ATX – Cụ Hương Đa mới ngoài sáu mươi nhưng trông có vẻ yếu đuối già nua, gầy như bộ xương. Mái tóc tuy chưa bạc đều nhưng khá dài, có lẽ một năm rồi cụ chưa đến tiệm hớt. Bộ ria mép vênh vểnh được cụ chăm sóc cẩn thận nhất. Cụ hay đưa tay xoắn xoắn, mân mê. Những nét đặc biệt ấy khiến vẻ mặt cụ thêm phần bí hiểm.
Ván cờ chạy
(Tặng anh Vũ)
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Việc nhà đã có con cháu lo, cụ chỉ có một niềm vui là đánh cờ tướng. Thời ấy làng tôi nghèo lắm nhưng lại thích chơi cờ. Người người chơi cờ như một phong trào. Trong tiệm hớt tóc, người ta đánh cờ để chờ tới lượt mình. Bên vỉa hè bọn trẻ cũng tụm năm tụm bảy đánh cờ quẹt lọ. Lũ chúng tôi ngoài giờ học cũng chơi cờ, bàn bạc, điểm mặt ai là người cao cờ.
Thứ nhất là cụ Hương Đa
Thứ nhì Cửu Lợi, thứ ba Phụng Kỳ
Thứ tư là cụ Chánh Y…
Tên mình đi vào ca dao – dù là ca dao một vùng quê, cũng thích lắm rồi. Vì vậy, chúng tôi thường tranh nhau quyết liệt, may ra tên mình được xếp vào sổ “đoạn trường” ấy thì sung sướng biết mấy. Vì vậy mà chúng tôi thường tìm đến nhà cụ Hương Đa để xem và đôi khi cũng được hầu cờ với cụ. Ngặt một điều là cụ chẳng bao giờ đánh chơi, lúc nào cũng phải có tiền cá cược. Cụ thường bảo:
– Tôi ghét nhất là bọn con bạc đỏ đen. Cái thứ bài cào xóc đĩa là thứ gươm đao chết người. Một đêm ngồi sòng có thể sạt nghiệp. Nhà cửa ruộng vườn có thể đi tong nếu gặp cơn “khát nước”. Thua rồi gỡ, càng gỡ càng thua. Thế là toi hết sản nghiệp phải không các cậu?
– Cụ nói chí phải nhưng…
– Chẳng nhưng nhị gì cả. Các cậu muốn biết vì sao đánh cờ với tôi là phải có tiền phải không?
– Dạ, dạ…
Cụ cất tiếng cười nói tiếp:
– Đánh cờ là đấu trí, là điều binh khiển tướng, mệt óc lắm, nếu chỉ đánh cờ suông, không có gì kích thích thì làm sao mà hăng hái suy nghĩ cho chín chắn. Vả lại, đấu trí nó cao thượng lắm. Hơn thua là lẽ thường. Hơn thì vui sướng đã đành, còn người thua thì được học. Học được một vài thế cờ thì dù có bỏ ra dăm ba chục bạc cũng đáng lắm chứ!
– Xin lỗi cụ! Hiện nay cụ là người cao cờ nhất vùng, xin cụ cho biết là nhờ đâu?
– Phải thua nhiều, thua đau đớn mới học được nhiều thế bí hiểm, mới cao cờ được. Các cậu quá khen, chứ tôi làm gì được cái vinh dự ấy!
– Cụ không nghe người ta nói sao: Cao cờ nhất xứ là cụ Hương Đa/Ông Đế Thích sống lại, cũng chẳng qua được nào!
– Chà! Chà! Các cậu nói thế là “bốc” tôi lắm, nhưng các cậu mắc vào tội phạm thượng rồi đó. Đế Thiên, Đế Thích là tiên, còn mình là người phàm xác tục làm sao dám so! Có lẽ các cậu đến đây là để thử tài phải không?
– Dạ chúng cháu đâu dám, xin hầu cờ với cụ ít ván thôi.
– Thế thì các cậu định chơi thế nào?
– Dạ! Tùy cụ…
Cụ cười thật thoải mái và tiện tay bày bàn và túi quân cờ. Bộ bàn cờ bằng sừng đã lên nước bóng loáng. Trong tích tắc bộ cờ đã ở trước mặt chúng tôi. Bắt đầu!
Chúng tôi mỗi đứa cũng đã vài lần chơi cờ với cụ, cứ xem cách ra quân nhẹ nhàng, răm rắp mà thán phục. Cụ quả là bậc cao cờ đã đành mà cụ còn là một người đầy trí lự, nếu không muốn nói là “cáo già”.
Lần nào cũng vậy, nếu mới đấu lần đầu thế nào cũng buộc phải đánh ngang nhau. Nếu thấy lực cờ đối phương kém thì thế nào cụ cũng thả cho một ván. Không bao giờ cụ thắng luôn ba ván. Rồi cụ khen:
– Cậu khá lắm, khá lắm, hậu sinh khả úy mà! Tôi làm gì thắng hẳn cậu được. Chiều ý mấy cậu. Tôi cố gắng lắm cũng chỉ có thể chấp cậu đi trước hay con tốt đầu hoặc con mã là cùng.
Miệng nói vậy chứ cụ luôn chủ động, cụ muốn thắng thì thắng, muốn huề thì huề. Biết vậy nhưng lòng háo danh của tuổi trẻ khiến chúng tôi không thể nào xa cụ được. Thỉnh thoảng cụ vẫn để thua, nhưng những ván cờ sau đó thế nào cụ cũng lấy lại! Có lẽ thắng đậm là điều tối kỵ. Cụ luôn tạo cho chúng tôi một cảm giác là có thể thắng được cụ. Cuộc cờ có kéo dài đến năm ván thì cụ luôn thắng ba. Cụ an ủi:
– Đấu cờ là trò chơi trí tuệ! Các cậu tuy còn trẻ nhưng “lực kỳ” rất khá. Hồi còn trẻ tôi đâu bằng các cậu bây giờ!
Những lời tâng bốc có tình có lý khiến mũi của chúng tôi như nở ra, nên luôn đem tặng cụ số tiền dành dụm để cụ uống trà thoải mái! Lần đầu chúng tôi đã hiểu, đã thấm và biết được những dụng ý của cụ. Vì vậy chúng tôi cùng bàn nhau một kế hoạch bí mật.
Ngồi vào bàn cờ mà bao nhiêu ý nghĩ cứ chập chờn trong đầu. Kế hoạch của chúng tôi có thành hay không là cầu mong cụ thả cho ván đầu!
Sau vài mươi phút căng thẳng, số quân cờ của cụ ngang với số quân cờ của tôi. Tôi lo lắng căng óc ra nghĩ, số quân cờ ngang nhau thì làm sao thắng nổi? Tôi đành rút quân về thủ thế. Thấy vậy cụ cười.
Tôi thò tay vào túi lấy thuốc hút, mấy tờ giấy bạc lớn cũng rơi ra. Dường như mắt cụ như sáng lên.
Ván cờ được tiếp tục thì may mắn sao, tôi chớp được con xe lợi hại của cụ dù đành mất con mã. Thế cờ đã rõ. Sau dăm mươi nước tiếp theo, mỗi bên mất thêm vài quân. Bỗng cụ bảo: “Tôi thua ván này. Giỏi! Giỏi!”. Thật bất ngờ. Có lẽ cụ thả cho tôi thắng chăng?
Tôi đang loay hoay cố trì hoãn việc xếp cờ vào bàn. Tôi liếc mắt nhanh ra ngoài thì Long đứng bên ngoài có vẻ chờ đợi. Tôi nói to để Long nghe:
– Cháu thắng cụ ván đầu, nhưng dễ gì giữ được ván sau!
Cụ cười vui:
– Chơi cờ cũng có lúc rủi may chứ!
Vừa lúc ấy Long chạy vào la toáng lên:
– Trời ơi! Tao tìm mày gần một giờ rồi! Mày không hay biết gì sao? Ông ngoại của mày chết rồi! Sao mày còn ngồi đây mà cờ với bạc?
Tôi giả vờ ngơ ngác:
– Sao! Mày nói sao?
– Thôi, cháu về đi! Làm con cháu phải biết lấy chữ hiếu làm trọng. Về đi! – Nói rồi cụ mở ví đưa tôi tờ bạc hai chục, tiền cá cược.
Số tiền này vừa đủ để bù lại số tiền mà nhiều lần tôi đã “góp” cho cụ uống trà. Lòng tôi mừng rơn, tôi cầm tờ giấy bạc mà cứ sợ cụ đổi ý. Và Long kéo tôi đi thật nhanh như chạy. Quá nhà cụ chừng ba chục mét nó mới dám cười to. Long bảo:
– Có bao giờ mình thắng được đâu. Ván cờ cuối cùng! Đúng hơn là ván cờ chạy làng!
Mãi gần một năm sau tôi mới gặp lại cụ. Cụ bồi hồi nhắc lại ván cờ hôm ấy. Cụ cười mà không vui:
– Tôi nhớ rất rõ, sau khi cậu ra khỏi nhà, tôi nghe tiếng cười của hai cậu. Tôi nhận ra ông ngoại của cậu đã khuất núi từ lâu. Hóa ra các cậu cũng ghê nhỉ! Có lẽ các cậu lấy câu châm ngôn “Trong trận chiến (dù chỉ là cuộc cờ) kẻ thắng sau cùng mới là kẻ chiến thắng chăng?”. Tuy vậy tôi nghiệm ra rằng các cậu đã thừa nhận, các cậu yếu hơn tôi!
– Dạ cụ nói rất đúng.
Cụ cười và nhắc rằng:
– Ở đời thực tài, thực học là vốn quý. Người ta chỉ nghiêng mình trước học giả chứ không phục kẻ giả học.
NGUYỄN PHÚC LIÊM
(Quy Nhơn)
Áo Trắng Xuân Nhâm Thìn 2012 ra ngày 26/12/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ