Có một sân chơi beatbox LTS: Nổi lên ở phương Tây từ thập niên 1980, loại hình beatbox bắt đầu trở thành một môn chơi của giới trẻ Việt những năm gần đây. Ghi nhận của TTCT ở Hà Nội và TP.HCM.

TTCT – Người chơi beatbox ở VN không ít, nhưng có lẽ Minh Kiên là một trong những trường hợp đầu tiên phát hành sản phẩm âm nhạc beatbox của mình.

Có một sân chơi beatbox

LTS: Nổi lên ở phương Tây từ thập niên 1980, loại hình beatbox bắt đầu trở thành một môn chơi của giới trẻ Việt những năm gần đây. Ghi nhận của TTCT ở Hà Nội và TP.HCM.

Album beatbox đầu tiên của Minh Kiên

Minh Kiên trong một buổi biểu diễn beatbox ở Hải Phòng – Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày nhỏ, Kiên thường bị cha mẹ nhốt ở nhà nếu không phải là giờ đến lớp. Sống một mình lủi thủi trong căn nhà hai tầng khiến cậu bé tự bày trò để chơi một mình: một gia đình ghế, gia đình bát đĩa ấm chén hay thậm chí là sách vở… mà trong đó cậu bé vừa thể hiện vai trò là bố, vừa là mẹ, là các con trong nhà. Sau đó là tự nói chuyện, hát hò và nghĩ ra nhiều kịch bản khác nhau trong một gia đình. Thậm chí, cả những câu chuyện mà bố mẹ cậu vẫn nói.

Đã nghĩ mình bị tự kỷ

“Ở một thành phố tập trung nhiều người trẻ nhập cư như Sài Gòn, nơi mà nhịp sống nhanh, môi trường hiện đại, cái gì cũng có thể mua sắm thì thú vui sáng tạo những âm thanh đặc biệt của chính mình là một hình thức khẳng định mình của giới trẻ, trong đó có beatbox”

HOÀNG MINH TUẤN

“Có lẽ vì bị nhốt nên đã có lúc tôi cho rằng mình bị tự kỷ! – Minh Kiên tâm sự – Nhưng tôi không oán trách cha mẹ, mà cho rằng đó là cơ hội để tôi tưởng tượng ra một cuộc sống phong phú với nhiều kịch bản khác nhau”.

Lúc đầu là bắt chước tiếng bố. Bố luôn cao giọng mỗi khi đi làm về thấy nhà cửa bừa bộn do con trai bày ra. Sau nữa là tiếng mẹ. Mẹ luôn vừa nhặt nhạnh đồ đạc, nấu cơm và hỏi những câu chẳng biết dành cho bố hay dành cho cậu bé. Bắt chước như thế và đóng kịch mỗi khi ở một mình về sự cáu giận của bố, đôi khi là tiếng quát tháo, trách móc của mẹ. Hay những cơn nổi giận của cô giáo trong lớp đến những tiếng thút thít của bạn mỗi khi bị cô mắng.

Rồi không chỉ có tiếng những người thân, mà bất kể âm thanh gì nghe được ngoài bốn bức tường cậu cũng bắt chước: tiếng xe máy, tiếng phanh xe, tiếng chó sủa, mèo kêu, tiếng đồ đạc rơi trong nhà, tiếng trống trường và cả tiếng bát đĩa va chạm. Thậm chí, đôi khi nghe đài rồi bắt chước giọng của các phát thanh viên trên đài. Cả những bản nhạc, bài hát trong các chương trình ca nhạc, vừa hát Kiên vừa bắt chước những nốt nhạc dạo, nhạc chờ trong mỗi ca khúc. Sau đó, vừa học hát trên đài vừa tự đánh nhạc miệng cho những ca khúc ấy.

Đến beatbox

Beatboxing – một loại nhạc miệng liên quan tới nghệ thuật tạo ra tiếng gõ của trống, nhịp điệu và âm thanh do sử dụng miệng, môi, lưỡi, giọng. Nó cũng có thể bao gồm cả hát, bắt chước tiếng máy hát hay mô phỏng tiếng kèn, đàn dây và những nhạc cụ khác. Beatboxing hiện nay có liên quan tới văn hóa hip-hop, là một trong những thành phần của hip-hop, mặc dù không chỉ giới hạn trong nhạc hip-hop. Có lịch sử từ sâu xa, nhưng trào lưu beatboxing hiện đại được ghi nhận từ thập niên 1980, với ca sĩ hát rap người Mỹ Doug E. Fresh được gọi là “người beatbox đầu tiên”. Ở VN, loại hình này được gọi gọn là beatbox. (Wikipedia)

Cho đến khi biết được qua mạng về một loại hình âm nhạc gọi là beatbox, Minh Kiên như được cổ vũ. Kiên đầu tư nhiều hơn vào những màn đệm trống, hát và giả các âm thanh của dàn nhạc.

Đầu tiên là những buổi biểu diễn tại lớp, trường THPT. Sau đó là những buổi biểu diễn ở công viên. “Số tiền đầu tiên tôi kiếm được từ beatbox là 50.000 đồng, khi đó tôi đang là học sinh lớp 11” – Kiên tự hào nhớ lại. Với năng khiếu bẩm sinh trong việc “đổi giọng” bất kể giọng nam hay nữ, sau này khi thi đại học, Kiên đã chọn thi vào khoa kịch nói Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Miệt mài theo học diễn kịch, đến cả thầy Hoàng Dũng cũng khuyên nên theo nghề diễn viên kịch nhưng dường như Minh Kiên vẫn yêu beatbox hơn.

Việc học giỏi môn tiếng nói sân khấu và khả năng diễn xuất dường như lại phụ trợ nhiều hơn trong việc phát triển beatbox của Kiên. Việc quan sát hoặc thể hiện tình cảm, sắc thái biểu cảm của từng người cụ thể để có thể nhập vai một cách tốt nhất cũng giúp việc lắng nghe các âm thanh của đời sống trở nên tinh tế và có hồn hơn. Đó là những gì Minh Kiên học được từ khoa sân khấu kịch của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Để có một sân chơi không tốn tiền và không cầu kỳ cho các bạn cùng sở thích, Kiên còn mở lớp hướng dẫn beatbox tại Cung hữu nghị Việt Xô và sinh hoạt CLB beatbox. “Ít nhất cũng tạo ra được một môn chơi không phải đầu tư nhiều tiền bạc, cũng không quá khó để thực hiện, lại có thể tránh được những cám dỗ khác. Ví như trước đây khi bị nhốt trong nhà, tôi không tìm thấy sự thú vị từ beatbox thì có lẽ tôi cũng có thể bị nhiễm một thói quen xấu nào đó như đua xe hoặc game” – Kiên tâm sự.

Trong sản phẩm âm nhạc đầu tiên về beatbox tại Việt Nam mang tên Một thời để nhớ (dự định ra mắt đầu tháng 10-2011), Minh Kiên sẽ trình bày bảy ca khúc, trong đó Kiên vừa hát vừa đệm trống (miệng) cùng một số nhạc cụ: piano, guitar, nhạc cụ điện tử…

HOÀNG ĐIỆP

Âm thanh Sài Gòn

Năm 2009, Hoàng Minh Tuấn chính thức nhận lại vị trí chủ nhiệm Câu lạc bộ beatbox Sài Gòn từ đàn anh – Khoa “crazynoise”. Lúc đó, Khoa cùng nhóm bạn cũ từng tụ tập chơi beatbox chung và lập ra một câu lạc bộ nho nhỏ. Từ đó, nhóm bạn chừng 25 thành viên tiếp tục duy trì sinh hoạt của nhóm cho đến nay. Ban đầu, khá nhiều bạn trẻ tò mò về hình thức biểu diễn này nên tìm đến đăng ký để sinh hoạt.

Mr.T (trái) và Tuấn biểu diễn beatbox – Ảnh nhân vật cung cấp

Tại đây, Tuấn và Mr.T (tên thật là Nguyễn Cường, sinh năm 1989), một thành viên trụ cột khác của nhóm, cùng chia sẻ những kinh nghiệm và tập luyện cho những thành viên mới. Tuy nhiên, những bạn trẻ chỉ tò mò, ham vui không thể trụ được lâu với beatbox vì đây là một thú chơi độc đáo nhưng không dễ chút nào. Vì vậy, gần ba năm qua số thành viên chính thức hầu như không tăng thêm bao nhiêu.

Giữa năm nay, Tuấn nhận lời đóng phim, đi hát nên Mr.T tiếp nhận vị trí chủ nhiệm câu lạc bộ. Nhờ có điều kiện kinh tế khá hơn trong cả nhóm nên Mr.T bỏ tiền ra làm phòng tập, đầu tư hệ thống âm thanh nhưng hoàn toàn không thu phí của các thành viên.

Và cũng vì đam mê, Mr.T đã tự tổ chức một giải đấu cho những beatboxer tại Sài Gòn. Giải nhất chỉ là một micro Shure trị giá gần 2 triệu đồng nhưng đã thu hút khá nhiều thành viên mê beatbox tham dự. Tháng 12 tới đây, Mr.T dự kiến sẽ tổ chức giải đấu lần thứ hai cho các beatboxer. Các thành viên của beatbox Sài Gòn đều rất trẻ, hầu hết là học sinh THPT và sinh viên.

Không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn một trò chơi nhằm khám phá bản thân, những tay chơi beatbox còn muốn phổ biến hình thức biểu diễn này đến với công chúng. Mỗi tháng, beatbox Sài Gòn nhận được 3-5 lời mời đi biểu diễn. Với những sự kiện nhỏ, các thành viên giỏi về kỹ thuật được cử đi biểu diễn để có thêm kinh nghiệm trên sân khấu, còn với những sự kiện lớn hơn thì chính Tuấn và Mr.T sẽ biểu diễn.

Mr.T chia sẻ: “Khi thấy chúng tôi diễn, nhiều người nghi là chúng tôi nhép theo thôi chứ làm gì có thể diễn được như vậy. Nhưng khi chúng tôi diễn không có mic, bên cạnh khán giả, nhiều người hết sức ngạc nhiên và tò mò về hình thức biểu diễn này”.

Mặc dù Mr.T bận bịu với việc kinh doanh, còn Tuấn phải tất bật vì lịch tập hát và đóng vai chính trong phim Hạnh phúc quanh đây của đạo diễn Nguyễn Tranh, cả hai vẫn luôn dành mỗi tuần một lần để sinh hoạt với cả nhóm. Hai bạn trẻ tin rằng một ngày nào đó beatbox không chỉ là một thú vui của giới trẻ, mà còn là hình thức nghệ thuật được chấp nhận và phổ biến rộng rãi.

* Vào các ngày 7, 8 và 9-10 sẽ diễn ra vòng loại giải beatbox Việt Nam do X-Game Việt Nam tổ chức. Vòng đấu loại tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 23-10 và vòng chung kết được tổ chức tại nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM) vào ngày 6-11. Beatbox Sài Gòn sẽ có 3-4 thành viên tham gia. Thông tin tham khảo: http://xgamevietnam.vn/BEATBOX.php.

* Những bạn trẻ tò mò về beatbox có thể tham khảo tại địa chỉ: www.beatbox.withme.us.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.