Những miền lễ hội

TTCT – Tháng giêng “ăn chơi” cũng là tháng giêng của những miền lễ hội. Trải khắp các vùng từ xuôi lên ngược, sâu trong những làng quê thuần hậu, nơi tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết, huyền sử hòa trộn, các lễ hội mang đến một nét đẹp văn hóa đậm tính Việt hơn hết…

Chuyên đề:

Những miền lễ hội

Và điều đó một lần nữa cho thấy khi lễ hội thật sự là của làng, của dân, những nhốn nháo kim tiền, những phù hoa giả tạo… như đã thấy lâu nay sẽ bị đẩy lùi.

Ra Giêng đi lễ hội Bà

Toàn cảnh lễ hội Dinh Cô với hàng chục ngàn người tham dự tại bãi biển Long Hải  – Ảnh tư liệu do ban quản lý Dinh Cô cung cấp

Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh viết: “Thờ phụng nữ thần và mẫu thần là cái nền chung của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Có lẽ vì thế, trong tiết xuân ấm áp, nơi đền miếu quyện khói hương trầm, trong những lễ hội mang đậm màu sắc dân gian cổ truyền, thu hút hàng chục ngàn khách thập phương tụ về, không thể không nhắc đến những lễ hội Bà.

Truyền thuyết Dinh Cô

Dinh Cô là một kiến trúc hoành tráng, đậm màu sắc văn hóa dân gian, nằm bên bờ biển Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). “Lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển”, Dinh Cô vừa là nơi thờ cúng tôn nghiêm, vừa có không gian thanh thoát với bãi biển rộng đẹp, hấp dẫn khách phương xa. “Từ mồng 5 tết trở đi là tụi tui bắt đầu quay như chong chóng” – ông Thái Văn Cảnh, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô, cho biết.

Theo ông Thái Văn Cảnh, tương truyền hồi trào Minh Mạng, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định), giàu lòng nhân ái từ bi, muốn tìm nơi thanh liêu ẩn dật. Cô thường theo cha là ông Lê Văn Cần đi ghe bầu vô Nam buôn bán. Tới mùa gió bấc, trời lạnh, sóng to gió lớn, cô và cha thường đậu ghe tránh gió ở sũng (vũng) Cây Dầu (cách Dinh Cô ngày nay khoảng 800m).

Ra tết, trời êm biển lặng, cô cùng cha kéo neo quay hướng về Bình Định. Chẳng may khi vừa tới Hòn Hang, gặp một luồng gió lớn thổi ngang, cô lâm nạn chết trên biển khi mới 16 tuổi. Ngư dân kéo lưới mai táng cô trên đồi cạnh đó rồi lập miếu thờ ngoài bãi biển. Dần dà, người dân cảm thấy cô hiển linh như thần. Mỗi khi gặp dông bão hiểm nguy, ngư dân van vái cầu cô phù hộ tai qua nạn khỏi thì y như rằng đều được thoát nạn. Mỗi chuyến ra khơi, bà con thành tâm cầu xin thì lúc về tôm cá đầy ghe.

Một lần, cả làng chài Long Hải bị dịch thổ tả, người dân không cách gì chữa chạy, người chết khá nhiều. Bà con xin cô cứu độ, hiển linh thay, sau đó bệnh dịch lui dần. Từ đó, trong tâm linh của người dân trong vùng, cô được ví như một nữ thần cứu nhơn độ thế, giúp đỡ ngư dân có cuộc sống yên lành, hạnh phúc.

Ông Cảnh kể năm 1930, khi ngư dân Long Hải dời miếu cô lên núi Kỳ Vân (Dinh Cô ngày nay), các nhà khảo cổ phát hiện có một tấm bia khắc chữ Hán, dịch ra là “Long Hải thần nữ bảo an chánh trực nương nương chi thần”, có lẽ là danh hiệu cao quý mà người xưa đặt cho cô để ghi nhớ công ơn.

Lễ hội trên mặt nước

Theo ông Nguyễn Văn Điểm, phó bái (ban nghi lễ) lễ hội Dinh Cô, trước ngày giỗ chánh (mồng 10 và 11-2 âm lịch) có những đêm hội hoa đăng trên biển. Hàng vạn ghe thuyền kết hoa đăng rực rỡ đậu kín bên bờ biển, hướng mũi vào Dinh Cô. Lúc này trời đã có trăng nên khung cảnh càng thêm huyền ảo. Ghe thuyền nào cũng cờ, đèn, kèn, trống ca hát tưng bừng. Bên bờ biển, hàng vạn du khách dựng lều, trải bạt cắm trại dã ngoại càng thêm nhộn nhịp.

Tới ngày chánh lễ (12-2 âm lịch), từ sáng sớm các ghe thuyền quay hướng ra biển làm lễ Nghinh Cô. Một chiếc ghe của dân chài được coi là đi biển giỏi nhất trong năm được chọn dẫn đầu, trên có ngai, long vị Cô cùng các vị trong ban nghi lễ, các bô lão cao niên với lễ phục trang nghiêm và đội lân sư rồng. Đoàn ghe thuyền nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời.

Đi khoảng 2-3 hải lý, nhắm chừng tới nơi Cô tử nạn ngày xưa, ông chánh bái bắt đầu nghi lễ rước Cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên cùng về dinh ăn giỗ. Nhân dịp này, ngư dân cũng khấn vái đất trời, thủy thần tiếp tục phò hộ dân làng năm mới làm ăn được thuận buồm xuôi gió, mọi sự bình yên, tai qua nạn khỏi. Xong lễ, đoàn ghe quay vào, trên đường đi cũng trống chiêng inh ỏi, bạn chèo ca hát vang lừng, tâm trạng hết sức vui vẻ.

“Công đức của bà Cô giúp cho dân lành tới ngày nay vẫn còn – ông Thái Văn Cảnh cho biết – Nguồn thu mỗi năm từ cúng lễ của khách hành hương khoảng 3 tỉ đồng, ngoài dùng để trùng tu, tôn tạo di tích đình, chùa trong thị trấn còn là nguồn quỹ hỗ trợ nhà tình thương, học sinh nghèo hiếu học, quỹ khuyến học, hỗ trợ bếp ăn của Bệnh viện huyện Long Đất, trợ cấp hằng tháng cho mẹ liệt sĩ, gia đình có công, người nghèo neo đơn…”.

Dân làng tụ tập trước lăng Bà Chợ Được trước giờ xuất phát cuộc diễu cộ diễn ra khoảng 18g mồng 11 tháng giêng âm lịch. Số người trẩy hội càng lúc càng đông khi cuộc diễu bắt đầu – Ảnh: Doãn Thành Trí

Linh đình rước Cộ Bà Chợ Được

Và khó nói hết nỗi nao nức của người dân xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trong những ngày đầu xuân năm nay khi lễ hội Cộ Bà Chợ Được được tổ chức hết sức trọng thể. “Lễ hội Cộ Bà diễn ra mồng 11 tháng giêng âm lịch hằng năm, nhưng theo lệ làng cứ ba năm mới được tổ chức quy mô một lần như năm nay. Những năm khác chỉ làm lễ cúng đơn giản gọi là “lệ Bà”, với một bàn cộ rước sắc Bà từ lăng đến các xóm quanh chợ rồi trở về… chứ không có diễu hành cộ” – ông Vũ Thanh Xuân, quản thủ lăng Bà Chợ Được, giải thích.

Vậy nên chờ đợi một đám rước cộ, diễu hành suốt ba năm cũng thật đáng công. Để có bàn cộ (được gọi tắt là cộ, bàn, tức là bàn được đặt trên xe đẩy) diễu hành là cả một sự chuẩn bị công phu. Người dân của ba xóm quanh chợ Được và xóm Tây, xóm Nam kề bên lo việc làm cộ. “Lễ hội năm nay được làm lớn, có đến sáu cộ, mỗi xóm lo liệu một cộ, từ trang trí đến tuồng tích diễn” – anh Hồ Viết Lợi, người lo phần mỹ thuật, biểu diễn chung cho các cộ của lễ hội, cho biết. Tuy là việc làm được truyền thừa nhưng để cộ luôn có nét mới lạ người làm cộ phải tìm tòi, sáng tạo những kiểu thức, vật liệu trang trí mới cho mỗi cộ.

Truyền thuyết kể rằng Bà Chợ Được thích xem hát bội, diễn tuồng. Bởi vậy trong lễ hội Cộ Bà, dân làng đã sáng tạo cộ tuồng – một sàn diễn, một sân khấu nhỏ di động bên cạnh cộ rước sắc Bà để dâng cho Bà xem. Những tích tuồng Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền phá quân Nam Hán, Lê Lợi trả gươm thần, Thạch Sanh – Lý Thông, Phước Lộc Thọ… luôn được các nghệ nhân ở đây diễn xuất trong đám rước Cộ Bà bằng những trích đoạn thay đổi để khỏi trùng lặp. Có năm thêm cả những vở diễn kể chuyện nổi bật của địa phương, đất nước.

Ngoài việc trưng bày cộ, sáng tạo nổi bật của những nghệ nhân chân đất ở Bình Triều là họ tự mò mẫm tìm ra những kỹ xảo trong diễn xuất vốn rất khó khăn, phức tạp trên cộ – một sàn diễn chỉ rộng chừng 10-12m2, lại luôn di chuyển trên những con đường không mấy bằng phẳng.

“Ngoài việc sử dụng các công cụ kỹ thuật như khí gas, tia lửa điện, khói mù phụ trợ cho một số cảnh diễn, mình còn phải lanh tay, nhạy mắt mới có thể diễn được những cảnh khó, phức tạp trên cộ đang di chuyển. Mà theo quy định, xưa nay toàn bộ diễn viên trên cộ phải là lớp thiếu niên từ 15 tuổi trở xuống…” – anh Lợi giải thích. “Lớp trẻ ở đây rất siêng học diễn. Nhiều nhà có hai, ba thế hệ diễn viên, lớp lớn mãn có lớp nhỏ nối theo…” – nghệ nhân cộ Văn Hồng Lưu nói.

Ông Trần Ngọc Đội, trưởng Phòng văn hóa – thông tin huyện Thăng Bình, cho biết Cộ Bà năm nay được nối dài lộ trình thêm 3km đến thị trấn Hà Lam để nhiều người được thưởng lãm lễ hội độc đáo này. “Biết sự hấp dẫn của Cộ Bà, nhiều người ở xa đã đến Bình Triều trước một vài hôm để trước viếng lăng Bà cầu phúc lộc, sau chờ xem lễ hội. Nhiều Cộ Bà có đến hàng vạn người nối hàng rồng rắn dõi xem.

Lễ rước sắc, lễ cúng Bà năm nay vẫn diễn ra vào tối 10, sáng 11 tháng giêng như thường lệ, nhưng có thêm nhiều nghi thức trọng vọng với các đội cúng, đội nhạc lễ. Sau lễ cúng tại lăng Bà sáng 11 tết, cuộc đua ghe trên sông Trường Giang bắt đầu. Buổi chiều tiếp tục hội vui với các môn thể thao, trò chơi dân gian. Và cuộc diễu hành cộ – linh hồn của lễ hội – cũng bắt đầu như mọi lần vào khoảng 18g.

“Lần này diễu cộ chắc phải đến nửa đêm mới xong. Lâu lâu mới có một Cộ Bà diễu xa thế này, ai cũng nên chơi cho phỉ chí mới được…” – một người ở xứ sở của Cộ Bà nói, vui như họ đang trên đường trẩy hội.

Theo thần phả, Bà Chợ Được sinh năm Canh Thân (1800) tại làng Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà quy (mất) năm Đinh Sửu (1817).

Hiển thánh sau khi quy, năm 1852, nhân một chuyến vân du đến làng Phước Toản, nhìn phong cảnh trên bãi dưới sông hữu tình, Bà hóa thân thành một thiếu nữ ngồi đổi nước, bán trầu cau tại khu đất gần bến đò. Chẳng bao lâu nơi Bà ngồi bán, dân làng tụ hội đến mua bán tạo nên một cái chợ.

Thấy bỗng dưng “được” một cái chợ, dân làng đặt tên chợ là chợ Được (Đắc thị). Sau khi thăng biến, Bà phụ xác đồng cho một người trong làng Phước Toản, nói rõ thân thế của mình. Rồi Bà cũng giúp cho đồng tử này làm thuốc chữa bệnh cứu người rất công hiệu. Cảm công đức của Bà, dân làng quanh chợ Được lập lăng thờ Bà. Bà được vua Thành Thái ban sắc phong là Trang huy dực bảo trung hưng trung đẳng thần.

Đến đời vua Khải Định, Bà được sắc phong tôn là Thượng đẳng thần. Sau lễ rước sắc phong của Bà từ phủ lỵ Thăng Bình về lăng (chợ Được), hằng năm dân làng quanh chợ Được tổ chức lễ rước sắc Bà bằng kiệu khiêng vòng quanh chợ và gọi lễ này là lễ “Kiệu Bà”. Từ sau năm 1975, kiệu được thay bằng cộ đẩy, gọi là Cộ Bà với lễ hội trang trọng.

DƯƠNG THẾ HÙNG – HUỲNH VĂN MỸ

__________

Lễ hội của trai tài gái đảm

Một đã có lịch sử hơn 600 năm ở vùng núi Bắc Giang; một lại chỉ mới được mở ra cách đây chừng 30 năm, lại có chung một cội nguồn văn hóa, chia sẻ tinh thần thượng võ đẹp đẽ của người Việt ở miền núi Thắm: lễ hội Yên Thế (diễn ra ngày 15 và 16-3 dương lịch) và Cầu Vồng (15 và 16 tháng giêng âm lịch).

Biểu diễn võ thuật trong lễ hội Yên Thế – Ảnh: Vương Lâm

Trai hùng ở Yên Thế

Gần 130 năm trước, những nông dân từ nhiều vùng tụ họp dưới cờ của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám trong một cuộc khởi nghĩa lừng lẫy kéo dài gần 30 năm chống lại triều đình Huế bạc nhược và thực dân Pháp xâm lược – khởi nghĩa Yên Thế. Lợi dụng địa thế núi rừng hiểm trở, những người dân giỏi võ và dũng mãnh trong đội quân do Hoàng Hoa Thám chỉ huy đã trở thành nỗi khiếp sợ của thực dân Pháp lúc bấy giờ…

Một trăm năm sau, năm 1984, người Bắc Giang chọn ra một ngày tiến hành những nghi lễ tưởng nhớ vị chủ tướng cùng những người nông dân áo vải trong cuộc khởi nghĩa lẫy lừng ấy. Trong lễ hội, không thể vắng những chàng trai khỏe mạnh cùng thi thố tài nghệ võ thuật cổ truyền, những anh tài bắn cung nỏ của người Yên Thế. Ngày lễ (diễn ra ngày 16-3 hằng năm) trở thành ngày hội tinh thần thượng võ của người dân Yên Thế từ ấy.

Ông Triệu Văn Hòa, người dân tộc Dao, cười hết cỡ: “Vui lắm, không chỉ đám trẻ mong chờ mà người già cũng thích. Dân vùng Yên Thế, già trẻ gái trai ai cũng có thể khoe tài, ai giỏi thì giành giải nhất, tiền thưởng chẳng đáng là bao nhưng tự hào lắm”.

Niềm tự hào ấy hòa trộn trong nỗi mong chờ, háo hức. “Cưỡi ngựa đi hội, cưỡi ngựa bắn nỏ, biểu diễn võ sáo, đẩy gậy… những hai ngày liền cơ” – ông Hòa bảo. Trong “hai ngày liền” ấy, những người nông dân của núi rừng Yên Thế mang đến các thế võ cổ truyền đã tồn tại hàng trăm năm được luyện tập miệt mài có khi gần suốt cả đời người. Mấy người già của huyện Yên Thế cười cười nói nói khi kể về những ngày còn bé.

“Giặc cướp thì nhiều lắm nên đàn ông ở đây ai cũng phải học võ để phòng thân”. Trong ký ức của ông Sinh, một người dạy võ ở thị trấn Cầu Gồ, thì: “Bố tôi kể bọn cướp thường đi cả nhóm vào nhà trói gia chủ lại rồi đàng hoàng xúc thóc mang ra xe quyệt, dùng chính trâu của chủ nhà nghênh ngang kéo đi giữa ban ngày. Gia đình nào không có người giỏi võ có khi mất sạch gia tài cả đời tích cóp. Thế nên người Yên Thế học võ còn để giữ nhà”.

Và sâu trong những thôn bản trù phú của vùng đất này, truyền thống học võ luyện mình ấy vẫn như một mạch ngầm chảy mãi trong mỗi gia đình.

Các cô gái mặc áo tứ thân khéo léo thi tài nấu cơm – Ảnh: Kim Sa

Gái đảm ở Đình Vồng

Nếu lễ hội Yên Thế luôn thu hút mọi “trai hùng” trong các môn võ, vật và đẩy gậy thì ở lễ hội đình Vồng lại là nơi những cô gái đảm đang nhất vùng trổ tài nấu cơm thi. Lễ hội Cầu Vồng diễn ra ngay sân đình Vồng, nơi thờ thần Cao Sơn – Quý Minh và 18 vị quận công họ Dương thời Lê – Mạc, được nhân dân bốn xã Song Vân, Việt Ngọc, Ngọc Vân, Lam Cốt đứng ra tổ chức, cứ ba năm một hội lớn, các năm vẫn có hội nhỏ.

Mỗi xã cử các đội nấu cơm thi, không giới hạn tuổi tác, phụ nữ có chồng hay thanh nữ, miễn khéo léo, đảm đang đều có thể dự thi. “Đây luôn là phần thi được nhiều người chờ xem nhất” – anh Lân, một người dân Tân Yên, cho biết. Để sẵn sàng cho cuộc thi, các đội chơi chuẩn bị quang gánh, niêu đất và củi. Ban tổ chức chuẩn bị gạo ngon.

Một bên quang gánh trang trí hoa tươi, bên kia đặt niêu đất. Một chàng trai mặc áo dài, khăn xếp gánh niêu đất đi theo vòng tròn đã quy định, người con gái mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ đi sau đốt lửa dưới niêu đất. Người gánh phải có dáng đi duyên dáng, không được còng lưng, người đốt củi nấu cơm phải giữ cho ngọn lửa luôn đúng vị trí niêu cơm, cháy vừa để cơm sôi, dùng đũa cả ghế cơm khi cạn nước, rồi lại điều chỉnh ngọn lửa để cơm chín mà không bị khét.

Tất cả tài đảm của người con gái là ở phần thi khó này, nơi sự khéo léo được đánh giá qua bó đuốc có cháy đều hay không, nồi cơm có sôi đủ độ hay không, cơm chín thơm hay không. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa người nam (gánh niêu) và người nữ (giữ lửa) còn là một tiêu chí quan trọng thể hiện sự hòa thuận và khéo léo của mỗi đội chơi.

Có về xứ này mới hiểu câu “Trai Cầu Vồng Yên Thế/ Gái Nội Duệ Cầu Lim” nức tiếng. Tương truyền vào thế kỷ 16 khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, lùa quân đánh vào Lạng Sơn, Hà Giang và các tỉnh biên giới phía Bắc, nhà Mạc khi ấy đóng đô ở Thăng Long bèn cho tìm người tài đánh giặc giữ nước.

Bấy giờ ở xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu, huyện Yên Thế (nay là xã Song Vân) có ba anh em nhà họ Dương là Dương Quốc Minh, Dương Quốc Lượng và Dương Quốc Lương nhà nghèo nhưng có tài võ nghệ hơn người đã xin ứng thí. Còn ở Nội Duệ – Cầu Lim (nay là Tiên Du, Bắc Ninh) lại có ba chị em họ Cao là Cao Xuân Lộc, Cao Băng Tuyết, Cao Tố Mai nhan sắc hơn người, vừa có tài nội trợ vừa thạo cung kiếm. Cả ba chị em cùng về trường xin vào ứng thí giúp vua.

Ba anh em nhà họ Dương về sau lấy ba chị em nhà họ Cao, chung sức đánh giặc. Vua sắc phong ba anh em họ Dương chức quận công, giao cờ, giao kiếm, giao quân cho ba anh em đánh giặc.

Người anh cả Dương Quốc Minh kéo quân về đình Vồng, Vân Cầu – Song Vân, Tân Yên xây thành đắp lũy phòng chống giặc. Người em thứ hai là Dương Hùng Lượng mang quân về làng Dinh, Yên Lễ (nay là xã Cao Xá) lập doanh trại, luyện quân. Người em thứ ba là Dương Hồng Lương mang quân lên vùng Đu Đuổm – Thái Nguyên xây dựng phòng tuyến ngăn quân giặc tràn về Thăng Long. Ba anh em với đường kiếm, tay cung lợi hại đã thắng nhiều trận giòn giã.

Nhưng thế giặc như nước lũ, khi quân đuối sức ba anh em về đình Vồng tự tử để bảo toàn danh tiết. Ba người vợ từ Nội Duệ – Cầu Lim nghe tin chồng tự vẫn cũng nhảy xuống giếng trước cửa đình Vồng chết theo, giữ tròn bốn chữ: trung, trinh, tiết, nghĩa. Dân gian trọng cái tiết tháo, trung nghĩa ấy mà tán thán qua câu “Trai Cầu Vồng Yên Thế/ Gái Nội Duệ Cầu Lim” từ đó.

Suốt mấy trăm năm qua, nhân dân Yên Thế tổ chức hội Cầu Vồng như một cách tưởng nhớ những người đã xả thân vì nước, từ đó mà răn dạy cháu con giữ lấy sự khéo léo của người phụ nữ, sự quả cảm, chí anh dũng của người nam nhi.

HOÀNG ĐIỆP – KIM SA

__________

Hồn và xác lễ hội

Những vần thơ đầy nuối tiếc của thi sĩ Hoàng Cầm nay vẫn ám ảnh chúng ta về một miền ký ức mà tâm thức người Việt chưa hề sao nhãng. Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/Những hội hè đình đám/ Trên núi Thiên Thai/ Trong chùa Bút Tháp/ Giữa huyện Lang Tài/ Gửi về may áo cho ai/ Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?

Múa lân trong lễ hội làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) – Ảnh: Nguyễn Việt Cường

Những trang ký ức

Tuy đã có câu ca Tháng giêng là tháng ăn chơi, nhưng có lẽ người Việt có quá ít thời gian “ăn chơi” so với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Trong hoàn cảnh ấy, nông dân đành nói túng: “Chơi đâu không bằng chơi nhà, quà đâu không bằng quà cơm”.

Trong 7.966 lễ hội (*) một năm có tới 7.039 lễ hội dân gian, nghĩa là do dân một làng, thậm chí một xóm hay cũng có thể một tổng, một huyện tổ chức để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của chính mình. Dân không có điều kiện chơi xa thì đến lễ hội ngay trong làng mình, huyện mình, không chỉ để vui chơi mà còn thỏa mãn những khát vọng và tín ngưỡng của tâm linh vốn là đòi hỏi phần hồn rất chính đáng của họ.

Nhiều lễ hội có từ ngàn xưa đi cùng sự trường tồn của dân tộc. Đó là những trang ký ức sinh động của nhân dân về quá khứ thịnh suy, cay đắng, ngọt bùi. Từ trong gen, trong máu thịt, nhân dân quen cảm nhận bài học và kỷ niệm cũng như những triết lý thâm hậu nhất của cha ông qua lễ hội và những loại hình văn hóa dân gian khác.

Thời xa xưa hồn nhiên “một con một của chẳng ai từ”, cha ông đã ca ngợi tín ngưỡng phồn thực và có không ít lễ hội với những cách thể hiện độc đáo. Bộ sinh thực khí cách điệu bằng gỗ hay đá được rước công khai và chạm vào nhau sau tiếng trống “tùng gí” hay tiếng hô của lão làng trong lễ hội trò trám (12 tháng giêng) của một xóm ở Phú Thọ, lễ hội Đồng Kỵ (6 tháng giêng) của một xã hay lễ hội đền Hùng (10 tháng ba) của cả nước.

Hội trò trám có hẳn cả cuộc lễ linh thiêng nhất vào lúc nửa đêm cho nam nữ diễn trò “linh tinh tình phộc”, đưa “nõ nường” chạm vào nhau trong đêm tối và sau đó là trò “tháo khoán” táo bạo mang vẻ hồn nhiên hoang dã cho nam nữ dự hội.

Sự nghiệp sản xuất lúa nước luôn được đề cao trong một loạt lễ hội khắp Bắc Trung Nam với những trò diễn, trò chơi mô phỏng nghệ thuật cuộc sống lao động nhà nông hay phong tục của làng xã như hội đua bò (miền Nam) chọi trâu (miền Bắc). Hầu như địa phương nào cũng có lễ hội ca ngợi chiến công và anh hùng giữ nước. Đó là những trang ký ức lễ hội đậm nhất, được duy trì bền bỉ nhất trong mọi thời, kể cả thời Bắc thuộc hay Pháp thuộc.

Du lịch và lễ hội ngày nay

Hồn của lễ hội vẫn là tín ngưỡng hay minh triết của cộng đồng. Nhưng nhu cầu thư giãn cũng rất lớn nên bên cạnh việc thờ cúng hay thể hiện triết lý tín ngưỡng, lễ hội nào cũng phải có trò chơi, âm nhạc (thường là hát chầu văn, quan họ…) kèm nhảy múa để lôi cuốn đông đảo quần chúng không chỉ trong phạm vi một xóm, một xã mà còn cả tỉnh, cả nước như hội chùa Hương, Yên Tử hay hội Bà Chúa Xứ.

Và từ thuở xa xưa, lễ hội nào cũng có một “phiên chợ” ăn theo, chẳng kém sôi nổi so với phần “hội”, đặc biệt đối với trẻ con. Vì hễ có đông người là có chợ để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, mua sắm và du khách thường không bỏ lỡ dịp mua vật lưu niệm hay đặc sản địa phương.

Vì thế mà lễ hội thường gắn với du lịch. Nhiều địa phương tìm cách quản lý lễ hội để dễ dàng làm du lịch. Nhưng lễ hội hay du lịch, chợ hay hội, cái nào là chính, ai tìm đến ai đây? Trong bản chất, tổ chức lễ hội là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Cũng trong bản chất, du lịch là kỹ nghệ xanh nhằm “moi” tiền du khách, tăng trưởng kinh tế bằng văn hóa. Nếu kết hợp không khéo hai thứ phần hồn và phần xác ấy thì có khi thất thu cả hai, như thường thấy trong nhiều lễ hội ở nước ta.

Dẫu biết vai trò Nhà nước là quan trọng, vì với một lễ hội lớn có hàng triệu lượt người tham gia trong mấy tháng liền như hội chùa Hương, thì không thể phó thác cho xã hay buông trôi cho tư nhân. Nhưng đã bao năm nay, câu chuyện các nhà nước cấp tỉnh quản lý (như ở hội chùa Hương hay Bà Chúa Xứ) lại thấy có vẻ như càng quản càng lắm rối rắm và bất cập.

Nguyên nhân căn bản của sự bất lực nhiều năm mà ít người muốn thừa nhận là: quản lý nhà nước đậm phần hành chính đã làm mờ nhạt hoặc lấn át phần tâm linh của lễ hội. Khi phần tín ngưỡng trong lễ hội không được từng người tham gia tự giác coi trọng thì phần vui chơi sẽ lấn lướt, không có công cụ nào có thể thay thế thánh thần và đức tin để lập lại trật tự mong muốn. Mà nhân dân thường sợ trời Phật hơn dùi cui cảnh sát.                                                                                                                

Thảm hại hơn là những lễ hội được khoán trắng cho các công ty du lịch. Bởi việc thu tiền và lợi nhuận sẽ được đưa lên hàng đầu, phần hồn của lễ hội bị bỏ quên, bị triệt tiêu cũng thường thấy. Nhiều người nay đến hội để “vui là chính”, để “nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh”, để mua hàng lưu niệm, để có thú vui ẩm thực, cũng đi rước, cũng thắp hương, khấn vái nhưng không biết mình đang khấn vái, cầu xin ai.

Hội chùa Hương, Yên Tử cũng như ở rất nhiều chùa chiền miếu mạo có lễ hội trên đất nước, nơi dân chúng tìm đến để được cầu xin bằng an, đang bị xâm lấn bởi chợ – nơi năm nào cũng bày đầy những thứ hàng lưu niệm nghèo nàn và tẻ nhạt…Phần “hồn” còn bị nhũng nhiễu bởi đội quân bán quà vặt và thầy cúng dỏm vụ lợi. Mà sự đam mê trần tục chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn, kết cục là lễ hội mỗi ngày một teo tóp lại. Vẻ đẹp thiêng liêng cũ đã mất, cái đẹp mới thì vẫn chưa tìm thấy.

Kết hợp một thứ rất cũ (lễ hội) với một thứ rất mới (du lịch) đòi hỏi hiểu biết văn hóa thâm sâu. Nhưng khi chưa tìm đủ sự thâm sâu ấy trong quản lý lễ hội, cái lợi nhất thời có mùi đồng tiền vẫn lấn át cái hồn lâu đời của lễ hội. Cuộc tấn công của du lịch và quảng cáo vào lễ hội xảy ra liên tục, thường xuyên với những hình thức có khi đến lố bịch như chai rượu khủng hay bánh chưng xốp cống vua Hùng năm nào… vẫn đang lớn lên như một nguy cơ.

Khơi lại suối nguồn trong trẻo

Sự thật thì lối ra ở ngay trong tầm tay tầm mắt nếu người ta thật sự muốn nhìn, muốn có, chịu gõ cửa và… muốn bước ra. Bước đầu tiên là phải thật sự tôn trọng phần hồn của một số lễ hội. Cái phần hồn ấy, như tín ngưỡng phồn thực với hình thức biểu hiện có một không hai ở một số lễ hội miền Bắc, miền Trung như sự tôn vinh nghề trồng lúa nước, sự thờ cúng anh hùng liệt sĩ lịch sử… khẳng định và nhắc nhở thuần phong mỹ tục không thể tính thành tiền, càng không phải là cơ hội để cho ai đó, nhóm nào đó kiếm chác.

“Lợi nhuận” của những lễ hội này là cả tương lai của dân tộc, nguồn suối nuôi dưỡng sinh khí và “nguyên khí” của một vùng, một xứ. Du lịch chỉ nên kết hợp vừa đủ để thanh khoản chi phí quản lý. Cái lợi văn hóa của phần “hội” sẽ lớn hơn rất nhiều lần phần “chợ”.

Có người sẽ hỏi: vậy lấy tiền đâu để tôn tạo, trùng tu di tích? Tiền quan trọng bậc nhất nhưng không quyết định được phần hồn của một người huống gì một lễ hội. Không đủ tiền duy trì lễ hội chỉ đáng buồn chứ không đáng sợ.

Bao đời nay, chùa Hương, Yên Tử, các chùa Tây Phương, chùa Mía, nơi có hàng trăm bức tượng cổ mấy trăm năm tuổi vẫn là danh lam, thắng cảnh, lễ hội vẫn diễn ra đều đặn hằng năm kể cả trong thời chiến. Nhưng nay thật đáng sợ khi ngắm lại dãy tượng lừng danh của chùa Mía được “trùng tu” sau một dự án lớn của Bộ VH-TT&DL, đáng sợ khi lễ ban ấn đền Trần vốn là nghi thức giao trách nhiệm công quyền sau Tết Nguyên đán của các vua sáng đời Trần đã biến thành cuộc chạy chức ảo của một số ông quan béo bụng ngày nay.

Cũng thật buồn khi ngắm hệ thống cáp treo chạy trên đầu con đường mòn thái thượng hoàng Trần Nhân Tông từng khăn gói quả mướp lận rừng tìm đường lên suối nguồn Trúc Lâm Thiền phái. Không hiểu vì sao tám trăm năm sau, đàn con cháu đại lãn lại phải ngồi cáp treo để lên núi thắp hương viếng đấng minh quân trong lễ hội Yên Tử, như thể không còn bám được vào từng tấc đất mà thượng hoàng đã di chúc là “không thể để mất”? “Hãy tùy duyên mà vui với đạo”, câu thơ của bậc khai sáng nhắc rằng nếu ngại cả việc leo núi thì đi hội Yên Tử làm gì?

Và hãy trở về với hơn bảy ngàn cái hội làng, tùy cơm gắp mắm, đơn sơ, bình dị nhưng phần hồn ấy của ngày hội vẫn ngàn lần nặng hơn phần xác ồn ào.

Ảnh: Cấm Thủy

Hội làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) – một làng quê Kinh Bắc cổ có nghề mộc danh tiếng – không chỉ hấp dẫn ở lễ rước pháo mà còn ở tục chọn và tung ông Đám – một nghi lễ độc đáo tái hiện hình ảnh bốn vị tướng từng theo thành hoàng làng là Đức Thánh Thiên Cương đời vua Hùng thứ 6 đánh giặc.

Diễn ra trong ba ngày (mồng 3-4 và 5 tết), bốn giáp của Đồng Kỵ chọn mỗi giáp một “ông Đám” – là một người đàn ông có uy tín, đều 50 tuổi, sức khỏe tốt, gia đình êm ấm, trong năm làm ăn phát đạt và không có tang.

Sau khi được chọn, các trai tráng trong làng mặc quần cộc đỏ, cởi trần nhấc bổng ông Đám lên cao, bắt đầu cuộc đua tung các ông Đám. Ông Đám của giáp nào được giữ vững trên những cánh tay giơ cao kết lại thành khối săn chắc của các tráng đinh giáp đó trong một đám rước cuồng nhiệt quanh sân đình.

Ông Đám vừa giữ thăng bằng vừa thể hiện nét mặt vui vẻ và những động tác múa, đấu võ đầy vẻ hùng dũng để khích lệ tinh thần người dân trong giáp. Ông Đám nào trụ vững lâu nhất trên tay các tráng đinh sẽ mang về niềm vui may mắn cho cả giáp năm đó.

NGUYỄN QUANG THÂN

__________

(*) Thống kê của Bộ VH-TT&DL năm 2010.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.