Làng công nghệ năm 2011 bàng hoàng trước sự ra đi của CEO Apple – Steve Jobs, “dậy sóng” trước cuộc chiến bằng sáng chế giữa các hãng lớn và sự tấn công trên diện rộng của các nhóm hacker trên mạng Internet.
An ninh mạng bị đe dọa từ các nhóm hacker
Cuộc tấn công hệ thống PlayStation và Qriocity của Sony hồi tháng 4 đã hạ “knock-out” dịch vụ được hàng triệu người dùng trong vòng khoảng 2 tháng, làm nguy hại dữ liệu cá nhân cho 70 triệu thành viên và khiến Sony tiêu tốn 170 triệu USD để khắc phục. Nguyên nhân cuộc tấn công được cho là sự trả đũa việc Sony không phát hành mã cho phép thiết bị chạy các phần mềm lậu trên máy chơi game PS3. Nổi lên trong số các nhóm hacker là nhóm nặc danh Anonymous và LulzSec.
Một số công ty trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm này còn có HBGary, Koch Industries, Bank of America, NATO và nhiều website chính phủ khác.
AT&T mua T-Mobile bất thành
Thỏa thuận được AT&T và Deutsche Telekom (công ty mẹ của T-Mobile) thông báo hôm 20/3/2011. Theo thỏa thuận, Deutsche Telekom sẽ nhận được 8% cổ phần trong AT&T và một ghế trong hội đồng quản trị. Dự kiến giao dịch này sẽ hoàn tất trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, với lý do có thể tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng trong ngành công nghiệp viễn thông, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vẫn chưa phê duyệt thương vụ này.
Apple kiện Samsung vi phạm quyền sáng chế
Vụ kiện vi phạm quyền sáng chế phần mềm và thiết kế 3 mẫu máy tính bảng, smartphone nhằm vào Samsung được Apple khởi xướng tại Mỹ vào tháng 4/2011 và sau đó là ở một số thị trường khác bao gồm Đức, Pháp, Australia. Tuy nhiên, nỗi đe dọa thực sự với Apple không chỉ đến từ Samsung mà còn cả phần mềm Android của Google. Samsung, hãng sản xuất nhiều thiết bị chạy hệ điều hành Android, đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong năm nay. Thị phần Android cũng vượt mức 50%, với hơn 60 triệu thiết bị từ nhiều nhà sản xuất.
Thế giới Internet chao đảo vì dự luật Stop Online Piracy Act
Dự luật Stop Online Piracy Act (SOPA) được tạo ra với mục đích chống lại nạn xâm phạm bản quyền nội dung âm nhạc, phim ảnh, thông qua việc trao cho bên nắm giữ bản quyền được phép cô lập và đóng cửa các trang web, hoặc các dịch vụ trực tuyến có chứa đựng, dung túng hoặc có liên quan đến những nội dung bị xâm phạm đó.
Nếu được quốc hội Mỹ thông qua, SOPA sẽ cho phép chính quyền nước này “mạnh tay” với bất cứ trang web nào bị phát hiện chứa nội dung vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, dự luật này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều hãng công nghệ như Google, Yahoo, eBay và Twitter.
Ai Cập ngắt kết nối Internet với thế giới
Chỉ sau nửa đêm ngày 28/1, khoảng 3.500 đường kết nối Internet Ai Cập với thế giới đã bị cắt đứt hoàn toàn. Nguyên nhân được cho là do cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước này khiến giới chức Ai Cập lo ngại xảy ra cuộc cách mạng lan truyền từ mạng xã hội. Không chỉ bị ngắt kết nối Internet, các dịch vụ viễn thông cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ diễn ra trong khoảng 5 ngày.
Các hãng công nghệ điêu đứng vì động đất, lũ lụt
Trận sóng thần, động đất xảy ra ngày 11/3 tại Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng công nghệ trên thế giới. Thảm họa này đã khiến cho các công ty như Sony, Freescale, Fujitsu, Texas Instruments bị thiếu hụt nguồn cung linh kiện điện tử thẻ nhớ flash NAND, màn hình LCD…
Trong khi đó, trận lũ lụt lịch sử tại Thái Lan hồi tháng 9, tháng 10 vừa qua khiến thị trường PC và linh kiện thay thế cũng gặp nhiều khó khăn. Theo các nhà phân tích, sau khi tăng trưởng khoảng 30% vào năm 2010, lợi nhuận toàn cầu của các hãng sản xuất máy tính không đạt mức tăng trưởng khả quan do sự sụt giảm 15% doanh số DRAM, SRAM, thẻ nhớ NOR.
HP sa thải CEO Leo Apotheker chỉ sau gần 1 năm
Nắm giữ cương vị CEO Hewlett-Packard được một năm, Leo Apotheker đã bị sa thải vào tháng 9, sau khi thông báo rằng công ty có thể tìm kiếm thị trường PC mới với doanh thu khổng lồ để trở thành hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Trước đó, Apotheker – người có rất ít kinh nghiệm ở lĩnh vực phần cứng máy tính từng bị sa thải khỏi công ty SAP. Sau khi cắt hợp đồng với Apotheker, HP đã chỉ định Meg Whitman – cựu CEO của eBay lên nắm giữ vị trí lãnh đạo HP. Doanh thu của HP trong quý IV/2011 đạt 200 triệu USD, giảm đáng kể so với 2,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Ngừng cung cấp tên miền quốc tế qua giao thức IPv4
Vào tháng 2, tổ chức cấp phát số hiệu Internet (IANA) đã tiến hành cấp phát các địa chỉ IPv4 cuối cùng cho 5 khu vực đăng ký Internet trên toàn thế giới. Việc ngừng đăng ký địa chỉ IPv4 – giao thức cung cấp hơn 4,3 tỷ địa chỉ Internet là tín hiệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng Internet, khiến các công ty, tổ chức phải tìm đến giao thức mới IPv6 tốt hơn. Mặc dù một số khu vực vẫn có thể duy trì hoạt động đăng ký tên miền thông qua giao thức IPv4 một vài năm nữa, tuy nhiên, giao thức IPv6 với sự bảo mật tốt hơn, quản lý mạng ổn định hơn đang được khuyến khích chuyển đổi.
Windows 8 được hé lộ với nhiều tính năng mới
Microsoft gây chú ý tại triển lãm CES hồi tháng 1 bằng việc thông báo Windows 8 sẽ chạy trên các cấu trúc chip hệ thống, bao gồm các vi xử lý nền tảng ARM với ý định đưa Windows sử dụng trên các máy tính bảng. Những tính năng khác của phiên bản Windows sắp ra mắt bao gồm giao diện Metro mới tập trung vào hành vi cảm chạm và kho ứng dụng Windows.
Sự ra đi của một “huyền thoại” – Steve Jobs
Cuộc đời của Steve Jobs là một câu chuyện điển hình về người Mỹ thành công: chuyện một người trở về khi bị đuổi trong nước mắt khỏi công ty do chính mình lập ra vào năm 1980, cách mạng hóa phim hoạt hình những năm 1990 và trở lại lãnh đạo hãng Apple cho đến những ngày cuối đời. Cùng với nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, Steve Jobs tạo dấu ấn trong cuộc cách mạng máy tính với Apple II và sau đó là các thiết bị cầm tay ăn khách như iPod, iPhone và máy tính bảng iPad.
Nguyễn Hân
Theo Bưu Điện Việt Nam
Source: Zing