Sự tích lũy mỡ trong cơ thể tăng lên quá mức thông thường từ năm này sang năm khác cộng với thói quen ăn uống thiếu kiểm soát ở trẻ khiến các mô mỡ mới liên tục hình thành làm trẻ bị thừa cân, béo phì.
Năm 2000, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân chỉ là 2,5%. Đến nay, con số này tăng lên 8,6%. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ này còn cao hơn, ước tính trên 10-15%.
Nguyên nhân
– Yếu tố “di truyền”: Gen không đóng vai trò quyết định việc trẻ bị thừa cân béo phì. Trẻ chỉ bị béo phì khi ăn uống nhiều hơn nhu cầu thực sự của cơ thể. Theo nghiên cứu, trẻ có nguy cơ bị thừa cân cao hơn nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị bị thừa cân béo phì. Thói quen sinh hoạt của gia đình là nguyên nhân chính mang tính “di truyền” dẫn đến hiện tượng trẻ béo phì.
– Thói quen ăn uống: Thói quen ăn uống không chọn lọc là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc phải chứng béo phì. Việc ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn vặt nhiều béo và năng lượng, uống nước ngọt là những nguyên nhân phổ biến. Những loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo, năng lượng và rất ít các dưỡng chất cần thiết khác.
– Thói quen vận động: Một thói quen sinh hoạt thụ động, dành nhiều thời gian cho các hoạt động tĩnh tại nhiều sẽ khiến trẻ dễ béo phì. Điều này thấy rõ ở trẻ thành thị. Việc giảm dần thời gian vận động trong sinh hoạt hàng ngày thay vào đó là các hoạt động như xem TV, chơi game, ngồi trước máy vi tính không những làm hạn chế năng lượng tiêu hao mà còn tạo điều kiện cho trẻ tăng lượng calo dung nạp vào cơ thể bằng việc ăn vặt.
Hậu quả
– Thừa cân lâu năm khi trưởng thành: Nghiên cứu cho thấy, người thừa cân béo phì ở giai đoạn thiếu niên chiếm đa số trong số những người bị thừa cân lâu năm khi bước sang tuổi trưởng thành vì hầu hết trẻ không được điều trị thành công và không được điều trị ngay khi có dấu hiệu thừa cân béo phì.
– Bệnh tiểu đường loại 2 được xem là “bệnh tiểu dường người lớn”. Tuy nhiên, sự xuất hiện của trẻ béo phì mắc chứng tiểu đường loại 2 đã làm thay đổi quan niệm trên. Những trẻ mắc tiểu đường loại 2 có nguy cơ bị các bệnh liên quan đến tim mạch vào tuổi trung niên (30-40 tuổi).
– Bệnh mãn tính: việc thiếu vận động dẫn đến sức đề kháng yếu do dó trẻ dễ bị mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, táo bón. Ngoài những vấn đề về sức khỏe, trẻ bị thừa cân, béo phì còn gặp các vấn đề tâm lý và xã hội như thiếu tự tin, hay bị trêu chọc, bắt nạt, trầm cảm, tự kỷ…
Biện pháp điều trị
Khi quyết định tiến hành can thiệp điều trị thừa cân béo phì ở trẻ cần lưu ý đến một số điểm đặc thù so với điều trị ở người lớn:
– Sinh lý: cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển nên vẫn cần đến các chất dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng chiều cao và hoàn thiện các cơ quan chức năng trong cơ thể. Các can thiệp thô bạo trên chế độ ăn của trẻ làm cắt hẳn nguồn dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển này có thể gây ảnh hưởng đến tầm vóc và cả sự hoàn thiện các hệ cơ quan của bé.
– Nhận thức: trẻ em thường không đánh giá được các nguy cơ của béo phì như người lớn. Những trẻ có “tâm hồn ăn uống” thường ăn theo bản năng, không tuân thủ chế độ điều trị, ăn vụng, đòi ăn, đòi bú, ăn bù, giấu giếm thức ăn để dành ăn dần…
– Tâm lý: trẻ em thường nhạy cảm, tin vào những lời nói và nhận định của những người xung quanh, ngộ nhận thái độ nghiêm cấm ăn uống hay những lời đùa giỡn của người lớn về tình trạng béo phì của mình. Đồng thời tâm thần kinh còn trong giai đoạn phát triển nên các tổn thương về mặt tâm lý thường nghiêm trọng và kéo dài hơn ở người lớn. Trẻ có khuynh hướng tự tìm ra các phương pháp đối phó lại với các lời nói, hành vi chế giễu của mọi người xung quanh.
Hai công việc chính yếu phải thực hiện trong quá trình điều trị béo phì ở trẻ không khác so với phác đồ điều trị béo phì chung, tức là vẫn phải thực hiện các hoạt động nhằm chuyển hóa mỡ dư thừa trong cơ thể thành năng lượng hoạt động, đồng thời phải kiểm soát, ngăn chặn việc hình thành các mô mỡ mới. Đặc biệt với trẻ cần lưu ý thêm một số chi tiết sau:
– Về chế độ ăn: Việc xây dựng một chế độ ăn cho trẻ là cần thiết tuy nhiên không phải nhằm mục đích cắt giảm số năng lượng được cung cấp đến mức tối đa để đạt mục tiêu giảm cân trong điều trị béo phì, vì một nguyên tắc quan trọng trong điều trị béo phì ở trẻ em là không đặt mục tiêu giảm cân mà chỉ làm giảm tốc độ tăng cân. Thực chất, trẻ vẫn ăn chế độ phù hợp với nhu cầu sinh lý của mình hoặc chỉ phải giảm chút ít, đặc biệt vẫn phải đảm bảo nhu cầu đạm và canxi cho trẻ (sữa, thịt, trứng, đậu đỗ…). Những thức ăn cần cắt giảm là những thức ăn quá giàu năng lượng (thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chiên quay, thức ăn ngọt…), thức ăn cung cấp calori rỗng (bánh, kẹo, nước giải khát nhiều đường…), bữa ăn vặt với những thức ăn không cần thiết… Cha mẹ cũng nên lưu ý là thông qua việc quản lý chế độ ăn của trẻ chúng ta có thể tập cho trẻ những thói quen ăn uống tốt, nền tảng của việc duy trì sức khỏe trong suốt đời người. Điều này có ý nghĩa nhiều hơn là việc áp đặt chế độ ăn cho trẻ nhằm giảm cân.
Các chi tiết cụ thể cần lưu ý trong chế độ ăn dành cho trẻ:
– Duy trì cho trẻ uống sữa hàng ngày. Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể đổi sữa béo qua sữa không béo.
– Cho trẻ ăn thịt nạc, các món ăn nên chế biến dưới dạng luộc, hấp, nướng, tránh chiên xào.
– Cho trẻ ăn chung với gia đình, tránh làm thức ăn riêng biệt cho trẻ tạo cho trẻ có cảm giác bị phân biệt, bị cô lập, khi lấy thức ăn cho trẻ nên khéo léo bớt nước váng béo, thịt mỡ, cắt bánh ít kem…
– Tập cho trẻ ăn được nhiều rau, các bữa ăn vặt dùng trái cây thay cho bánh kẹo, nước ngọt
– Chuẩn bị sẵn cho trẻ các bữa ăn nhỏ bằng các loại thức ăn ít năng lượng như trái cây, sữa không béo, khoai, bắp… tránh để trẻ quá đói ăn nhiều vào một bữa dễ dẫn đến tích lũy mỡ.
– Chú trọng bữa ăn sáng, giảm ăn về chiều tối
– Chế độ hoạt động thể lực của trẻ:
Đối với trẻ em việc vận động tập thể dục thể thao với mục tiêu điều trị béo phì thường ít được bé tuân thủ hơn là khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động hoặc gia tăng hoạt động thường ngày. Cách tốt nhất là phối hợp nhiều biện pháp khác nhau để giúp trẻ có một lối sống năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát.
– Hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi, như xem TV, chơi game dưới một giờ mỗi ngày, không cho trẻ ngồi lâu một chỗ
– Khuyến khích trẻ chơi các trò chơi vận động như trốn tìm, chuyền bóng… Hãy giúp trẻ lựa chọn môn thể thao mà trẻ ưa thích nhất và tạo điều kiện để trẻ theo đuổi việc tập luyện.
– Tập cho trẻ làm một số công việc ở nhà, ở lớp phụ giúp gia đình, nhà trường: dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, quét nhà, dọn bàn ăn…
– Cho trẻ đi bộ bất cứ lúc nào, nơi nào có thể: lên xuống cầu thang, đi bộ đến lớp, đi bộ trong công viên…
Trong thực tế trẻ sống cùng một lúc ở 3 môi trường là gia đình, trường học và trong xã hội. Một điều chính yếu là trẻ em không tự quyết định được chế độ ăn và hoạt động của mình mà phải phụ thuộc vào định hướng và hành vi can thiệp của cả 3 môi trường trên. Vì vậy để việc điều trị béo phì ở trẻ có hiệu quả cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của cả 3 thành phần trên.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Long
Source: Báo VNExpress