TTCT – Cuối năm bao giờ cũng là thời khắc mang đến nhiều bâng khuâng. Với nhà giáo chúng tôi, điều bâng khuâng dường như lại nhiều hơn…
Giáo dục Việt Nam – chúng tôi có quyền hi vọng không?
Bởi nếu ở một số ngành nghề việc tổng kết đơn thuần chỉ là báo cáo số liệu, căn cứ trên số liệu đó mà xác định việc thành công hay thất bại thì với nhà giáo, đằng sau những số liệu tưởng chừng rất nhỏ nhiều khi lại ẩn chứa những vấn đề lớn.
Thí sinh dự thi vào Trường đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm thủ tục trước khi thi môn lịch sử kỳ thi đại học 2011 – Ảnh: Như Hùng |
Từ những con số như mơ…
Con số tỉ lệ đạo đức của học sinh được xếp loại khá – tốt ở các trường bao giờ cũng là con số như mơ, thậm chí tìm đỏ mắt cũng không ra một em có đạo đức trung bình. Vậy nhưng, tình trạng bạo lực trong học đường hiện nay vẫn diễn ra với nhiều phức tạp. Không chỉ học sinh nam bạo lực với nhau mà có cả bóng dáng học sinh nữ. Không chỉ bạo lực bằng hành động chân tay, các em còn bôi nhọ nhau bằng cách quay clip rồi phát tán lên mạng.
Không chỉ bạo lực giữa học sinh, còn có cả tình trạng thầy cô áp dụng những phương pháp bạo lực với học trò, đau lòng hơn có cả việc học trò bạo lực ngược với thầy cô của mình.
Dư luận đã thật sự quan ngại tình trạng này không còn dừng ở mức “chỉ là hiện tượng cá biệt”, cũng không chỉ dừng lại trong vấn đề đạo đức học sinh, mà còn nhiều lo lắng đến đạo đức nơi người dạy dỗ nữa. Vì thế, khi tỉ lệ đánh giá đạo đức học sinh được đưa ra nhằm làm “an lòng xã hội” mà không phản ánh đúng thực trạng, ta lấy gì để đảm bảo cho thầy cô, cho học sinh chúng ta được hưởng không khí “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?
Không chỉ về hạnh kiểm, tỉ lệ xếp loại học lực của học sinh trong ngành giáo dục cũng làm nức lòng các cấp quản lý. Bao giờ con số yếu – kém cũng ngừng lại trên dưới mức 5%. Hơn 95% học sinh đạt xếp loại học lực trung bình trở lên, trong đó phải có tối thiểu gần một nửa là khá – giỏi, tốt nghiệp THCS gần như đạt 100% và tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên dưới 90%.
Vậy chúng ta phải lý giải làm sao trước việc nhiều khối thi ở các trường đại học không thể tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên dù đã phải trình Bộ GD-ĐT xin hạ điểm sàn? Phải lý giải sao về tình trạng điểm thi môn lịch sử và một số môn xã hội khác thấp bất thường trong kỳ thi tuyển sinh đại học – cao đẳng năm 2011?
…Đến giáo dục vòng vo
Ta đã có bốn năm phát động một cuộc vận động rầm rộ “nói không” với bốn nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử; nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, trong việc ngồi nhầm lớp; nói không với vi phạm nhân cách học sinh và vi phạm đạo đức nhà giáo. Ta những tưởng cuộc vận động này sẽ được làm một cách rốt ráo, đưa được một làn gió mới cho không khí giáo dục nước nhà. Sau bốn năm thực hiện, “cơn gió nói không” đó hình như đã đi qua một cách lặng lẽ so với thuở “trống mở cờ giong”, nhưng kết quả trong giáo dục vẫn là những gì chúng ta “không thấy được”.
Điển hình và gây bức xúc cao trong dư luận xã hội là việc sinh viên của một số trường đại học – cao đẳng ngoài công lập bị từ chối trong tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, cơ sở. Các em đi học là thật, đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để có được mảnh bằng là thật, nhưng vì đâu cái mảnh bằng đó không có giá trị tương đương trình độ học vấn thật sự mà nhà tuyển trạch cần ở các em?
Ta cấp phép cho mở rộng hệ thống trường học trong chủ trương xã hội hóa giáo dục, một thời được coi là giải pháp để xây dựng nên mô hình “xã hội học tập”. Nhưng hình như ngành chỉ chú trọng đến việc kiểm định hồ sơ cấp phép, rồi sau đó khâu quản lý chất lượng đào tạo của các đơn vị này lại thiếu chặt chẽ nên mới dẫn đến hậu quả trên. Mà lãnh đủ gánh nặng đó lại là thế hệ trẻ. Đâu là lối ra cho hàng ngàn con người đang đứng trước nguy cơ phải đào tạo lại nếu muốn trở thành những người lao động chân chính, có khả năng thật sự?
Trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội lần thứ hai, khóa 13, hình ảnh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời vòng vo trước những vấn đề giáo dục được đại biểu cử tri đưa lên chất vấn, khiến chủ tịch đoàn phải nhắc nhở nhiều lần, gần như là hình ảnh chung của giáo dục hiện nay. Ta loay hoay trước những vấn nạn như lạm thu những nguồn quỹ “ngoài ngân sách” của nhiều đơn vị trường học núp dưới sự nhân danh “chăm lo cho đời sống giáo viên”.
Ta loay hoay trước nạn dạy thêm – học thêm tràn lan khi người ta viện vào việc chương trình dạy quá tải, phân bố thời gian không hợp lý mà muốn thanh toán cho đủ, kiến thức cho thông, ngoài việc “bắt” học sinh học thêm thì không còn cách nào khác. Ta càng loay hoay khi trước sức ép của dư luận đã vội vã công bố “nội dung giảm tải” cho năm học này, mà thực chất chỉ là cắt bỏ một số phần trong bộ sách giáo khoa (văn bản vốn từ lâu được xác định chỉ là tham khảo) chứ không phải là giảm tải chương trình thật sự.
Đợi chờ một “thời tiết giáo dục” ổn định
Những lúng túng từ cấp cao nhất của ngành trước diễn đàn Quốc hội dành cho giáo dục, không biết có nên cho nhà giáo chúng tôi một hi vọng gì cho ngành, cho nghề, cho mình và cho học sinh hay không.
Và câu trả lời vẫn là có.
Chúng tôi vẫn còn hi vọng bởi bên cạnh những trò càn quấy, vô đạo diễn ra ngày một nhiều trong học đường hoặc bên ngoài đường phố của một bộ phận người trẻ, vẫn còn hàng ngàn bạn trẻ đồng lòng lôi ra trước ánh sáng pháp luật một kẻ thủ ác đụng người rồi bỏ chạy luôn, sau đó còn vào mạng xã hội huênh hoang với một câu slogan không còn nhân tính.
Chúng tôi vẫn còn hi vọng bởi bên cạnh những người thầy chăm chút cho các trung tâm dạy thêm ngày một phình to và thu lợi, vẫn còn hàng vạn thầy cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa heo hút gồng gánh con chữ đến với các trò nghèo.
Chúng tôi hi vọng bởi bên cạnh những trò chơi “gầm rú” làm náo loạn kỷ cương đường phố, vẫn thấy những viên đá đổ xuống cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” hôm nay, có nhiều lắm những viên đá được chắt chiu từ những bàn tay còn rất non trẻ. Và cả những bàn tay “trẻ người” nhưng không “non dạ” nhân ái vươn xa, vươn dài hơn theo “ước mơ của Thúy”.
Đặc biệt, bài luận văn xuất sắc của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh chuyên lý Trường Amsterdam – Hà Nội, trước một vấn đề thực tế của xã hội hiện nay: “vai trò của đồng tiền” nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ từ hàng triệu bạn trẻ. Bài văn được đánh giá cao không phải vì đó là một bài nghị luận xuất sắc mà chính ở chất nhân văn, chất “người tử tế” rỡ ràng nơi một học sinh còn nhỏ tuổi.
Cho thấy nếu giáo dục ở ta đừng cứng nhắc, khuôn mẫu, giáo điều, nếu giáo dục thay đổi kịp thời theo hơi thở nhịp sống và thời đại, thay đổi theo một lộ trình khoa học và bài bản (chứ không như kiểu tổ chức cho giáo viên dạy tiếng Anh thi chứng chỉ FEC đang gây nhiều tranh cãi hiện nay!), nếu thầy cô giáo được cởi bỏ những nguyên tắc trói tay trói chân lỗi thời, và nếu giáo dục thật sự được coi là một ngành quốc sách, thầy cô giáo được chăm lo như những “nguyên khí quốc gia” thì chắc hẳn những vấn đề bức xúc về giáo dục hiện nay đã và có thể giải quyết từ rất lâu rồi.
Năm 2012 sẽ cho chúng ta 12 tháng để không chỉ hi vọng, mà còn là những đòi hỏi chính đáng về một “thời tiết giáo dục” Việt Nam ổn định hơn, trong sáng hơn…
LÂM MINH TRANG (Gò Vấp, TP.HCM)
Thống kê từ kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011, điểm thi môn lịch sử ở hầu hết các trường thấp đáng lo ngại. Hầu hết ở các trường tỉ lệ thí sinh đạt điểm thi môn sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm 0,3-5%. Chẳng hạn Trường ĐH Tiền Giang, hơn 98% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình. Trường có 253 thí sinh dự thi khối C nhưng chỉ năm thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên (điểm cao nhất là 5,25), chiếm 1,97%. Trong khi đó lại có đến 47 thí sinh có điểm thi 0. Thậm chí tại Trường ĐH Quảng Nam có đến 99% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình. Trong số 900 thí sinh dự thi khối C, chỉ có 9 thí sinh đạt điểm 5. Đáng ngại là từ mức 0-0,5 điểm có đến 451 thí sinh. Trường ĐH Đà Lạt có 1.564 thí sinh dự thi khối C và kết quả môn sử là gần 98% thí sinh có điểm dưới trung bình. Trong khi chỉ 34 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên thì ở chiều ngược lại, có đến 614 thí sinh có điểm thi dưới 1. ĐH Văn hóa TP.HCM là một trong những trường có số lượng ngành tuyển khối C khá nhiều. Tuy nhiên chỉ 3,6% thí sinh đạt điểm môn sử từ 5 trở lên. Đáng ngại nhất là tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trong số 288 thí sinh dự thi khối C chỉ có duy nhất một điểm 5 môn lịch sử! Nghĩa là có đến hơn 99,6% số bài thi có điểm dưới trung bình. M.G. |
Source: Báo Tuổi Trẻ