Lá thư với lời tuyên bố ‘Ế chồng cũng không lấy đàn ông Việt’, vì ‘các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi’ đang tạo làn sóng ‘ném đá’ trong cư dân mạng.
Những ngày qua, trên internet bỗng xuất hiện một bức thư của cô gái tự xưng là Quách Thu Trang, với tiêu đề Ế chồng cũng không lấy đàn ông Việt. Không điều tra được bức thư xuất phát từ đâu, nhưng chỉ riêng với tiêu đề như vậy, bức thư ngay lập tức đã thu hút mọi người.
Cô gái viết: “…Còn đàn ông Việt Nam thì sao, thu nhập thì cũng chẳng khá khẩm hơn vợ là bao nhiêu, nhưng lại tự cho mình nhiều “quyền” quá. Nên đi làm về là có quyền đi bia rượu bù khú với bạn bè, về đến nhà là có quyền ngồi vắt chân chữ ngũ xem tivi, đọc báo và đợi vợ bê cơm đến ăn. Lên xe bus thì tranh nhau chỗ ngồi với trẻ em, người già và phụ nữ có thai…”
Ế cũng không lấy đàn ông Việt, vì họ “không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi”. (Ảnh minh họa). |
Càng đọc nội dung thì các quý ông càng bất bình, trong khi phái nữ thì chia làm hai luồng dư luận, một bên cho rằng đàn ông Việt cũng rất nhiều người tốt bụng, ga lăng, một bên thì thừa nhận không ít lí lẽ của cô là không sai.
Một thành viên trên diễn đàn về game nhận xét: “Cô gái này chắc tầm 10-12 tuổi gì đó, trẻ nít lên ba. Đa số các cô Việt giờ toàn ảo tưởng mà lại còn cố chấp rồi thêm thích vơ đũa cả nắm, như cô gái này, chỉ có nước đi xin người khác cưới nếu cứ giữ mãi cái suy nghĩ này. Chắc chắn một điều, phụ nữ Tây họ biết quyền của họ cao hơn đàn ông nhưng họ chưa bao giờ nói ra và luôn tỏ ra thấp hơn đàn ông còn loại như cô gái này thì Tây và Ta, chẳng thèm liếc chứ đừng nói nhìn.“
Cư dân mạng còn trích dẫn hình ảnh về việc với đàn ông phương Tây thì phụ nữ xếp sau một số thứ để chế giễu cô gái chê đàn ông Việt. |
Trong khi đó, cũng tại diễn đàn này, thành viên Sieudq viết: “Không biết mấy bạn thế nào chứ ở chỗ mình vẫn đầy loại đàn ông như thế. Thậm chí trong trường mình rất rất rất nhiều những ông cho rằng việc nhà là của phụ nữ, còn con trai thì phải nhậu nhẹt chơi bời, trong lớp đụng việc thì đùn đẩy trốn tránh. Thế những thành phần đó sau này lập gia đình thì có khác gì trong bài không?“
Tuy nhiên, tựu trung lại, những lời tuyên bố của cô gái đã nhận sự phản ứng rất gay gắt ở trên mọi diễn đàn. Bởi, đa số đều cho rằng, đàn ông ở đâu thì cũng có người tốt người xấu, cô gái có cái nhìn quá bi quan, thiên lệch.
Thậm chí, có người còn viết lại những bức thư rất dài, trong đó khẳng định: “Tôi là phụ nữ Pháp, lấy chồng Việt Nam. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã lấy đàn ông Việt Nam làm chồng. Thậm chí, tôi còn thấy mình may mắn…. Ấn tượng ban đầu của tôi về người bạn trai ấy là anh ta là một người rất hiền lành, ít nói nhưng đặc biệt rất thông minh và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.. .”.
Nội dung bức thư gây xôn xao:
Là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tôi rất có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng… Lâu lâu lại đọc được đề nghị nên có ngày tôn vinh đấng mày râu trên trang báo mạng, tôi thấy thú vị quá. Thú vị hơn nữa là lại thấy một số anh đàn ông so sánh rằng, đàn ông Tây còn có ngày của bố, còn đàn ông Ta thì chẳng có ngày gì để được tôn vinh. Uh, cũng đúng thôi, vì đàn ông Tây họ đàn ông ra đàn ông, còn đàn ông ta thì ông chả ra ông, mà bà chẳng ra bà thì tôn vinh cái gì. Giá như các anh đề nghị chúng tôi tôn vinh cái cỡ “xăng pha nhớt” thì Ok ngay, còn tôn vinh đàn ông thì hơi khó, vì các anh có phải đàn ông đâu mà tôn vinh. Các anh cũng làm sao mà so bì với đàn ông Tây được?. Hồi làm sinh viên, tôi nhớ có lần một cô giáo của tôi có kể, ở bên Đức, đàn ông phải xếp sau cả con chó khi đến những nơi công cộng như lên tàu xe. Có nghĩa là, khi đi đến nơi công cộng ví dụ như lên tàu xe, phụ nữ là người được ưu tiên nhiều nhất, kế đến là người già trẻ em, rồi đến con chó, sau cùng mới đến người đàn ông. Ở bên đó, phụ nữ cũng rất được yêu thương và chiều chuộng, ví dụ, gặp bất cứ một người phụ nữ nào xách đồ đạc nặng trên phố là cánh đàn ông thể hiện ngay sự quan tâm của mình bằng việc xách giúp đồ đạc. Trên xe bus, đàn ông cũng luôn nhường chỗ ngồi cho phụ nữ một cách tự nguyện. Còn ở nhà, đàn ông Đức không ngại ngần việc rửa chén bát và làm việc nhà, thậm chí cả giặt đồ lót cho vợ. Còn đàn ông Việt Nam thì sao, thu nhập thì cũng chẳng khá khẩm hơn vợ là bao nhiêu, nhưng lại tự cho mình nhiều “quyền” quá. Nên đi làm về là có quyền đi bia rượu bù khú với bạn bè, về đến nhà là có quyền ngồi vắt chân chữ ngũ xem tivi, đọc báo và đợi vợ bê cơm đến ăn. Lên xe bus thì tranh nhau chỗ ngồi với trẻ em, người già và phụ nữ có thai. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nam thanh niên to khỏe lực lưỡng nhưng lại bị “mù”. Tại sao tôi nói vậy, bởi vì trên xe bus bao giờ cũng có ghi là nhưỡng ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, nhưng các anh không hiểu sao vẫn không thực hiện, nên tôi bảo chắc chỉ có bị mù mới không nhìn thấy những dòng chữ như thế. Thậm chí, đến khi anh phụ xe bus ra nhắc nhở thì còn chửi lại, vậy thử hỏi các anh văn minh ở đâu, mà dám đòi hỏi được tôn vinh và yêu cầu có ngày tôn vinh cho người đàn ông Việt Nam?. Chẳng nói ra chả sao. Nói ra đâm thêm coi thường đàn ông Việt Nam, chưa làm được gì đã muốn được tôn vinh. Mà tôn vinh cái gì, tôi rất thích comment của một độc giả nào đó nói, chẳng lẽ tôn vinh cái sự: Hôm nay 8/3, tôi giặt cho bà cái áo của tôi à?. Không nên có ngày tôn vinh cho đàn ông Việt Nam vì các anh không xứng đáng được tôn vinh. Cũng xin nói thật với các anh, là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tôi rất có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi. Tôi cũng tuyên bố luôn, sau này thà ế chồng chứ nhất định tôi không bao giờ lấy đàn ông Việt Nam làm chồng. Mà chả riêng gì tôi, rất nhiều cô gái Việt Nam thành đạt cũng lấy chồng Tây đó thôi, và xu thế này sẽ còn tiếp tục, tôi tin là như thế. |
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Source: Zing