AT – “Tôi học hỏi từ thất bại, tự đứng dậy và tiếp tục bước tới theo định hướng đúng đắn. Tôi nhận ra rằng mỗi thất bại chỉ làm cho mình thêm mạnh mẽ hơn” – lời chia sẻ của diễn giả Paul Wong Li Rhen (người Malaysia) trong buổi nói chuyện chuyên đề “Café 360 độ: Bài học từ sự thất bại” (Learning from failure) do Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM tổ chức ngày 22-10.
Học từ thất bại
Paul hướng dẫn các bạn trong một bài tập nhóm – Ảnh: Đăng Quang |
Paul cho rằng tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, nhưng thường chúng ta lại sợ thất bại, tránh thất bại và ngại những gì người khác nói về mình khi mình thất bại.
“Tôi chịu trách nhiệm cuộc đời tôi”
Đó là năm Paul vào lớp một. Ngày đầu tiên đi học, cái gì cũng mới mẻ. Buổi chiều hôm đó, anh bị đau bụng. Anh chạy loạn xạ khắp nơi để hỏi thăm nhà vệ sinh ở đâu nhưng không ai biết. Cho đến khi Paul tìm được nhà vệ sinh thì mọi chuyện đã quá muộn. Khi anh trở lại lớp, giáo viên đã rất sốc và không biết phải làm gì. Người giáo viên đã gọi bố mẹ Paul đến và kể hết chuyện gì đã xảy ra. Ở tuổi lên bảy, Paul đã biết thế nào là xấu hổ và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quay trở lại lớp học nữa. “Lúc đó, tôi đã nghĩ ngôi trường này thật tồi vì không có ai cố gắng giúp tôi thoát khỏi hoàn cảnh đó cả” – Paul kể. Nhưng bố mẹ đã rất tinh ý và chuyển anh sang ngôi trường mới.
Từ cấp một đến cấp ba Paul đều chiến thắng trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh do trường tổ chức bởi anh có lợi thế hơn những người bạn cùng trang lứa. Malaysia thời đó hầu hết mọi người đều nói tiếng Hoa nhưng bố mẹ Paul thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh và gia đình anh sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Cho nên, tiếng Anh của Paul luôn lưu loát hơn bạn bè và kết quả năm nào anh cũng chiến thắng trong các cuộc thi nói tiếng Anh. Nhưng đến năm đầu tiên ở cấp ba thì mọi chuyện đã thay đổi. Paul bị “hạ gục” bởi chính người trước giờ luôn về nhì. Lý do là người đó đã có sự chuẩn bị tốt hơn, làm việc chăm chỉ hơn trước khi cuộc thi bắt đầu. Trong khi đó, Paul lại trở nên kiêu căng, suy nghĩ rằng mình là người giỏi nhất không ai sánh bằng, và không cần sự chuẩn bị thì chiến thắng cũng thuộc về mình. Thất bại ở cuộc thi năm đó khiến anh cảm thấy mình không còn muốn tham gia vào bất kỳ cuộc thi nào khác. Phải mất một thời gian dài Paul mới có thể học được bài học khiêm tốn, bài học tôn trọng người khác, có thể nói lời chúc mừng khi người khác chiến thắng một cách thật lòng chứ không phải là xã giao.
Khi vào ĐH, bởi vì tất cả mọi người trong phòng đều có bạn gái nên điều đầu tiên Paul muốn là mình cũng có bạn gái. Nhưng việc làm đó sai mục đích nên đã làm tổn thương anh và bạn bè. Sau đó Paul rời trường ĐH ở Malaysia sang Mỹ học với số tiền bố mẹ anh cất công dành dụm. Paul đã suy nghĩ bây giờ có tiền thì mình có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Anh nói dối gia đình là chuyện học hành vẫn ổn nhưng sự thật anh không hề lên lớp và phải thi lại rất nhiều môn. Anh dành thời gian cho tiệc tùng và thậm chí dùng tiền bố mẹ cho để mua một chiếc xe thật “kiêu”. Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ việc anh không biết tại sao mình phải đi học và rằng mình học để làm gì. Anh đã có suy nghĩ tại sao phải tốt nghiệp ĐH, để rồi phải đi làm kiếm tiền trong khi mình thích chơi game hơn. Mỗi lần anh thắng cuộc thì có người khen mình. Và rồi một ngày, vị giáo sư gọi Paul đến và thông báo quyết định cho thôi học vì anh đã thi rớt quá giới hạn số môn học cho phép. Trong suốt chuyến bay 24 tiếng từ Mỹ trở về nhà, Paul đã suy nghĩ rất nhiều về việc sẽ phải nói gì với bố mẹ.
Từ đó, mối quan hệ trong gia đình anh bắt đầu có sự chia rẽ. Những điều xảy ra đã làm tổn thương bố, mẹ, em gái, em trai của anh. Lúc đó Paul cay cú với cuộc đời và tự hỏi tại sao điều này lại xảy đến với mình. Trong tâm trí, Paul lúc nào cũng có sẵn một danh sách những điều để mình đổ lỗi mà anh liệt kê theo thứ tự số 1, số 2, số 3… Đầu tiên, anh trách số phận của mình. Tiếp đó là bố mẹ vì đã không gửi anh đến một ngôi trường tốt hơn. Paul đổ lỗi cho chính phủ vì đã không có một chính sách giáo dục tốt nên anh phải xa xứ đi học ở một môi trường hoàn toàn mới. Paul tiếp tục đổ lỗi cho mọi người vì không ai giúp anh hết. Paul cảm thấy mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của anh.
Nhưng chính thất bại đó đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đời Paul. Anh nhận ra rằng có những người gặp thất bại nhưng họ chẳng học được điều gì từ những thất bại đó. Nhưng có những thất bại lại làm thay đổi cuộc sống của chính mình. Anh ví cuộc sống của mình giống như một trang sách, có thể ở những trang đầu rất nhàm chán, nhưng khi ở giữa quyển sách mình vẫn có thể làm điều gì đó để biến quyển sách trở nên hay hơn khi kết thúc. Mình không thể thay đổi tất cả mọi thứ trong một ngày, nhưng từ chính một ngày bạn bắt đầu nhận ra mình cần phải thay đổi, cuộc sống của bạn về sau chắc chắn sẽ khác đi. Nghĩ như vậy, anh đã xé đi danh sách đổ lỗi của mình. “Mình là người chịu hoàn toàn trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Tôi học hỏi từ thất bại, tự đứng dậy và tiếp tục đi tới theo một sự định hướng đúng đắn. Tôi nhận ra rằng mỗi thất bại chỉ làm cho mình thêm mạnh mẽ hơn” – Paul nói.
Bài học
Paul dẫn ra câu nói của nhà bác học tài ba Albert Einstein với đại ý rằng: “Điều ngu xuẩn là chúng ta cứ lặp đi lặp lại một công việc mà lại hi vọng có một kết quả tốt đẹp hơn”. Paul cũng nhấn mạnh rằng: “Tại sao chúng ta muốn mọi thứ đến với mình sẽ khác đi trong khi bản thân không hề thay đổi?”. Anh đã đúc kết ra ba bài học “xương máu” từ nhiều thất bại của chính mình.
1. Thất bại là một bài học, không có con người thất bại (Failure is a lesson, not a person)
Thomas Edison đã thất bại từ 10.000 đến 14.000 lần để tạo ra được chiếc bóng đèn điện. Có người đã hỏi liệu thất bại nhiều quá có khiến ông mệt mỏi và chán nản? Và “không” là câu trả lời của Edison. “Tôi tìm ra cách làm khác từ những thất bại như vậy” – Edison nói. Rõ ràng, ông có một cái nhìn rất lạc quan về thất bại. Thất bại mang đến cho ông bài học, chứ không có con người thất bại. Đôi khi, chúng ta có sự nhầm lẫn rằng không làm được một điều gì đó, chúng ta bảo: “Tôi là người thất bại”. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm bởi không có con người thất bại. Thất bại sẽ mang đến cho bạn một bài học. Nếu như ai đó nói với bạn rằng “Bạn là người thất bại” thì bạn đừng nên nghe người đó. Còn nếu như bạn đang có suy nghĩ rằng “Mình là người thất bại” thì hãy dừng suy nghĩ đó lại.
2. Thất bại có thể là cơ hội của bạn (Failure can be your opportunity)
Nhiều năm trước, có một nhà hàng nổi tiếng ở Mỹ được nhiều người tìm đến bởi ở đó có một người đầu bếp rất “điêu luyện”. Một ngày nọ, khi người đầu bếp phục vụ món sườn với khoai tây, có một vị khách phàn nàn về món khoai tây vì nó quá dày. Người đầu bếp vui vẻ làm cho miếng khoai tây mỏng hơn và đưa lại cho thực khách của mình, nhưng câu trả lời nhận được: “Còn dày quá! Tối muốn mỏng hơn!”. Người đầu bếp có vẻ giận nhưng vẫn cố làm cho miếng khoai tây mỏng hơn. Tiếp tục, vị khách bảo: “Không, không! Tôi vẫn không thích nó”. Tức giận hơn nhiều nhưng người đầu bếp vẫn kiên nhẫn chiều thực khách của mình, đoạn vừa làm vừa lầm bầm: “Được rồi! Muốn mỏng nữa hả. Thì mỏng đây!”. Vị khách khi nhận đĩa khoai tây đã trố mắt lên: “Thật kinh ngạc! Đây là lần đầu tiên tôi được ăn miếng khoai tây mỏng đến như vậy”. Tất cả mọi người khách khác trong nhà hàng cũng rất ngạc nhiên và họ muốn được thử món ăn lạ mắt này. Sau đó, người đầu bếp bắt đầu nổi tiếng với món khoai tây siêu mỏng của mình. Và bài học rút ra là thất bại có thể là một cơ hội của chính bạn.
3. Mọi người đều có thất bại nhưng chỉ nhà vô địch mới đứng lên và khởi đầu lại (Everyone fails but champions get up and start again)
Chúng ta cần thiết nuôi dưỡng tâm trí của mình. Xây dựng cho mình các mối quan hệ xung quanh, cách “chọn bạn mà chơi” sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Sức mạnh của suy nghĩ, của ý chí sẽ giúp bạn đứng dậy được và khởi đầu lại mọi thứ sau không chỉ một mà là vô vàn thất bại. Hãy nên nhớ rằng, không chỉ riêng bạn mà tất cả mọi người đều gặp thất bại, nhưng chỉ khi biết đứng dậy và bắt đầu lại mọi việc, bạn là nhà vô địch.
ĐĂNG QUANG
Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ