TT – Hội thảo khoa học Công tác bảo tồn và phát huy dân ca Nam bộ do Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen – Sở VH-TT&DL TP.HCM tổ chức sáng 25-10 vừa điểm lại những nhu cầu cần thiết phải bảo tồn loại hình văn hóa dân tộc này, thông qua tham luận của các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ và nhà quản lý.
Đề xuất đưa dân ca vào học đường
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng: “Cần có thư viện mở để mọi người đóng góp tư liệu và tìm hiểu dân ca” – Ảnh: L.Điền |
“Nhà nước nên đưa dân ca vào trường học, cần làm cho học sinh VN hiểu dân ca nước ta là gì, và dân ca của ta hay như thế nào” GS Trần Văn Khê |
Giáo sư Trần Văn Khê khái quát tầm quan trọng của dân ca bằng một hình ảnh: dân ca gắn với con người từ sơ sinh cho đến khi trở về cát bụi. Đó là khúc hát ru, những câu hò trong lao động, yêu đương, cả khúc hát của những ông thầy trị bệnh, và khi về chín suối thì hò đưa linh. Dân ca có nhiều chức năng, gắn nhiều với lao động sản xuất, dân ca ra đời không vì mục đích nghệ thuật, nhưng trong kho tàng dân ca lại có nhiều câu rất hay, giá trị nghệ thuật cao và có tính giáo dục.
Từ những giá trị đó, giáo sư Khê đề xuất dân ca Nam bộ cần được bảo tồn tích cực, tức là bảo tồn nhưng phải làm sao để dân ca được sống trong môi trường của dân ca. “Bài hát ru muốn bảo tồn thì phải được hát để ru con, chứ không chỉ học hát ru để thi lấy giải – giáo sư nói thêm – Và cũng không nên nệ cổ, tức trên nền dân ca có thể phỏng tác thêm lời mới, phù hợp với thị hiếu của xã hội đương thời. Nhà nước cũng nên đưa dân ca vào trường học, cần làm cho các học sinh Việt Nam hiểu dân ca nước ta là gì, dân ca của ta hay như thế nào”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục trình bày về nghệ thuật vận dụng âm hưởng dân ca Nam bộ trong ca khúc mới. Căn cứ trên những nhạc sĩ đã thành công ở thủ pháp này, ông nêu ra có ba hình thức vận dụng dân ca trong tân nhạc: lấy cảm hứng từ một điệu dân ca cụ thể rồi phát triển một cách sáng tạo để thành ca khúc mới; lấy cảm hứng từ một vài tiết nhạc hay vài câu nhạc của một bài dân ca Nam bộ nào đó để làm “men tạo thành rượu ngon”; và vận dụng điệu thức, tiết tấu, thủ pháp tiến hành giai điệu, phương pháp chuyển hệ để tạo ra những tác phẩm đậm đà màu sắc dân ca Nam bộ.
Tham luận của giáo sư Đặng Hoành Loan (nguyên viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam) có đề xuất phương pháp bảo tồn thông qua tổ chức sinh hoạt hát dân ca tại các nhà văn hóa xóm ấp. Tiến sĩ Bá Trung Phụ lưu ý mảng đề tài những âm hưởng của dân ca Chăm trong dân ca Nam bộ đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu thấu đáo.
Trong hướng nhìn về cách bảo tồn để phát triển, nghệ sĩ Hải Phượng cho rằng về bảo tồn nguyên trạng thì các bảo tàng có lợi thế, có thể tổ chức phục hồi các trò chơi dân gian, có hát đồng dao, dân ca… nguyên gốc. Đồng thời nên có thư viện mở, lưu trữ các tài liệu về dân ca và âm nhạc truyền thống Việt Nam để những ai quan tâm đều có thể tự do đến tìm hiểu.
Thay mặt lãnh đạo Sở VH-TT&DL, ông Võ Trọng Nam – phó giám đốc sở – ghi nhận các ý kiến, đồng thời giao cho Nhà hát Bông Sen xây dựng một kế hoạch chung, trong đó từ nay đến cuối năm phải lên một chương trình biểu diễn nghệ thuật về dân ca với các bài bản gốc; đồng thời xây dựng nội dung đưa dân ca vào học đường, phối hợp tổ chức thư viện mở.
“Sở VH-TT&DL sẽ yêu cầu Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục làm các phim tài liệu về những nghệ nhân hát dân ca để phát trên truyền hình” – ông Nam cho biết.
LAM ĐIỀN
Source: Báo Tuổi Trẻ