Thói quen tiêu dùng viễn thông thay đổi đã dẫn các nhà mạng đến một cuộc đua mới trong những năm gần đây, đó là cuộc đua về dịch vụ giá trị gia tăng.
Trong cuộc đua này, bên cạnh vấn đề giá cước thì sự phong phú của dịch vụ, sự sáng tạo của nhà mạng để bắt kịp xu hướng của người dùng di động.
Di động không chỉ để “a lô”
Theo một nghiên cứu mới đây của IDG, dự đoán đến năm 2015, lượng smartphone và điện thoại thông thường bán ra sẽ chiếm tỷ trọng ngang nhau với tỷ lệ 50/50. Cập nhật xu hướng đó, những doanh nghiệp bán lẻ điện thoại đều coi trọng hướng nhập sản phẩm smartphone, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhìn vào thị phần điện thoại di động trên thế giới, có thể thấy rõ sự thắng thế của các hãng Apple, HTC, Samsung với những hệ điều hành tên tuổi iOS, Android. Những điều này càng chứng minh sự dịch chuyển về nhu cầu sử dụng viễn thông của người tiêu dùng hiện nay, từ điện thoại di động đến smartphone, từ “alo” đơn thuần tiến đến các kho ứng dụng và các dịch vụ nội dung.
Các chuyên gia trong ngành viễn thông cũng nhận định, khi di động trở thành sản phẩm phổ biến, giá cước viễn thông giảm mạnh, nhu cầu nghe gọi trở nên bão hòa, người dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc giải trí trên di động. Thói quen tiêu dùng viễn thông thay đổi khiến không chỉ nhà sản xuất thiết bị mà các nhà mạng cũng phải nhập cuộc để đáp ứng xu hướng của khách hàng.
Doanh nghiệp viễn thông nhập cuộc đua nội dung số
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) chia sẻ: “Thời gian gần đây, Viettel đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên di động. Hiện tại, bên cạnh Trung tâm Kinh doanh Vas, Viettel đã thành lập Trung tâm Phát triển Nội dung, trực tiếp sản xuất các nội dung số trên di động nhằm làm thị trường phong phú hơn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng di động”.
Viettel Telecom hiện có khoảng hơn 50 dịch vụ giá trị gia tăng lớn nhỏ, chia ra nhiều nhóm khác nhau: âm nhạc, tiện ích, tin tức, data, game và ứng dụng, giúp khách hàng trải nghiệm các tính năng khác nhau của điện thoại bên cạnh tính năng nghe, gọi và nhắn tin thông thường. Trong đó, có thể kể tên một loạt các dịch vụ nổi bật đã trở nên quen thuộc đối với đại đa số người dùng di động như: dịch vụ nhạc chờ Imuzik, dịch vụ thông báo cuộc gọi lỡ MCA, cổng game Upro…
Không ngừng cung cấp các dịch vụ tiện ích đến khách hàng, Trung tâm Kinh doanh Vas của Viettel cũng đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đaị trong kỹ thuật viễn thông như công nghệ quản lý và nhận dạng máy di động hiện đang sử dụng trong hệ thống MDM, công nghệ streaming (dịch vụ MobiTV), công nghệ IVR sử dụng kết nối IP (dịch vụ Chat 1338, Talk SMS), công nghệ định vị và bản đồ số (dịch vụ iMap),… Từ đó, chiếc điện thoại di động của khách hàng sẽ được khai thác tối đa các tính năng để trở thành một chiếc tivi, máy vi tính, tờ báo, bản đồ, cuốn truyện,… vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Là một doanh nghiệp trẻ nhưng Trung tâm Phát triển Nội dung (TTND) của Viettel Telecom cũng đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường nội dung số. Với mục tiêu trở thành nhà cung cấp nội dung số 1 trên thị trường, TTND đã luôn chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự trẻ cũng như liên tục đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ nội dung của Trung tâm. Hiện TT ND đang sở hữu kho nhạc khổng lồ với gần 50.000 bài hát Việt với gần 200 ca sỹ nổi tiếng trong đó có 30 ca sỹ đã ký kết độc quyền với Viettel. Kho nhạc quốc tế đa dạng và phong phú với gần 100.000 track.
TTND cũng vừa cho ra mắt wapsite http://tinngan.vn – phiên bản dành riêng cho việc đọc báo trên di động đã được cung cấp đến người dùng. Với tin tức được biên tập ngắn gọn, người dùng di động chỉ cần 15 – 20 giây cho việc đọc 1 bản tin. Trước đó, Trung tâm này cũng ra mắt website tin tức dành cho giới trẻ tại địa chỉ www.Tiin.vn, trong đó có dịch vụ Sao&Fan lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, giúp người dùng di động tương tác trực tiếp với thần tượng thông qua tin nhắn SMS. Bên cạnh đó, TTND cũng không ngừng mở rộng hợp tác với cá nhân, tổ chức trong và nước ngoài có uy tín trong việc sở hữu bản quyền như: Universal, Sony BMG, Power of Music, Hiệp hội tác giả…
Không chỉ sản xuất và kinh doanh các dịch vụ nội dung cho di động, Trung tâm Phát triển Nội dung của Viettel Telecom cũng từng bước “lấn sân” lĩnh vực sản xuất âm nhạc. Theo đó, đơn vị này trở thành nhà đồng sản xuất và trực tiếp sản xuất các sản phẩm âm nhạc (Single, Album) cho các ca sỹ trên toàn quốc, trong đó bao gồm các ca sỹ nổi tiếng như Mỹ Linh, Đông Nhi, Thuỳ Chi, nhóm M4U, và cả những gương mặt trẻ như Tằng Quốc Anh,…
Với sự đầu tư của Viettel, năm 2012, trung tâm Vas và trung tâm Nội dung sẽ cho ra mắt thêm nhiều dịch vụ tiện ích mới phù hợp với người dùng di động tại Việt Nam. Viettel đã từng thành công với việc “bình dân hóa” giá cước di động, vì thế người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào “cuộc cách mạng” về dịch vụ giá trị gia tăng trên di động trong thời gian tới.
pv
Theo Infonet
Source: Zing