TTO – Về Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) thưởng thức đặc sản rượu làng Vân cùng người dân nơi đây tôi thật sự cảm thấy mình ‘‘say”, không chỉ bởi những ly rượu mềm môi thơm nồng mà còn “say” cái tình, cái nghĩa trong những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu.
Về đất “mỹ tửu” làng Vân
Nét cổ kính làng Vân – Ảnh: N.V.H. |
1. Trải qua mấy trăm năm, ngôi làng cổ kính với những ngỏ nhỏ uốn lượn quanh co bên dòng sông Cầu, những nét hoài cổ, trầm mặc vẫn chưa thể phai mờ trên những bức tường cổ rêu phong.
Rượu làng Vân chẳng uống mà say, nhớ câu quan họ mơ ngày xa xôi, những lời nhắn nhủ, tâm tình được thể hiện trong ca khúc Tình khúc rượu làng Vân, lời thơ Nguyễn Đình Sinh, phổ nhạc Chu Sĩ Phước đã nói lên sự cuốn hút và làm ngây ngất bao nhiêu “tao nhân mặc khách” xa gần của thứ rượu thơm ngon trên miền quê Kinh Bắc. Tôi không phải là người sành rượu, nhưng chỉ một lần thưởng thức rượu làng Vân cũng đủ để không thể quên được hương vị đậm đà đặc trưng, êm dịu và thơm lừng… |
Chiếc cổng làng cũ kỹ đề đôi câu đối Hương Vân mỹ tửu lừng biển Bắc – chiến thắng Như Nguyệt rạng trời Nam vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” như mách bảo rằng đây là vùng đất cổ kính, không gian văn hóa truyền thống của cha ông đã phần nào vương lên chiếc cổng làng đó.
Đặc biệt hơn, người ta còn có thể biết về Vân Hà với những gì độc đáo của miền đồng bằng Bắc bộ, từ trò chơi cướp cầu nước cho đến những ca từ thiết tha của dân ca quan họ và giờ đây là rượu làng Vân với giấc mơ trở thành “quốc tửu”.
Người làng Vân tự hào với nghề nấu rượu có truyền thống hàng trăm năm. Họ khoe rằng dưới các triều đại phong kiến, đây từng là thứ lễ vật để tiến vua và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình.
Vậy nên mới được ban tặng câu “Vân hương mỹ tửu”, nghe kể đó là bốn mỹ tự còn lưu truyền trong nhân dân do vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 24 (1703) đã sắc phong cho sản vật lừng danh hàng trăm năm qua ở xứ Kinh Bắc này. Thứ rượu đặc biệt thơm ngon ấy đã làm “say lòng’’ biết bao người, để rồi hôm nay khi nhắc đến, người ta vẫn chỉ biết đánh giá và đúc kết được duy nhất một câu đó là… mỹ tửu.
Men rượu làng Vân có 35 vị thuốc bắc – Ảnh: N.V.H. |
2. Rượu làng Vân thơm ngon nhiều người biết, nhưng có lẽ câu chuyện về rượu và bí quyết truyền đời thì đến nay chỉ còn bà cụ Tom là thấu đáo hơn cả, 96 tuổi, đã thuộc dạng “xưa nay hiếm” nhưng cụ còn minh mẫn lắm, khi nói về rượu thì dường như cả làng Vân đều phải khâm phục tài năng của cụ. Đặc biệt, chỉ cần nghe tiếng rượu kêu khi rót vào bát là cụ có thể đoán được rượu đó bao nhiêu độ (?), có lẽ trên thế giới những người như thế chẳng có nhiều.
Nay cụ Tom đã già yếu, vừa trải qua một cơn nguy do căn bệnh tuổi già nên công việc nấu rượu hiện con cháu đảm nhiệm. Vừa mới đây thôi bà cụ có khả năng “nghe rượu đoán độ” đã được phong danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, phần thưởng dù hơi muộn nhưng dẫu sao cũng là niềm phấn khởi lớn lao với một người đã sống gần một thế kỷ.
Bà Đỗ Thị Bình, vợ nghệ nhân nấu rượu Nguyễn Văn Tường, cho biết: phải trải qua nhiều công đoạn mới cho ra đời những giọt rượu thơm ngon như vậy. Nhưng dù thế nào thì nguyên liệu chính vẫn phải là gạo, loại gạo nếp cái hoa vàng đặc biệt thơm ngon, đem nấu chín thành cơm rồi trộn đều cùng một thứ men bí truyền có 35 hay 36 vị thuốc bắc, công đoạn này gọi là ‘‘ủ men” trong khoảng 72 giờ rồi đưa lên bếp chưng cất.
Mấy thế kỷ qua, người dân nơi đây luôn ý thức cần phải bảo lưu nghề truyền thống, ngay từ xa xưa, trong gia đình cha mẹ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Bà Bình còn cho hay vào những năm trước đây, cứ mỗi khi tết đến, xuân về người dân trong làng lại mang con gà ra chùa cắt tiết hòa vào rượu để uống và thề sẽ không đem nghề của cha ông truyền ra bên ngoài.
Vì vậy, xưa có câu ca: Trời mưa cho ướt lá khoai/ Đố ai lấy được con trai Thổ Hà/ Trời mưa cho ướt lá cà/ Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân. Nhưng câu ca dao ấy còn phần nào đánh giá cao người phụ nữ Vân Hà thùy mị, hiền lành, giỏi giang…
Đặc sản rượu làng Vân |
3. Về làng Vân lần này, tôi được tiếp đón bằng chum rượu nếp cái hạ thổ thơm lừng… Rượu làng Vân chẳng uống mà say, nhớ câu quan họ mơ ngày xa xôi… – lời bài hát ấy vẫn ngân vang trong lòng mỗi người dân nơi đây, uống rượu và hát quan họ dường như là nét văn hóa truyền thống của người làng Vân.
Mỗi khi nâng chén mời nhau ly rượu, họ lại ý tứ và kín đáo bằng việc hát những câu dân ca quan họ để tỏ tấm chân thành, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Kinh Bắc. Bởi thế, dù bộn bề công việc là vậy nhưng ông chủ xưởng sản xuất rượu lớn nhất ở Vân Hà, Nguyễn Văn Tường vẫn đều đặn tuần mấy buổi tham gia câu lạc bộ quan họ của thôn, xã để rèn giũa chất giọng, cách thức giao tiếp văn hóa quan họ trên bàn rượu.
Về Vân Hà, thưởng thức đặc sản rượu làng Vân cùng người dân nơi đây tôi thật sự cảm thấy mình “say”, không chỉ bởi những ly rượu mềm môi thơm nồng mà còn “say” cái tình, cái nghĩa trong những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu.
Vậy nên, xưa kia các cụ ta là gọi “mỹ tử” là rất hợp, bởi rượu không chỉ cần phải thơm, ngon mà cách ứng xử trong “văn hóa rượu” cũng cần phải đẹp, chẳng thế mà mấy trăm năm về trước các vua chúa lại chọn rượu làng Vân làm thứ để thưởng ẩm trong chốn cung đình quyền quý, cao sang.
Chia tay Vân Hà, lòng tôi vẫn còn bâng khuâng trong lời hát tha thiết và đắm say của người nghệ sĩ đó: Sông Cầu đầy, sông Cầu lại vơi, rượu Vân một chén cả đời vẫn say.
KIM SA
Source: Báo Tuổi Trẻ