Vẫn khát nhân lực Công nghệ thông tin

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các công ty chứng khoán, bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên tục cắt giảm, sa thải nhân viên với tần suất và số lượng lớn.

Trong khi đó, CNTT đặc biệt là Nội dung số vẫn tiếp tục tìm kiếm nhân lực chất lượng cao bởi ngành này hầu như không bị ảnh hưởng bởi các cơn bão suy thoái kinh tế.
 
Cung không đủ cầu
 
Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này ngày càng tăng cao do tác động của cả “ngoại lực” và “nội lực”. Theo dự báo về tình hình phát triển nội dung số (NDS) toàn cầu từ 2010 – 2014 Price Water House Coopers, doanh số từ NDS toàn cầu sẽ đạt con số cực kỳ ấn tượng: từ 1,3-1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2014. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có doanh số tăng mạnh nhất.

Tại Việt Nam, năm 2010, doanh thu của lĩnh vực NDS đã chạm mốc 1 tỷ USD. Chỉ sau 5 năm phát triển với tốc độ tăng trưởng trên 50%/năm, NDS đã theo kịp doanh thu của ngành phần mềm – lĩnh vực có “thâm niên” hơn chục năm.
 
Tốc độ phát triển nhanh kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Yêu cầu về nhân lực Công nghệ Nội dung số không đơn thuần là giỏi công nghệ thông tin mà còn cần sự am hiểu tâm lý xã hội, sự sáng tạo đột phá. Nghịch cảnh là trong nước lại chưa có nơi nào đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nguồn nhân lực cho ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ này.
 
Đi tìm nguyên nhân
 
Ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường Đại học FPT đã từng bày tỏ lo ngại sẽ thiếu nhân lực CNTT do số lượng sinh viên đăng ký nhập học ngành này càng giảm. Theo ông Tùng, sau khi đạt “đỉnh cao” vào năm 2007 – 2008, mức độ suy giảm số lượng người nhập học ngành CNTT hàng năm từ 15 – 20%. Đây là con số đáng lo ngại nếu không có giải pháp thu hút học sinh.
 
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT – TT, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng đồng quan điểm về hiện tượng thí sinh CNTT giảm. Ông Thắng cho biết vài năm trở lại đây, thí sinh vào Khoa CNTT của trường Bách Khoa có giảm tuy chưa nhiều nhưng cũng là trăn trở của lãnh đạo nhà trường.
 

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân của việc này đến từ nhiều hướng: do chảy máu chất xám, do độ khắc nghiệt của nghề nghiệp… nhưng chủ yếu vẫn là do chương trình cho đào tạo CNTT chưa phù hợp. Nhà trường mải chăm bẵm đào tạo theo nội dung của riêng họ, không nắm được xu hướng công nghệ mới cần có những nhân lực có chuyên môn bắt kịp… Bên cạnh đó, CNTT thay đổi từng ngày nhưng giáo trình đào tạo tại các trường chậm cập nhật, không thay đổi, còn sinh viên và học sinh vẫn học một cách thụ động. Đào tạo CNTT vẫn thiếu giải pháp đột phá nên xu hướng học sinh “quay lưng” lại với ngành này không phải đáng ngạc nhiên bất chấp nhu cầu nhân lực thì không ngừng tăng cao.
 
Những tín hiệu đáng mừng
 
Không thể trông chờ vào nguồn các nguồn cung “truyền thống” hay số lượng ít sinh viên tốt nghiệp đại học từ nước ngoài trở về, các “ông lớn” trong ngành đã mạnh dạn đầu tư vào đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực cho chính mình và đón đầu xu thế của xã hội như ĐH FPT, ĐH Quốc tế Bắc Hà (do CMC và Viettel đầu tư)…

Mới đây Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VN – VTC cũng thành lập trung tâm CNTT và Nội dung số (VTC Academy). “Sinh sau đẻ muộn” nhưng VTC Academy lại chứng tỏ ưu việt khi tích hợp trong mình nhiều cái mới: mô hình đào tạo (đào tạo trong doanh nghiệp), giáo trình, phương pháp giảng dạy, đặc biệt là các chương trình đào tạo. Trung tâm tập trung vào những ngành mới nhất, hot nhất hiện nay như lập trình Game; Lập trình ứng dụng Mobile; Lập trình ứng dụng web và phần mềm; Thiết kế đồ họa 2D và hoạt hình; Thiết kế đồ họa 3D Game và Hoạt hình. Các khóa học mới liên tục được tuyển sinh, kiểm tra đầu vào cũng hoàn toàn khác thi cử truyền thống với các môn: Toán Gmat, IQ và tiếng Anh.
 
Hơn nữa, VTC Academy còn liên tiếp thực hiện các ký kết quan trọng để khẳng định năng lực đào cũng như mở ra nhiều cơ hội học tập lý tưởng cho học viên như: cam kết tuyển dụng với các học viên khóa đầu tiên với mức lương tối thiểu 10 triệu/tháng; ký hợp tác với Sunderland Collage.
 
Như vậy, bằng những cách đầu tư vào giáo dục, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đang hứa hẹn mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, góp phần hiện thực hóa đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.