Ba Sở “bắt tay” trị bạo lực học đường

(Dân trí) – Tình trạng học sinh mang hung khí đến trường, tụ tập đánh nhau, gây án mạng,… đang trở thành trào lưu đáng báo động. Trước thực trạng này, 3 Sở ngành của TPHCM đã “bắt tay” nhau trị bạo lực học đường. >> Bạo lực học đường “biến tướng” đặc biệt nguy hiểm >> Bạo lực học đường xuất phát từ… game online?

Tại kỳ họp thứ 19, HĐND TPHCM khóa VII, lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Thông tin truyền thông và Công an TPHCM cho biết sẽ phối hợp với nhau để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM – cho rằng, bạo lực học đường mang tính thời đại. Do ảnh hưởng của lối sống phương Tây xâm nhập vào xã hội Việt Nam đã tác động rất lớn đến tâm sinh lý của học sinh. Mặt khác, do cuộc sống gia đình phát triển theo hướng rời rạc, thiếu gắn bó dẫn đến sự “trống rỗng” trong tâm hồn của trẻ. Vì vậy, nhiều khi buồn vui hay có những điều băn khoăn, các cháu không biết tâm sự hay hỏi ai.

Bạo lực học đường đang làm đau đầu các ngành chức năng

Việc học sinh đánh nhau là chuyện bình thường, không phải là chuyện “xưa nay hiếm”. Tuy nhiên, học sinh đánh nhau có hung khí, tổ chức quay phim, phát tán clip… và có sự tham gia của gia đình như thực tế hiện nay là rất báo động.

 
Trước “vấn nạn” này, ông Huỳnh Công Minh cho rằng, giải pháp tối ưu là đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, thay thế quan niệm “trăm sự nhờ thầy”. Hội phụ huynh cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc gắn kết giữa các phụ huynh, để họ quan tâm hơn đến việc giáo dục văn hóa, nhân cách con mình. Bên cạnh đó, luật pháp cần có những quy định cụ thể, can thiệp sâu bằng cách quy định những điểm kinh doanh trong việc mua bán cho các đối tượng là học sinh như bán gì cho học sinh? tiệm nét, quán café, quán bar có cho phép học sinh lui tới? tới vào thời điểm nào?

Ông Phạm Minh Trí, đại biểu HĐND TPHCM cho rằng giải pháp quan trọng nhất vẫn là giáo dục tâm lý kết hợp với trách nhiệm chăm lo con cái của gia đình.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Bạch cho rằng: “Nhiều giáo viên còn như bà chằn thì làm sao học sinh dám đến gần huống chi nói đến chuyện tâm sự những chuyện khó nói… Tôi đề nghị nên kết hợp vai trò của nhà trường – gia đình – xã hội thì mới “trị” tận gốc bạo lực học đường…”.

Vừa qua, vụ học sinh trường THCS Mạch Kiếm Hùng (Q.5, TPHCM) đánh nhau, trong đó có cả thành viên ban cán sự lớp. Nhiều người cho rằng, cần cân nhắc trong việc lựa chọn ban cán sự lớp, bởi chính những nhân tố này sẽ giúp cho giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình của học sinh một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Nếu chọn một lớp trưởng mà không gương mẫu, còn tham gia đánh nhau như trường hợp ở trường Mạch Kiếm Hùng thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt chung cả lớp.

Theo Sở Thông tin truyền thông (TTTT) TPHCM, các game kiếm hiệp chi phối đến cách hành xử của học sinh. Ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở TTTT cho rằng trò chơi bạo lực nhất là bắn súng, kiếm hiệp… Với những hệ lụy xấu đã xảy ra trong học đường, Sở TTTT đã mạnh tay xử lý khi không cho phép hoạt động gme bắn súng. Cho đến nay, đã có 20 trò chơi game (trong đó có 18 game bạo lực) đã được ngưng hoạt động.

Đại tá Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TPHCM – cho rằng: “Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bạo lực học đường là do văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay đang… có vấn đề”.

Trước thực trạng báo động về bạo lực học đường, tại kỳ họp thứ 19, HĐND TPHCM khóa VII, lãnh đạo 3 Sở ngành: Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở TTTT và Công an TPHCM cam kết sẽ phối hợp tốt để ngăn chặn vấn nạn này.

Công Quang

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.