PV đã thử học tại một số lớp của vài trường đại học dân lập ở Hà Nội, và thấy… hãi hùng. Một môi trường không dành cho tiếp nhận tri thức. Chỉ hy vọng rằng đó không phải là bức tranh chung của các cơ sở thuộc đại học dân lập.
Trên thầy giảng, dưới trò chơi
Hơn 7 giờ sáng, quần jeans áo trắng, vai đeo ba lô, tôi vào lớp học ở cơ sở trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội) của Trường ĐHDL Đông Đô.
Tôi không xin phép, đi nhanh vào lớp. Thầy giáo không nói gì. Mấy sinh viên gần đó xì xào: “Ai đấy nhỉ? Bạn của ai đấy? Chắc đến điểm danh hộ!”. Tôi tìm một bàn khuất sau mấy bạn sinh viên phía cuối lớp, ngồi nghe giảng.
Dù giờ học đã diễn ra nửa tiếng, nhưng trong lớp mới chỉ có khoảng hơn 20 sinh viên. Phía trên, thầy giáo đang giảng về kiến trúc nhà hát. Phía dưới, một số sinh viên vẫn chạy ra, chạy vào.
Vào lớp muộn gần một tiết như tôi vẫn là sớm, bởi sau đó, còn cả chục sinh viên kéo đến. Cánh cửa sau luôn mở, sẵn sàng cho sinh viên thi thoảng lại “khắc nhập”.
Có sinh viên nhân lúc thầy không để ý, lao vù vào lớp. Có người đường hoàng chậm rãi đi vào. Có người đi vào lớp, ngồi một lát, nghe nhạc, nói chuyện chán lại đi ra, nhập hội hút thuốc, nói tục ngay đầu hành lang. Trong lớp, thầy vẫn giảng bài về Kiến trúc nhà hát.
Tôi nói chuyện với sinh viên bên cạnh, được biết, lớp này thuộc khoa kiến trúc và quy hoạch đô thị. Hôm nay là buổi học cuối cùng, cũng là ngày phải nộp bài tập cho thầy giáo. Vậy mà, đếm trên đầu ngón tay, lớp vẫn vắng như chùa bà đanh.
Đang nghe giảng, bỗng một nam sinh viên lẻn vào từ cửa sau, ngồi xuống cạnh tôi, hỏi: “Đây là lớp nào bạn nhỉ?”. Tôi ngớ người, hình như anh này đi học hộ. “ Lớp Kiến trúc và quy hoạch đô thị bạn ạ” – Tôi đáp. Nghe thế, nam sinh viên mừng rỡ, nói: “Bạn nộp cho mình bài tập này với nhé”. Chưa đợi tôi trả lời, người này vội vã lao ra cửa lớp, về thẳng. Liếc qua bài tập sinh viên này gửi, thấy ghi tên N.M.Đ, thuộc diện học lại (hơn lớp hiện tại tới hai khóa).
Ngay phía trên chỗ tôi ngồi, hai cô nàng đang buôn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Sau cuộc điện thoại, một cô quay sang khoe: “Chị ơi, người yêu em sắp đến rồi”.
Sau đó, hai nữ sinh tiếp tục buôn dưa lê, từ chuyện tóc tai, quần áo đến móng tay, móng chân. Xung quanh, vài nam sinh đang quay sang trao đổi về bóng đá, nhắn tin, chơi game… Nửa trên lớp, một số sinh viên khẽ lắc lư đầu, phiêu theo những bài hát từ đôi tai nghe giấu kín đáo phía sau gáy. Trên bục giảng, thầy giáo vẫn say sưa nói về kiến trúc nhà hát.
Nam sinh viên ngồi cạnh tôi cho biết, thầy giáo cũng hay kiểm tra sĩ số, nhưng giao cho lớp trưởng điểm danh, nên chẳng ai sợ. Ai cẩn thận thì báo một tiếng với lớp trưởng, nhờ bạn bè điểm danh, hoặc nhờ người đi học hộ. “Anh em với nhau cả, ghi tên nhau làm gì. Không được thi thì mệt lắm” – sinh viên này nói.
Thấy khu vực phía dưới nhốn nháo, thầy giáo lên tiếng: “ Phía dưới nói chuyện kinh quá”. Cả lớp im lặng. Thầy tiếp tục giảng bài, sinh viên lại nói chuyện, làm việc riêng, nhắn tin, gọi điện…
Thầy đang quay lên bảng, tôi chuồn êm ra khỏi lớp, không quên nhờ cậu bạn bên cạnh nộp bài tập cho sinh viên N.M.Đ.
Thoát khỏi giờ học kiến trúc nhà hát, tôi “đột nhập” lớp học thuộc khoa Quản trị kinh doanh gần đó, có khá đông sinh viên (gần 100 người). Phía trên, thầy giáo đang giảng bài về quá trình kinh doanh. Trò nằm ngủ, đọc báo, nghe nhạc, chơi game, đánh bài…, thôi thì đủ kiểu.
Chuông báo nghỉ giải lao. Sinh viên túa ra khỏi lớp, trong đó, nhiều người cầm theo cả cặp sách. Đầu tiết học sau, bàn ghế trống đi khá nhiều. Nam sinh ngồi cạnh tôi nói, thầy đã điểm danh ngay đầu giờ, nên vắng là phải.
Học chay trong nhà gỗ
Hôm sau, tôi ghé thăm lớp học tại cơ sở trường ĐHDL Đông Đô tại số 20A đường Tôn Thất Tùng, Hà Nội. Chưa đến giờ học nhưng lớp khá đông. Tôi vào ngồi gần nhóm bạn nam ở cuối lớp. Tôi không gặp bất cứ khó khăn gì, bởi ai cũng ngầm hiểu, người lạ vào lớp, một là đi học hộ, hai là đi học lại. Thế thôi!
Với lý do học lại, tôi làm quen với một sinh viên cùng bàn. Cậu cho biết, đây là lớp học thuộc Khoa Xây dựng.
Chuông vào lớp được khoảng 20 phút mà thầy giáo vẫn chưa tới. Sinh viên trong lớp đùa nghịch, nói chuyện thoải mái… Bỗng thầy giáo bước vào, nghiêm khắc: “Tôi cấm các anh không được nói chuyện, làm việc riêng trong giờ học”. Thấy vậy, tôi rút vội cuốn vở ra đặt lên bàn. Nam sinh viên cùng bàn cười: “Không sao đâu, thầy lúc nào chẳng nói thế”.
Đúng là không sao thật. Bằng chứng là xung quanh chỗ tôi ngồi, mấy cậu bạn này vẫn buôn dưa lê, ngủ, nghe nhạc, chơi trò chơi … thoải mái. Với lý do không mang giáo trình, tôi ngỏ ý mượn của bạn ngồi bên cạnh, nhưng nhận được câu trả lời khiến tôi sửng sốt: “ Môn này cần gì giáo trình, nghe thầy giảng là được”. Quay sang mấy người ngồi bên cạnh hỏi, cũng không thấy ai có nổi một tờ giấy, chiếc bút, chứ chưa nói gì đến giáo trình.
Bỗng nhiên, cậu bạn ngồi phía dưới tôi lôi từ trong cặp ra tập tài liệu đưa cho tôi. Đó là tập photo vở ghi chép của sinh viên khóa trước, nét chữ khá đẹp: “Có cái này rồi thì khỏi cần ghi chép anh ơi, chơi thoải mái đi, đến lúc thi học là được”.
Hầu như xung quanh nơi tôi ngồi, không ai có giáo trình cả. Thắc mắc vì sao, tôi chỉ nhận được những câu trả lời đại loại như: Không cần giáo trình, mượn làm gì, rách việc. Mua làm gì, tốn tiền…
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, tôi hỏi mấy người trong lớp, được biết, cơ sở này cũng có thư viện và cho sinh viên mượn giáo trình, nhưng mỗi người chỉ được một vài cuốn, sách lại cũ, thủ tục nhiều nên hầu như sinh viên ở đây không mượn.
Những sinh viên chăm học thì lựa chọn cách mua sách ở ngoài hoặc mượn sách từ khóa trên, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không ít người học chay, không giáo trình, không ghi chép. “ Đi học mà không ghi chép thế này thì kiểm tra, thi thố kiểu gì”, tôi hỏi – “ Thi bằng niềm tin” – Nói xong, cậu bạn phá lên cười. Ai cũng hiểu, niềm tin ở đây là gì.
Thấy tôi hỏi, một sinh viên chỉ thư viện của trường. Đó là một phòng nhỏ, nằm giữa dãy giảng đường. Phòng có vài giá sách, bàn ghế chỉ có vài bộ và cửa đóng im ỉm.
Theo lời các sinh viên của trường, hầu hết họ đều không lên thư viện học và mượn sách vì… không có chỗ học. Nếu bạn nào mượn sách, thì phải về lớp hoặc mang về nhà học. Tra cứu tài liệu còn khó hơn vì nhiều khi sách không đủ. “ Chủ yếu chúng em đều nghiên cứu tài liệu ở nhà” – Một cậu bạn đeo kính cận, dáng mọt sách nói.
Dạo quanh trường, lớp, tôi thấy cơ sở vật chất quá nghèo nàn. Tường phòng học long lở, đôi chỗ xuất hiện những vết thủng bằng bàn tay. Cửa kính xỉn màu, thỉnh thoảng lại có mảnh vỡ, chắp vá; rèm cửa rách nát, hoen ố, bàn ghế xộc xệch, tiếng ồn xe cộ bên đường át cả tiếng thầy.
Ở đây, nhiều phòng học chỉ ngăn cách với nhau bằng những tấm ván gỗ ép, còn nhiều kẽ hở. Vào một lớp, dù đứng ở phía cuối, tôi vẫn nghe được tiếng của thầy giáo lớp bên cạnh. Trường nhỏ, lại thiếu ánh sáng, nên hầu hết đều phải bật điện cả ngày.
Nhà vệ sinh cũng là nỗi niềm khó nói của nhiều nữ sinh. Phòng vệ sinh ở cuối dãy lớp học, cửa không chắc chắn, lại nham nhở, chắp vá, và không được sạch sẽ nên nhiều nữ sinh rất ngại mỗi khi có nhu cầu.
Phóng sang cơ sở của trường ĐH Đại Nam trên đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội dù được đảm bảo về cơ sở vật chất giảng dạy, nhưng dạo qua vài lớp học, tình trạng thiếu giáo trình cũng rất phổ biến. Hầu hết sinh viên đi học chỉ mang một cuốn vở, cây bút, thậm chí là tay không đến trường. Hiếm lắm mới thấy được một vài cô, cậu mang cuốn giáo trình.
Source: Báo Dân Trí