Truyền thông có “nối giáo” cho nghệ sĩ phản cảm?

TTO – Có thiếu công bằng khi chỉ đổ lỗi cho nghệ sĩ và một bộ phận khán giả dễ dãi trong thưởng thức nghệ thuật đã khiến những chuyện phản cảm trên sân khấu cứ nảy nở như nấm mọc sau mưa?

Truyền thông có “nối giáo” cho nghệ sĩ phản cảm?

Một số bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến quanh câu chuyện Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảm đã hướng sự chú ý đến trách nhiệm của ban tổ chức các chương trình và giới truyền thông. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng báo “lá cải” quan tâm thái quá, khai thác triệt để những chuyện phản cảm của nghệ sĩ là đang “nối giáo” cho một xu hướng thưởng thức nghệ thuật lệch lạc. 

Mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm riêng.  

>> Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm phải dừng biểu diễn 
>> Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảm
>> Chính khán giả “thôi thúc” nghệ sĩ khoe thân?

Sân khấu ngày càng thừa da thịt! – Ảnh: Gia Tiến – T.T.D.

“Đường cong hoàn hảo” + “đốt cháy mọi ánh nhìn”

Tôi không cho rằng chính khán giả “thôi thúc” nghệ sĩ khoe thân, nói như vậy thì vai trò định hướng xã hội của báo chí ở đâu? Hễ có nàng nào lộ ngực một chút thì có báo giật tít “Đường cong hoàn hảo”, “Đốt cháy mọi ánh nhìn của quý ông”; mặc áo lộ nguyên lưng thì “vai trần nõn nà”… Thật kể không xiết!

Có những tờ báo không vướng vào vụ này nhưng vài con én thì làm sao làm nên mùa xuân?

BÌNH NGUYÊN

“Gác cửa” lỏng lẻo nên phản cảm “xâm lăng”

Chuyện ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn phản cảm hay là những “chiêu trò” giả gái trên sân khấu không thể nào đổ lỗi là do khán giả vỗ tay hay khán giả là người quyết định… mà trước hết do cách ứng xử trong việc ăn mặc của người nghệ sĩ nói chung trước khán giả.

Công chúng đâu buộc người nghệ sĩ ăn mặc thế nào trước khi họ biểu diễn? Việc ăn mặc, lựa chọn trang phục biểu diễn trước hàng ngàn khán giả là lựa chọn của họ, là “gu” thẩm mỹ của mỗi người. Nhiều người cố tình mặc trang phục hở hang, phản cảm để đánh bóng bản thân hoặc tạo xìcăngđan.

Cũng như việc “lạm dụng” giả gái trong thời gian gần đây của nghệ sĩ khiến khán giả “bội thực”. Từ những nghệ sĩ thành danh như Hoài Linh cũng liên tục “lạm dụng” việc giả gái đến ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng cũng dùng “chiêu trò” này để “ăn điểm” trong mắt giám khảo của một chương trình thi thố.

Ngoài việc trách nghệ sĩ thì không thể không nói đến trách nhiệm của ban tổ chức. Chẳng hạn như chương trình “Vua hài đất Việt”, nhiều nghệ sĩ cũng như thí sinh tham gia chương trình đã giả gái trông hết sức dị hợm, phản cảm.

Không thể nào chấp nhận tiếng cười vô nghĩa khi một thí sinh nam đầu đinh, béo tròn, mặc áo đầm hai dây, mang giày đen… biểu diễn trước hàng ngàn khán giả trong một cuộc thi truyền hình trực tiếp.

Đừng để tiếng cười hay hình ảnh “chiêu trò” trở nên lố bịch, phản cảm trong mắt người xem.

MINH VŨ (TP.HCM)

Làm công cụ PR không công cho nghệ sĩ phản cảm

Cách đây không lâu một tờ báo lớn của TP.HCM đã mở ra diễn đàn “Báo chí “lộ hàng” và chuyện thất thoát niềm tin” để “rộng đường dư luận” về chuyện “lộ hàng” trong giới nghệ sĩ cũng như nhiều phóng viên trẻ của các tờ báo điện tử chuyên săn tin, khai thác về đề tài “nóng hổi” này.

Nhà đài nên xem lại

Tôi đề nghị các đài truyền hình xem lại cách làm việc của mình, thời gian gần đây đưa lên những chương trình game show hoặc chương trình nghệ thuật không có ý nghĩa gì cả, lại gây phản cảm cho khán giả truyền hình cả nước, trong đó xuất hiện những nghệ sĩ có tiếng nhưng không có văn hóa thẩm mỹ. Tôi nghĩ chi phí để thực hiện các chương trình vô nghĩa trên nên dành cho công tác xã hội, từ thiện thì có ích hơn.

NGUYỄN HỒNG SƠN

Từ chuyện ăn mặc hớ hênh, lộ ngực của người mẫu, diễn viên đến sở thích khoe vòng một của giới ca sĩ, chỉ một thông tin “hot” là sau đó hàng loạt tờ báo mạng sao chép về ngay và thu hút hàng triệu lượt bạn đọc truy cập, bình luận.

Tôi nghĩ nếu báo chí đã đồng lòng vì câu chuyện “báo chí “lộ hàng” và chuyện thất thoát niềm tin” để mở ra vì một môi trường báo chí có ích, lành mạnh và gần gũi hơn với công chúng thì những thông tin “thời lộ hàng” như nêu trên chẳng cần thiết phải quan tâm, sao chép lên trang báo của mình nhằm thu hút lượt truy cập của bạn đọc.

Công chúng ngày càng đòi hỏi những bài báo có nhiều giá trị và thiết thực hơn với đời sống chứ không phải những bài báo quanh đi quẩn lại với những thông tin giật gân, vớ vẩn.

Thật ra, khi báo chí càng phản ánh “cô này hở ngực, cô kia lộ vòng 3, cô nọ lộ quần chíp”… thì chẳng thấy người mẫu, ca sĩ ăn mặc kín đáo hơn tẹo nào mà ngày càng “lồ lộ” ra hết cỡ. Báo chí cứ tiêu tốn nhiều giấy mực cho lộ hàng, dư luận cứ kêu than, còn người mẫu, diễn viên, ca sĩ… thì mặc kệ, thậm chí sung sướng, hạnh phúc vì được báo chí PR không công và bỗng dưng từ kẻ vô danh trở thành người nổi tiếng, được công chúng quan tâm nhiều hơn.

NGUYỄN ĐỨC

Cơ quan quản lý đừng “ký là xong”

Nếu các bầu sô, các nhà tổ chức nghiêm túc thì làm gì có chuyện nghệ sĩ khoe thân, dung tục? Nếu cơ quan quản lý văn hóa sâu sát kiểm tra chứ đừng chỉ biết “ký là xong” thì mọi việc đâu đến nỗi.

Tôi mong mỏi các cơ quan báo chí chính thống hãy mạnh mẽ lên tiếng “chống cái xấu, cái ác”, tạo cầu nối dẫn dắt mọi người đến với cái đẹp, cái chỉn chu, nghiêm túc trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Các khán giả hãy tự làm chủ sân chơi bằng cách tẩy chay những cái xấu, cái phản cảm, vô văn hóa… Đã đến lúc mọi người phải là những khán giả khôn ngoan, thông minh, biết đánh giá, nhận thức cái hay, cái đẹp, không dễ dãi chạy theo cái tầm thường, giả tạo, những lối mòn hư hỏng.

THANH THẢO

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.