Giáng sinh này, ở trời tây…

TTCT – LTS: Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, trong khi châu Âu phải ra sức đối phó với cuộc khủng hoảng đồng euro. Giáng sinh 2011 dẫu thế đã đến. Phương Tây xoay xở ra sao trong điều kiện kinh tế khó khăn mùa Giáng sinh này?

Giáng sinh này, ở trời tây…

Giáng sinh tiết kiệm (có người bán nhưng không có người mua) ở TP Nykøbing – Ảnh: Quế Viên

Đan Mạch: Noel trầm lắng

Tại thủ đô Copenhagen chỉ có vài con đường ở trung tâm thành phố, các trung tâm mua sắm lớn, công viên giải trí Tivoli là có trang hoàng Giáng sinh rực rỡ. Các thành phố, thị trấn đều hạn chế việc trang trí bằng đèn, vừa giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm công quỹ. Nhiều nơi chỉ thắp đèn đường sau 6 giờ chiều cho dù mới 4 giờ trời đã tối om.

Các hộ tư gia cũng bớt trang hoàng đèn trước cổng vì từ đầu năm tới nay giá hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm các loại đã tăng từ 10-30%. Giữa tháng 12, không khí Giáng sinh vẫn trầm lắng.

Bình tĩnh với bài học Hi lạp

Tại châu Âu thì Giáng sinh là mùa mua sắm cao điểm, nhưng tình hình năm nay rất khác. Theo Viện Nghiên cứu hàng bán lẻ Scandinavian, lượng hàng tiêu dùng bán ra tại Đan Mạch trong tháng 10 giảm 3,6%, quần áo giảm tới 8,9%. Nhiều cửa hàng hi vọng sức mua sẽ tăng trong tháng 12 nhưng đã giữa tháng 12 cảnh mua sắm cũng chưa thấy nhộn nhịp cho dù thời điểm này năm ngoái các trung tâm mua sắm, siêu thị đã phải lo tìm người bán hàng tăng ca.

Dạo một vòng quanh thành phố Holbæk, tôi thấy đa số người mua chỉ tập trung vào thực phẩm và những mặt hàng gia dụng. Tại Copenhagen tình hình cũng không sáng sủa hơn. Magasin du Nord – trung tâm bách hóa lớn nhất trong các nước Scandinavia, giảm 30-40% giá tất cả mặt hàng giày dép, hàng gia dụng vào các ngày chủ nhật trước lễ nhưng người mua vẫn thưa thớt.

Cho dù tới nay khối các nước Scandinavia vẫn được xem là khá an toàn nhưng không có gì đảm bảo sẽ không sa vào khủng hoảng, nhất là khi Đan Mạch là nước nhỏ, kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Theo Cục Thống kê Đan Mạch, chỉ trong tháng 9-2011 có tới 507 xí nghiệp phải đóng cửa. Đầu năm tài chính 2012, tới lượt các “đại gia” như Vestas – nhà sản xuất quạt gió lớn nhất thế giới, Hãng bia Carlsberg… cắt giảm một loạt vài trăm nhân viên.

Cảnh thường thấy năm nay trên những phố mua sắm Đan Mạch: Lò bánh Erik – đóng cửa. Trên kính là tấm giấy ghi: “Cảm ơn sau 37 năm rưỡi” – Ảnh: Quế Viên

Vẫn nuôi dưỡng tinh thần tương thân tương ái

Thế nên không cần chính phủ phải hô hào, người Đan Mạch ai nấy ra sức tiết kiệm trong mùa Giáng sinh nhưng điều làm họ bực bội hơn cả là trong khi kinh tế khó khăn, phúc lợi xã hội, đầu tư cho giáo dục, y tế đều bị cắt giảm mà chính phủ vẫn phải tham gia cứu đồng euro cho dù Đan Mạch không dùng đồng tiền chung này. Khổ nỗi nếu những nước như Hi Lạp, Ý… cũng tuyên bố phá sản như Iceland thì các ngân hàng, các nhà đầu tư vào đây, các tổ chức bảo lãnh cổ phiếu đều mất trắng.

Có lẽ do rút được kinh nghiệm từ Hi Lạp nên người Đan Mạch đối mặt với suy thoái kinh tế khá bình tĩnh. Theo thăm dò của Gallup Đan Mạch mới đây thì 78% người được hỏi đồng ý không đòi tăng lương nếu như điều này có thể tránh cho đất nước khỏi sa vào khủng hoảng, nhưng họ phản đối kế hoạch tăng thuế từ thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp của chính phủ vì điều này chỉ khiến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Đan Mạch kém đi.

Một hệ lụy rất rõ của suy thoái kinh tế là số người không nhà tăng vọt trong mùa Giáng sinh năm nay, tập trung nhiều nhất ở thủ đô Copenhagen và thành phố Aarhus. Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về an sinh xã hội thì số người không nhà có đăng ký là 5.290 người, đa số là nam giới trong độ tuổi lao động. Nhưng con số này rất thấp so với thực tế vì không tính những người không đăng ký vì lý do nào đó, người nhập cư bất hợp pháp, công dân từ các nước EU nhưng đã hết hạn cư trú…

Hội đồng thành phố Copenhagen hứa sẽ cố gắng để không ai phải ngủ ngoài đường trong mùa đông nhưng chuyện này không dễ thực hiện vì ngân sách bị cắt giảm đáng kể.

Tuy vậy Giáng sinh vẫn là Giáng sinh. Tại một số siêu thị ở thủ đô Copenhagen, người ta có đặt những xe chứa quà, khách mua hàng xong ai muốn bỏ món gì vào xe thì bỏ, sau đó sẽ đem chia cho những người không nhà. Cho dù họ là ai, từ đâu tới thì đây cũng là thời gian để mọi người bày tỏ tinh thần tương thân tương ái và nuôi hi vọng vào tương lai. Hi vọng chính là điều rất nhiều người cần phải có trong mùa Giáng sinh năm nay vì lãnh đạo các nước đã họp bàn rất nhiều nhưng tương lai đồng euro tới giờ vẫn tối như đêm Giáng sinh!

Do giá sinh hoạt tại Đan Mạch quá cao mà mùa Giáng sinh phải mua quà, sắm sửa không nhiều thì ít nên nhiều người tính toán rất kỹ. Hàng cao cấp, mỹ phẩm, thời trang nam nữ bay qua London trong thời gian nơi đây có đợt giảm giá lớn; hàng nội thất, kim khí điện máy thì sang Thụy Điển. Đồng krona Thụy Điển có tỉ giá thấp hơn đồng krone của Đan Mạch nên mọi thứ đều rẻ hơn từ 30-40%. Thực phẩm, thuốc lá, bia Carlsberg, rượu các loại để pha gluck (*) – thức uống truyền thống mùa Giáng sinh – thì qua biên giới Đan Mạch – Đức mua tại cửa hàng miễn thuế. Ông thợ điện quen của gia đình tôi đem cả xe rơmooc sang Đức sắm Giáng sinh cho đại gia đình.

QUẾ VIÊN
(Copenhagen, Đan Mạch)

__________

(*) Gluck: thức uống nóng trong lễ Giáng sinh gồm nhiều thứ rượu mạnh pha chung, có ngâm vỏ cam, quế, trái vani, hạt thông, nho khô…

__________

Ý: Chỉ trẻ em mới được quà

Cũng như mọi năm, gần cả tháng nay các khu trung tâm thương mại, các khu phố mua sắm ở trung tâm thành phố Rome (Ý) đã tràn ngập sản phẩm dành cho mùa Giáng sinh. Hàng hóa đầy các ngăn kệ của các cửa tiệm. Nhưng người đi xem thì nhiều, người mua thì ít. Ít hơn hẳn các năm trước.

Ngắm là chính! Tại một cửa hàng ở trung tâm Rome – Ảnh: Thanh Gương

Những năm trước, khoảng một tháng trước Giáng sinh, các đường phố mua sắm đã được kết hoa giăng đèn. Thế nhưng năm nay nửa tháng trước Giáng sinh mà phần lớn các đường phố, cửa hiệu vẫn “âm u”. Chỉ có các trung tâm thương mại lớn hoặc phố mua sắm ngay trung tâm thành phố còn đủ sức “bật đèn xanh đỏ cho em nhỏ nó vui”, chứ các con phố ngoại ô lẫn khu nhà ở của giới lao động thì chẳng “đỏ đèn” tí nào. Chẳng bù những năm còn thịnh vượng, cả con phố đèn màu giăng từ lề đường này sang lề đường kia kéo dài cả cây số.

Thông thường đến mùa Giáng sinh, đại bộ phận giới lao động Ý đều trông chờ vào lương tháng 13. Nhưng năm nay lương tháng 13 không còn là “lá bùa hộ mệnh” cho cả người lao động lẫn giới buôn bán. Tình hình kinh tế khó khăn nên số người có được lương tháng 13 cũng đã giảm. Thậm chí những người có được lương tháng 13 thì hơn phân nửa tiền lương ấy phải dùng để trang trải những món nợ mà cả gia đình đã vay mượn từ đầu năm nay.

Cần nói thêm là chuyện vay nợ ở Ý bây giờ đã trở nên phổ biến trong các gia đình. Chủ yếu là do mua trả góp lúc đầu, nhưng rồi sau đó không đủ sức chi trả hằng tháng nên phải đi vay nợ trả với hi vọng đến tháng lương 13 sẽ trang trải nợ nần. Do đó, khả năng mua sắm bị “bào mòn” gây cảnh ế hàng ế chợ.

Đối với phương Tây, đêm Giáng sinh được coi là ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Tất cả mọi người cố gắng có mặt đầy đủ, người đi làm ăn xa xôi cũng ráng về để đêm 24 cùng ăn mừng với gia đình. Nghi lễ trịnh trọng nhất mà mỗi gia đình đã phải bỏ công hàng tháng trước để chuẩn bị, đó là đúng 12g khuya đêm 24 mọi người quây quần đầy đủ trước cây thông để cùng nhau đón nhận quà trao tặng: trẻ con có quà của ông già Noel đã đành, mà người lớn cũng có quà: vợ tặng chồng, chồng tặng vợ, anh tặng em, ông bà tặng nhau, anh sui tặng chị sui… Cứ thế cả đại gia đình xum xoe xé từng gói quà trong bầu không khí Giáng sinh.

Nhưng năm nay, khả năng mua sắm eo hẹp, rất nhiều gia đình đã phải tuyên bố “đình chiến quà cáp” ở người lớn. Gia đình chúng tôi ước hẹn: quà cáp đêm Giáng sinh năm nay sẽ chỉ giới hạn cho trẻ con. Còn người lớn thì phải tự bằng lòng với những câu chúc tụng kiểu “năm mới hi vọng khá hơn năm cũ” hay an ủi nhau “sau cơn mưa trời lại sáng”. Biết làm sao? Đến bà bộ trưởng lao động còn phải khóc khi nói về kế hoạch thắt lưng buộc bụng năm tới, nói chi tới dân thường!

THANH GƯƠNG (Rome, Ý)

__________

Nga: Vẫn hi vọng điều tốt lành

Tháng 12-2011. Ở Nga, mặc dù khủng hoảng kinh tế cộng với giá xăng dầu và giá nhu yếu phẩm tăng mạnh, nhưng như mọi năm, đầu tháng 12, khi các cửa hàng trung tâm bắt đầu giăng đèn kết hoa là dân chúng lại nhấp nhổm đi mua sắm, tìm quà tặng. Nhìn vào chỉ giá cổ phiếu, dù chỉ tăng 0,07% trong mấy ngày qua thì người Nga vẫn cứ hi vọng vào điều tốt lành sẽ đến.

Tại một gian hàng bán quà tặng làm bằng tay – loại quà tặng rất được người Nga coi trọng – trong Hội chợ Giáng sinh Saint Petersburg 2011 – Ảnh: T.T.

Ngay từ cuối tháng 11, nhất là từ đầu tháng 12, Saint Petersburg trở nên rực rỡ khác thường. Suốt ngày đêm, các đường phố, cửa tiệm, đèn trang trí chớp nháy liên tục trên những cây thông, cành thông, vòng hoa trạng nguyên… Nói cả ngày đêm là vì ngay cả mọi loại xe cộ chạy trong TP cũng bắt buộc phải bật đèn suốt 24 tiếng, từ dạo đầu tháng 10 khi bầu trời trở nên âm u, xám xám.

Mùa lễ hội

Cuối năm cũng là thời điểm vào mùa lễ hội ở Nga, mở đầu một chuỗi những ngày lễ: từ lễ Giáng sinh của những người theo đạo Thiên Chúa và lễ đón năm mới dương lịch như ở các nước châu Âu khác. Nhưng đa số người Nga theo Chính thống giáo nên ngày lễ Giáng sinh của họ là ngày 7-1, vì vậy không khí lễ hội vẫn tiếp diễn và hầu như kéo dài tới tận cuối tháng 2, đến lễ Maslanhitxa, cũng là lễ tiễn mùa đông với đủ thứ trò vui chơi đàn hát tưng bừng náo nhiệt.

Không thể không nói đến cây thông trong những ngày này. Đối với người Nga, mùi đặc trưng của lễ Giáng sinh và năm mới chính là mùi lá thông tươi. Cây thông trước quảng trường cung điện Ermitazh (Saint Petersburg) được dựng sớm nhất, từ cuối tháng 11, cao trên hai chục mét. Cây thông trước tòa nhà Hội đồng nhân dân TP Saint Petersburg được dựng từ đầu tháng 12, cao khoảng cỡ đó. Hầu như không quảng trường nào không có cây thông năm mới với trang trí sặc sỡ, đẹp mắt.

Được biết riêng Krưm, một thành phố rất nhỏ ở phía nam, năm nay sở lâm nghiệp phải chuẩn bị 11.000 cây thông nhỏ mà chẳng bõ bèn gì. Những cây thông tươi này từ 3-5 năm tuổi, số lượng mỗi năm mỗi tăng đến mức “không thể chịu nổi”, người ta phải kêu lên như vậy. Giá năm nay dao động từ 10 USD cây nhỏ đến gần 100 USD cây cao dưới 4m, tăng khoảng 15-20% so với năm ngoái. Có lẽ vì vậy mà gần đây người Nga phải chuyển sang dùng cây thông nhựa, tự an ủi là vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm.

Chú heo địa đồ trong Hội chợ Giáng sinh Saint Petersburg, ai góp tiền từ thiện sẽ được cưỡi – Ảnh: T.T.

Hồi hộp chờ giờ… G

Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Romir, 1/3 người Nga năm nay từ chối thực hiện kế hoạch mua sắm lớn do tâm lý thiếu tự tin và lo lắng trong tiêu dùng, vì cho rằng sẽ có làn sóng khủng hoảng thứ hai. Trong khi đó các dự báo từ giới ngân hàng có vẻ lạc quan hơn, nói mùa tết năm nay người Nga sẽ chi khoảng 520 tỉ rup, do phần đông người Nga nay cho rằng nên sắm sửa, không dành dụm nữa!

Còn theo kết quả thăm dò của cổng tuyển dụng Superjob thì 1/3 người lao động cho rằng họ sẽ được nhận lương tháng 13. Như vậy là tăng hơn năm ngoái 3%. Về phía công ty, chỉ có 7% doanh nghiệp cho biết không thể trả tiền thưởng vì tình hình tài chính bất ổn. Điểm thú vị là năm nay chi phí trung bình để sắm sửa cuối năm của dân Nga nói chung tăng so với năm ngoái khoảng 30%!

Chuyên gia phân tích của Ngân hàng City Bank ở Matxcơva cho biết tổng khối lượng tiền của người Nga sẽ chi trong tháng 12 năm nay là gần 2,6 nghìn tỉ rup. Đó chính là lý do để các cửa hàng khắp nước Nga trang hoàng lộng lẫy và chất hàng tràn ngập các quầy để đón dòng người đi mua sắm cuối năm. Các cửa hàng tự an ủi nhau: chưa tới giờ G nên họ vẫn còn hi vọng!

Mà có lẽ có thể hi vọng, vì xem ra cuộc khủng hoảng hiện nay chưa tác động mạnh tới người Nga lắm. Bà Marina (60 tuổi, về hưu) than năm ngoái khủng hoảng, năm nay cũng khủng hoảng, chẳng biết bao giờ mới hết khủng hoảng, nên “có lẽ phải mua sắm thôi, tôi đang tìm chỗ nào giảm giá rẻ rẻ chút, chứ năm nay thứ gì cũng đắt, sang năm chả biết thế nào. Người ta hứa là hai năm nữa chúng tôi sẽ sống được bằng lương hưu. Hứa là tốt rồi, chúng tôi đang chờ đây”.

Còn Galina, 29 tuổi, nhân viên văn phòng công ty vận tải hàng hóa, hi vọng nhận tiền thưởng đủ để sắm iPhone cho sành điệu, lại vừa tiện cho công việc nữa. “Năm ngoái sắm được đôi ủng da xịn của Ý, tuyệt vời đến mức các bạn cùng phòng đến giờ vẫn trầm trồ” – cô nói.

Vadim Golubev, 37 tuổi, giám đốc xưởng cơ khí sửa chữa xe hơi, cho biết bốn năm nay hầu như năm nào gia đình anh cũng đi du lịch nước ngoài có nắng ấm để trốn tuyết. Đã dự kiến tết năm nay sẽ đi du lịch ở đảo Cyprus, nhưng bây giờ cô vợ mới có bầu hai tháng nên bỏ kế hoạch đó. “Lúc khác đi, thiếu gì dịp, lo gì. Miễn đừng rượu chè bê tha và đừng làm biếng thì lúc nào cũng có việc”.

Hỏi anh có lo âu gì về tình hình kinh tế không thì Vadim hi vọng kinh tế năm mới sẽ ổn định dù đầy rẫy khó khăn: “Nước lớn bao giờ chả thế, đặc biệt nước Nga lại càng thế”. Dịp cuối năm này anh vừa làm mới toàn bộ phòng tắm và mua một chiếc xe nôi. “Tôi đang gom tiền để sang năm đổi xe mới vì xe cũ đi năm năm rồi. Nên quà cáp thì bình thường thôi, rượu, quần áo mới. Vợ tôi tự làm loại bánh gia truyền để tặng bạn bè. Ngon lắm, ai cũng thích” – Vadim hài lòng.

NGUYỄN THỊ THANH THANH
(Saint Petersburg, Nga)

__________

Anh: Hyde Park vẫn vui!

Tuyết rơi trắng cả tóc người đi mua sắm khi vừa bước vào trong khu chợ giáng sinh Thiên thần (Angels Christmas Market) ở công viên Hyde Park, London. Ai cũng ngước nhìn lên trời tự hỏi tuyết bắt đầu rơi hồi nào mình không hay, rồi vỡ lẽ đây là tuyết giả được phun từ mái lều trong khuôn viên chợ!

Chợ giáng sinh Thiên thần trong công viên Hyde Park là chợ giáng sinh lớn nhất ở London với hàng trăm túp lều gỗ kiểu miền núi xứ Alps hoặc Scandinavia – Ảnh: Giáng Uyên

Chợ giáng sinh Thiên thần lớn nhất ở London với hàng trăm túp lều gỗ kiểu miền núi xứ Alps hoặc Scandinavia được dùng làm hàng ăn, quầy bán đồ trang trí, quà tặng, khu trò chơi thiếu nhi…, dù vẫn không “thấm tháp” so với những khu chợ giáng sinh ở Đức, nơi bắt nguồn truyền thống họp chợ bán đồ làm bằng tay và món ăn nấu tại chỗ phục vụ khách mua sắm tại những khu công viên, quảng trường lớn… vào dịp trước Noel. Ngày nay trên khắp châu Âu hầu như đâu cũng có chợ giáng sinh nhộn nhịp tưng bừng và mang nhiều bản sắc văn hóa.

Những khu chợ giáng sinh làm dân bản xứ vui vì mang tính truyền thống, nhưng việc mua sắm chính vẫn diễn ra chủ yếu ở những khu phố lớn, chẳng hạn như khu West End ở London với 600 cửa hàng, có khoảng 1 triệu khách đến mua sắm vào thứ bảy và 600.000 khách vào chủ nhật những tuần lễ trước Noel. Tuy nhiên có vẻ như dân Anh đã chú ý tiết kiệm hơn trước, ví dụ ngày thứ bảy 11-12 năm nay khu West End thu vào 180 triệu bảng so với 200 triệu bảng của năm trước.

Còn mua sắm trên mạng thì càng tiện lợi và dễ dàng với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhiều khi hàng tặng kèm trị giá cao hơn hàng mua. Ở Anh thương mại điện tử rất phát triển, ước tính trong số khoảng 47 tỉ bảng mua sắm cho Noel năm nay, hơn 12 tỉ đến từ mua hàng trên mạng Internet, phần lớn là quà tặng cho người khác. (Như nhân vật Jo trong cuốn Những phụ nữ nhỏ của Louisa May Alcott đã nói: “Giáng sinh sẽ không là Giáng sinh nếu không có quà”).

Phương Tây gần đây có khái niệm “Cyber Monday” chỉ ngày thứ hai đầu tiên của tháng 12, cao điểm của mua sắm online với tất cả các cửa hàng đồng loạt giảm giá trên mạng. Chỉ riêng trang web Amazon UK đã có 3 triệu món hàng được giao dịch chỉ trong một ngày hôm đó, phần lớn là sách và máy Kindle đọc sách.

Xem ra cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa tác động mạnh đến dân Anh. Trong chừng mực nào đó, ông David Cameron với quyết định từ chối đồng euro đến giờ cuối, với một số người, không phải là không có lý!

GIÁNG UYÊN (London, Anh)

__________

Mỹ: Một màu đông dài phía trước

Đầu tháng 12, Dorjee Tsering, một nhà làm phim Tây Tạng ở New York, đưa một đoạn phim ngắn lên mạng – Bạn làm ông già Noel được không?

Hàng trăm ông già Noel tụ tập ở World Trade Center và cầu Brooklyn nhân ngày SantaCon hôm 10-12 ở New York, Mỹ – Ảnh: Thanh Tuấn

1. Trong đoạn clip ngắn chưa đầy hai phút, Dorjee chỉ nói lên yêu cầu nhỏ xin giúp đỡ việc làm. Từng là ca sĩ có tiếng trong cộng đồng Tây Tạng ở Ấn Độ, Dorjee, 38 tuổi, sang định cư ở Mỹ hơn tám năm nay nhưng như bao người nhập cư ở New York, công việc của anh bấp bênh, không ổn định. Anh chụp hình, quay phim đám cưới và làm đủ thứ nghề… Nổi tiếng trên cộng đồng mạng với những video về quê hương nhưng cuộc sống hằng ngày của anh bấp bênh vô định.

Đề nghị của Dorjee cũng giống nhiều người đang vật lộn ở New York – họ muốn việc làm ổn định, một nơi chốn tử tế và một hi vọng như giấc mơ Mỹ từng đưa họ tới đây. Và giống như anh, ngày càng có nhiều người Mỹ đang cầu cứu ông già Noel cho Giáng sinh.

Bộ Lao động Mỹ đầu tháng 12 công bố tỉ lệ thất nghiệp đã xuống 8,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009. Con số này được cho là bất ngờ. Tuy vậy, nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra cẩn trọng vì điều tra cho thấy có khoảng 315.000 người đã không còn tiếp tục đăng ký kiếm việc – nên không còn bị xếp là thất nghiệp – sau thời gian dài không có việc làm!

2. Hằng năm, hệ thống bưu điện Mỹ nhận hàng triệu lá thư từ trẻ nhỏ gửi tới ông già Noel. Nhân viên bưu điện sẽ lọc, chọn các lá thư từ những trẻ khó khăn nhất để gửi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Trong ba năm gần đây, số lượng thư gửi tới ông già Noel không chỉ có trẻ nhỏ mà tăng vọt số lượng thư từ người lớn cầu xin giúp đỡ. Năm nay, lẫn trong các lá thư xin đồ chơi, game điện tử là một loạt thư xin áo ấm, đồ ăn hay tiền để trả hóa đơn điện, sưởi cho mùa đông.

“Ngày càng có nhiều lá thư với chủ đề thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều lá thư kiểu vậy gửi đến” – Peter Fontana, người tham gia chương trình ông già Noel ở khu vực New York suốt 16 năm nay, thừa nhận.

Tập trung nhiều nhất năm nay là thư từ những người bà, người mẹ phàn nàn không đủ tiền đáp ứng những nhu cầu thông thường của đứa trẻ như áo khoác, mũ, găng, chăn hay gà tây để mừng ngày lễ.

“Có lá thư của bé gái viết nói những gì bé cần là cái áo mùa đông ấm cho mẹ. Cô bé không cần gì cho mình cả” – Fontana kể.

Với Shadybeth, cô bé nhỏ đang sống với người bà bị bệnh, Giáng sinh tuyệt nhất sẽ là một nơi chốn ở ổn định và không phải chạy từ khu phúc lợi này sang khu phúc lợi khác. “Chúng con đã chuyển sang một khu bảo trợ khác rồi. Có lẽ vì vậy ông không còn nhớ con nữa – cô bé viết – Bà con ốm rất nặng nên con mong có chỗ ổn định để bà nghỉ ngơi”.

Ruth, một bà mẹ đơn thân với ba đứa trẻ, viết thư xin quần áo, giày dép “và một ít đồ chơi (nếu ông có thể)”. “Giá ông giúp được càng nhanh càng tốt. Tôi đang rất tuyệt vọng. Tôi thất nghiệp và hầu như không có tiền”.

Một lá thư khác đến từ Victoria, một người bà vừa trải qua phẫu thuật tim. Bà xin ông già Noel quần áo, đồ chơi và cái “radio nhỏ” cho bé Nisa Marie mới 6 tuổi của bà. Mẹ của Nisa đã thất nghiệp suốt hai năm rưỡi nay. “Con tôi xin việc, xin việc, xin việc và chưa nhận được lời đề nghị nào – bà Victoria viết – Đây có thể là một Giáng sinh vui và cũng có thể là Giáng sinh tệ nhất…”.

“Một lá thư khác của mấy người ông bà nói họ muốn con gà tây và vài món trang trí nhỏ cho bữa tối ngày lễ, nhưng họ thậm chí không mua nổi thuốc cho bản thân mình” – Fontana kể.

3. Năm ngoái, chương trình ông già Noel ở New York nhận được khoảng 1 triệu lá thư, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Năm nay Fontana dự kiến ông có thể nhận tới 2 triệu lá thư.

Dù mọi người nói Noel 2010 là năm khó khăn nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính, dường như năm 2011 này đã có nhiều người khó khăn hơn xin cầu giúp. Năm nay, chương trình của Fontana cũng có ít người tình nguyện giúp đỡ hơn. “Mọi người đã thận trọng hơn với tiền bạc của mình” – ông nói.

Với Dorjee, anh đã nhận được vài đề nghị giúp đỡ sau clip thỉnh cầu của mình. Nhưng không phải ai cũng may mắn có nhiều bạn bè và nổi tiếng như Dorjee. Với họ, sau Giáng sinh sẽ là mùa đông dài phía trước – mùa đông thứ ba kể từ năm 2008.

THANH TUẤN (NewYork, Mỹ)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.