn trai chỉ vì tham gia trò chơi nhạy cảm này. Đây không phải lần đầu tiên những trò chơi phản cảm bị sinh viên và phụ huynh lên án. Năm 2008, nhiều sinh viên phản ảnh các trò chơi nhạy cảm như vậy hoàn toàn không được báo trước về thể lệ và còn kèm theo những gợi ý trắng trợn rằng hãy kết bạn, hãy tìm một nửa cho mình trước khi nhập học. Tiến sĩ Carol Balhetchet, giám đốc phụ trách mảng thanh niên tại Cơ quan đặc trách về thanh thiếu niên của Singapore, đề xuất sinh viên phải học cách tự bảo vệ, dứt khoát từ chối nếu không thích tham gia trò chơi. Tờ The New Paper của Singapore khảo sát 100 sinh viên và nhân viên văn phòng tuổi từ 17-30 tại Toa Payoh Hub về việc sinh viên tham gia những trò chơi nhạy cảm với người khác phái trong các sự kiện tại trường là điều bình thường hay không. Kết quả có đến ¾ người được hỏi trả lời rằng không chấp nhận việc ấy. DUY KỲ ANH |
Source: Báo Tuổi Trẻ